Tháng 1/2012 ông Hitoshi Nakama, thành viên hội đồng thành phố Ishigaki, tỉnh Okinawa và 3 thành viên khác đã đặt chân lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Bốn vị quan chức trên đã thị sát hòn đảo không có người ở này — và cũng giống như các đảo khác ở Senkaku, về lý thuyết là thuộc quyền tài phán của Ishigaki nhưng bị Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền — vài giờ trước khi trở về nhà do lo ngại chạm trán với Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG). Và giống như 14 lần tới thăm các đảo ở Senkaku, ông Nakama đều bị nhà chức trách chất vấn nhiều giờ liền – vì bất chấp việc Nhật Bản đã tuyên bố rằng quần đảo này thuộc lãnh thổ nước này và được quản lý khá Hiệu quả, Chính phủ Nhật Bản vẫn cấm bất cứ ai, kể cả người Nhật đặt chân lên quần đảo này. Ông Nakama cho biết: “Quần đảo Senkaku là lãnh thổ Nhật Bản và nằm trong quyền tài phán của Ishigaki và tôi không hiểu tại sao tôi lại bị nhà chức trách ngăn cản. Đây chính là một thực tế của Nhật Bản hiện nay do nguyên tắc của luật pháp quy định”. Nằm trên biển Hoa Đông giữa Ishigaki và Đài Loan, quần đảo Senkaku là trung tâm của những tranh cãi về lãnh thổ trong nhiều thập kỷ. Senkaku mới đây lại nổi lên như là một điểm nóng, có nguy cơ châm ngòi cho đụng độ quân sự, đặc biệt là kể từ khi thị trưởng Tôkyô, ông Shintaro Ishihara, tuyên bố kế hoạch theo đó thành phố này sẽ mua lại 3 hòn đảo thuộc quần đảo này. Động thái này làm nảy sinh căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng nếu bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào nổ ra với các hòn đảo không người ở này, Mỹ có thể sẽ hỗ trợ quốc phòng cho Nhật Bản – theo như những gì mà các quan chức Mỹ trước đó từng đề cập – trên nền tảng Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Tuy nhiên, theo cựu Tổng Giám đốc Cục Tình báo và nhà phân tích của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Ukeru Magosaki, ít có khả năng Mỹ có thể làm được việc này, ít ra là ngay lập tức, bởi hành động can thiệp vũ trang nhất thiết phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Vì vậy, Mỹ sẽ không bắt buộc phải can thiệp quân sự dựa trên hiệp ước an ninh kể trên. Ông Magosaki cho biết: “Mỹ chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình chừng nào đạt được sự đồng thuận về nguy cơ tiềm tàng đối với Nhật Bản tại Quốc hội… Mỹ có thể hoặc không thể hỗ trợ quân sự. Nghĩa là việc thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước an ninh là hoàn toàn tuỳ thuộc vào phía Mỹ”. Tại cuộc họp báo hồi tháng 12/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton khẳng định rằng Mỹ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, một thoả thuận giữa hai nước hồi năm 2005 đã chỉ rõ rằng Nhật Bản ban đầu sẽ phải đơn độc trong bất cứ cuộc xung đột quân sự nào liên quan đến các đảo ở Senkaku. Thoả thuận có đoạn nêu: “Nhật Bản sẽ tự bao vệ và đáp trả trước các tình huống trong khu vực xung quanh Nhật Bản, trong đó có cả hành động xâm lược các hòn đảo ở xa”. Do tính chất nhạy cảm trong vấn đề ngoại giao, từ lâu nay, Tôkyô đã cố né tránh kích động Bắc Kinh thông qua chính sách hạn chế nghiêm ngặt nhằm “duy trì và kiểm soát các đảo này một cách hoà bình và ổn định”. Chính quyền trung ương lâu nay cũng phớt lờ những yêu cầu và kiến nghị lặp đi lặp lại từ phía các công dân Nhật muốn xây dựng một số công trình mang tính tượng trưng để khẳng định sự hiện diện của chính quyền trung ương ở các đảo xa.

Ông Nakama cho biết: “Thật lạ lùng khi chính phủ từ chối cho lên đảo chỉ vì lo ngại bất đồng với các nước láng giềng. Nhật Bản cần duy trì một thái độ cương quyết”. Kết quả của 15 chuyến ra đảo đến nay là ông Nakama phải đối mặt với vụ khởi tố tội xâm nhập bất hợp pháp và sẽ phải tra khoản tiền phạt lên tới 100.000 yên. Là một thành viên độc lập thuộc hội đồng thành phố Ishigaki từ năm 1994, Nakama đã vận động về vấn đề Senkaku và luôn gây áp lực đối với chính quyền, vốn có quan điểm rằng quần đảo này được sáp nhập vào lãnh thổ Nhật Bản vào tháng 1/1895 sau khi khẳng định chúng không có người ở, không có chủ sở hữu và không bị bất cứ quốc gia nào kiểm soát. Sau chiến tranh, Senkaku được sáp nhập vào lãnh thổ Nhật Bản dưới thời kỳ quân đồng minh chiếm đóng. Tình trạng chiếm đóng ở các đảo chính kết thúc vào đầu thập niên 1950 nhưng nó vẫn còn tiếp tục duy trì đối với Okinawa và các đảo lân cận và chỉ thực sự được trao trả cho Nhật Bản vào năm 1972. Tôkyô tuyên bố đây là bằng chứng rõ ràng để cộng đồng quốc tế công nhận Senkaku là một phần của Nhật Bản – trước đó từng bị buộc phải từ bỏ tất cả những vùng lãnh thổ mà phát xít Nhật chiếm đóng trước và trong chiến tranh, bao gồm cả Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vào năm 1971, Trung Quốc tuyên bố Nhật Bản đã “đánh Cắp” các đảo, bao gồm cả Đài Loan, trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Trung-Nhật (8/1894-4/1895). Trong con mắt của Bắc Kinh, Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là một phần của Đài Loan và phải được trao trả cho Trung Quốc theo yêu cầu của Tuyên bố Cairo năm 1943 mà Nhật Bản chấp nhận khi đầu hàng để chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản chỉ ra rằng Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku sau khi xuất hiện báo cáo từ một ủy ban của Liên hợp quốc hồi tháng 5/1969 rằng dưới đáy biển gần Senkaku có chứa một trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh cũng tiến hành các cuộc tranh chấp lãnh thổ tương tự trên Biển Đông, Hải quân Trung Quốc – hiện chủ yếu đóng ở các khu vực ven biển – đang nỗ lực tăng cường sức mạnh ở Thái Bình Dương làm gia tăng tầm quan trọng chiến lược của quần đảo Senkaku. Tại cuộc gặp hôm 13/5 giữa Thủ tướng Yoshihiko Noda và người đồng cấp Ôn Gia Bảo ở Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo đã bất đồng trong vấn đề này. Mối quan hệ Trung-Nhật cũng trở nên căng thẳng khi Nhật Bản bắt giữ một ngư dân Trung Quốc hồi tháng 9/2010 gần quần đảo này. Mặc dù ông này sau đó đã được phóng thích nhưng Trung Quốc đã phản đối gay gắt vụ bắt giữ trên, từ chối các cuộc tiếp xúc cấp cao và giao lưu văn hoá cũng như cắt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Theo cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Magosaki, sự cứng rắn mà Bắc Kinh thể hiện sau vụ bắt giữ năm 2010 là một tín hiệu mạnh mẽ cảnh báo Nhật Bản về những nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột quân sự. Các đảo trên đều được hai bên tuyên bố chủ quyền và đó là một tình huống vô cùng nguy hiếm”.

Trong khi đó, làn sóng phản đối quân đội Mỹ vẫn còn mạnh mẽ ở Okinawa với nhiều tiếng nói yêu cầu di chuyển các căn cứ quân sự của Mỹ khỏi nơi này. Thế nhưng, ông Nakama lại thúc giục Mỹ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Okinawa để đóng vai trò như một sự răn đe nhằm ngăn chặn Trung Quốc đánh chiếm Senkaku. Nakama cho biết: “Nhật Bản cần phải tự bảo vệ mình nhưng không thể duy trì hoà bình mà không có sức mạnh của người đồng minh của chúng ta, nước Mỹ. Tôi biết một số người cho rằng quân đội Mỹ cần phải rời khỏi Okinawa nhưng tôi cho rằng chúng ta cần đến các căn cứ của Mỹ với bất cứ giá nào”. Thời gian gần đây, thất vọng trước sự thiếu rõ ràng của chính phủ, thị trưởng Tôkyô Shintaro Ishihara tuyên bố chính quyền thành phố sẽ cố gắng mua lại 3 đảo từ một công dân Nhật sống ở tỉnh Saitama. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Yoshihiko Noda khẳng định chính phủ sẽ cân nhắc “tất cả các khả năng” xử lý các hòn đảo này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia – trong đó có Magosaki – đều giật mình trước động thái của thị trưởng Ishihara và lo ngại mục tiêu và lời lẽ của ông Ishihara có thể đẩy chủ nghĩa dân tộc lên cấp độ nguy hiểm ở cả hai quốc gia. Ông Magosaki cho biết: “Điều quan trọng nhất đối với Nhật Bản là phải nhận thức được rằng vấn đề lãnh thổ có thể dẫn đến xung đột quân sự và chúng ta cần phải ngăn chặn kết cục này bằng mọi giá”./.

Theo Japantimes (ngày 18/5)

Mỹ Anh (gt)