Hà Nội nói rằng các tàu của họ đã va chạm với các tàu của Trung Quốc ở khu vực gần các vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, nơi một công ty dầu mỏ của Trung Quốc đang triển khai một giàn khoan dầu khí nước sâu. Và ở quần đảo Trường Sa, một tàu đánh cá Trung Quốc đã bị lực lượng cảnh sát biển Philippines bắt giữ. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng rằng Philippines và Việt Nam đã quấy nhiễu “các hoạt động bình thường” của các tàu Trung Quốc ở những vùng biển thuộc Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược tuyên bố những hoạt động ở quần đảo Tây Sa đều “nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và không liên quan tới Việt Nam”. Giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 (HD-981) là giàn khoan nước sâu đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, đã được nước này điều đến Biển Đông. Hà Nội tuyên bố rằng hoạt động khoan thăm dò của giàn khoan HD-981 là bất hợp pháp và đã cử các tàu tuần tra tới khu vực này, dẫn đến ít nhất 30 vụ va chạm với các tàu của Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố hôm 3/5 rằng họ đang khoan thăm dò ở đó. Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham Mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam, nói rằng Trung Quốc “đã chủ động sử dụng súng phun nước để tấn công các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.” Ông Ngô Ngọc Thu cũng cho biết “một số người Việt Nam đã bị thương do bị những mảnh kính vỡ văng vào người khi xảy ra xung đột” với các tàu của Trung Quốc. 

Tại một điểm nóng khác trên Biển Đông, Bắc Kinh đã cử một tàu cảnh sát biển tới Bãi Trăng Khuyết ở quần đảo Trường Sa, nơi một tàu cá Trung Quốc bị cảnh sát biển Philippines bắt giữ, và đã đưa ra tuyên bố phản đối Manila. Con tàu đánh cá của Trung Quốc và 11 ngư dân trên tàu đã bị bắt giữ vào ngày 6/5 cùng với 350 con rùa biển. Chính phủ Philippines nói rằng nước này sẽ đưa ra những cáo buộc về việc con tàu này đánh bắt những con rùa biển xanh đang gặp nguy hiểm. Manila gọi đây là một hành động nhằm “bảo vệ các quyền chủ quyền” của họ. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phản bác và tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu Philippines đưa ra một lời giải thích hợp lý, đồng thời thả ngay lập tức tàu đánh cá cùng các thành viên thủy thủ đoàn trên con tàu đó”. 

Nhận định về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông hiện nay, các nhà quan sát nói rằng những vụ việc trên cho thấy rằng sẽ có thêm nhiều cuộc đối đầu nữa ở vùng biển này, mặc dù các cuộc xung đột quân sự chưa chắc sẽ xảy ra. Ông Trương Minh Lượng, một chuyên gia về các vấn đề khu vực thuộc Đại học Tế Nam cho rằng “những sự nghi ngờ giữa các quốc gia này đang gia tăng”. Trong khi đó, ông Đỗ Kế Phong, một chuyên gia phân tích thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh: “Các cuộc xung đột mới sẽ xuất hiện/bùng phát khi những cuộc xung đột cũ không được giải quyết”. 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cùng ngày cũng đăng tải bài viết của Học giả Frank Ching với tiêu đề: "Trọng tài quốc tế: Cách thức giải quyết tranh chấp biển ở Châu Á". Theo đó, học giả Frank Ching cho rằng những tranh chấp lãnh hải ở châu Á có thể được dàn xếp thông qua tòa án quốc tế. 

Các phương tiện truyền thông hết sức quan tâm đến chuyến công du 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng 4 vừa qua. Điều này có phần dễ hiểu, bởi 3 trong số 4 nước trên (bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines) đều là những đồng minh của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh đó, dư luận còn tập trung chú ý tới những bước tiến đáng kể về mặt quân sự khi người đứng đầu Nhà Trắng đảm bảo một cách chắc chắn rằng vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật. 

Với Malaysia, đó là vấn đề tranh chấp chủ quyền xung quanh bãi cạn James mà Trung Quốc gọi là Tăng Mẫu. Hồi tháng 2 vừa qua, hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin một đội tàu Trung Quốc đã tiến hành tuần tra vùng biển xung quanh khu vực trên, song Malaysia không lên tiếng phản đối mà còn khẳng định "không có sự việc đó". Bãi cạn James - rạn san hô ngập nước và không mấy nổi bật nằm ở vị trí cách bờ biển Bang Sarawak của Malaysia chỉ 80 km, nằm trong vùng đặc quyền 200 hải lý của nước này. Bãi cạn này theo cách gọi của phía Trung Quốc là Tăng Mẫu cách bờ biển Trung Quốc 1.800 km. Bắc Kinh coi đó là điểm cực Nam của "đường lưỡi bò" phi lý mà nước này đơn phương vạch ra trên Biển Đông. 

Malaysia đã công khai thừa nhận nguyên tắc "giải quyết tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm trọng tài quốc tế". Một mặt, sự việc trên báo hiệu việc chấp thuận các nguyên tắc trọng tài quốc tế của Malaysia. Trên thực tế, nước này đã có lịch sử chấp nhận các quy định của Tòa án quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp với những nước láng giềng, điển hình như với Indonesia vào năm 2002 và với Singapore vào năm 2008. Mặt khác, Malaysia có ý định ủng hộ Philippines, nước đang theo đuổi vụ kiện Trung Quốc lên trọng tài quốc tế liên quan tới những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa hai nước. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối cơ chế giải quyết tranh chấp vốn được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Theo cách này hay cách khác, 4 nước trong hành trình của Tổng thống Obama đến châu Á hồi cuối tháng trước đều có những tranh chấp biển với Trung Quốc cũng như ngay trong nội bộ những nước này. Điển hình là tranh chấp chủ quyền các hòn đảo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, giữa Malaysia và Philippines. 

Hiện nay, trên thế giới có một xu thế phổ biến là các quốc gia thường từ chối trọng tài quốc tế khi bản thân họ vẫn kiểm soát được phần lãnh thổ tranh chấp. Thực tế cho thấy những nước này chỉ nhờ cậy đến tòa án quốc tế khi mà phần lãnh thổ tranh chấp đó không còn nằm trong tầm kiểm soát của họ nữa. Đây cũng là lý do khiến Nhật Bản đồng ý để Tòa án Quốc tế quyết định vấn đề quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo). Tuy nhiên, Seoul, vốn đang nắm quyền kiểm soát quần đảo này nên đã từ chối sự phân xử của trọng tài quốc tế. Trong khi đó, đối với tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản lại từ chối để Tòa án quốc tế vào cuộc và trên thực tế Tokyo không bao giờ thừa nhận đó là một tranh chấp. 

Học giả Frank Ching đi đến nhận định rằng nếu Nhật Bản có ý định thay đổi lập trường và chấp nhận phán xét của tòa án quốc tế trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc thì sẽ gây áp lực lớn buộc Bắc Kinh phải chấp nhận trọng tài quốc tế trong giải quyết các tranh chấp ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đây sẽ là một bước tiến lớn trong việc tiến tới áp dụng các quy định của pháp luật trong quan hệ quốc tế. 

Viết Tuấn (gt)