Thứ nhất, có thể tổng hợp lực lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc có lực lượng tàu chiến nổi quy mô lớn nhất châu Á, bao gồm 75 chiến hạm chủ lực, 55 tàu lưỡng cư loại lớn và vừa, khoảng 85 tàu tuần tra trang bị tên lửa… Với lực lượng trên biển khá đông và đa dạng như vậy, nếu chỉ dựa vào việc chỉ huy trên bờ thì hiệu quả tác chiến giảm nhiều, không thể phát huy ưu thế tác chiến tập thể. Một khi có tàu sân bay, Hải quân Trung Quốc có thể thành lập biên đội tác chiến tàu sân bay, lợi dụng tàu sân bay để thống nhất tác chiến trên biển, từ đó hình thành sức mạnh tác chiến liên hợp nhất thể hóa, nâng cao năng lực chiến đấu.

Thứ hai, có thể cung cấp năng lực phòng không tầm xa cho Hải quân Trung Quốc. Do ảnh hưởng của nhiều nhân tố như chiến lược hải quân, thực lực kinh tế và trình độ kỹ thuật, binh chủng Hải quân Trung Quốc thời kỳ đầu lấy việc phát triển tàu ngầm, không quân-hải quân và tàu cao tốc làm chủ đạo. Tuy nhiên, kết cấu binh lực hải quân kiểu phòng ngự biển gần này không phù hợp cho việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu viễn dương, không thể bảo vệ quyền lợi biển và lợi ích ở bên ngoài của Trung Quốc. Do đó, Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu tập trung tiến hành thiết kế và trang bị đội tàu chiến loại lớn, và đại diện của nó là tàu sân bay. Giành quyền kiểm soát trên biển là tiền đề để hạm đội hải quân hiện đại tác chiến hữu hiệu, song sau khi ra khỏi phạm vi bảo vệ của lực lượng phòng không trên đất liền, hải quân cần có một hệ thống bảo vệ phòng không đáng tin cậy. Là một sân bay và trung tâm chỉ huy tác chiến trên không di động trên biển, tàu sân bay hiện là biện pháp duy nhất có thể bảo vệ phòng không hữu hiệu cho hạm đội tác chiến ở biển xa. Trong khoảng thời gian rất dài sau này, lực lượng phòng không trên biển mà tàu sân bay cung cấp vẫn sẽ là lực lượng tất yếu đối với hải quân viễn dương.

Thứ ba, có thể nâng cao trình độ thông tin hóa của Hải quân Trung Quốc. Sau khi hình thái kỹ thuật chiến tranh nhân loại bước vào chiến tranh thông tin hóa, kỹ năng C4I (thông tin, chỉ huy, kiểm soát, tình báo và tin học) trực tiếp quyết định sự thành bại. Là một tổ hợp tác chiến nổi lớn nhất trên biển, không gian của tàu sân bay lớn, tính cơ động cao, lại có thể tự cung cấp nguồn điện đầy đủ, dung nạp nhiều thiết bị điện tử, nhờ đó nó trở thành trung tâm thông tin, chỉ huy, kiểm soát, tình báo và tin học lý tưởng nhất ở ngoài khơi.

Thứ tư, có thể nâng cao năng lực tấn công tầm xa trên biển của Hải quân Trung Quốc. Sang thế kỷ mới, ứng dụng của kỹ thuật cao đang tạo bước đột phá mang tính lịch sử đối với uy lực và hiệu suất của các loại vũ khí, mở rộng từ phạm vi chiến dịch tới phạm vi chiến lược. Tấn công trên biển trở thành một trong những mô hình quan trọng của tác chiến hải quân hiện đại. Trong quá trình tác chiến trên biển, tàu sân bay vừa có thể lợi dụng các máy bay mà nó chuyên chở để tấn công chính xác các mục tiêu (cả trên biển và trên bộ), vừa có thể lợi dụng hệ thống C4I có khả năng hướng dẫn và đánh giá hiệu quả của các loại tên lửa hành trình được bắn đi từ biên đội tàu sân bay. Có thể nói rằng Hải quân Trung Quốc khi được trang bị tàu sân bay sẽ nâng cao được năng lực tấn công chiến lược tầm xa, từ đó hình thành “chuỗi tấn công trên biển” hoàn chỉnh.

Thứ năm, sẽ nâng cao năng lực sinh tồn của lực lượng hạt nhân trên biển. Trong hệ thống tấn công hạt nhân “3 trong 1”, lực lượng hạt nhân trên biển có tính ẩn náu tốt, khả năng sinh tồn trên chiến trường và tấn công liên tục cao… nên được các nước đặc biệt coi trọng phát triển. Với kết cấu binh lực hải quân biển gần, Trung Quốc không thể bảo vệ hữu hiệu cho tàu ngầm hạt nhân của mình thâm nhập đại dương, song với các biên đội tàu sân bay, vấn đề sẽ được giải quyết, năng lực sinh tồn trên chiến trường của tàu ngầm cũng như uy lực của vũ khí hạt nhân sẽ được nâng lên.

Thứ sáu, nâng cao năng lực của Hải quân Trung Quốc trong việc đối phó với các nguy cơ phi truyền thống. Cùng với tiến trình toàn cầu hóa, các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển ngày càng nổi trội, tàu sân bay có khả năng khống chế trên biển cực lớn, hỏa lực mạnh, là vũ khí lý tưởng để đối phó với hải tặc và thế lực khủng bố trên biển. Bên cạnh đó, tàu sân bay cũng có tác dụng vượt trội trong công tác cứu hộ cứu nạn thiên tai, điều này đã được minh chứng trong thảm họa sóng thần năm 2004./. 

Theo “Tín báo” (Hồng Công) ngày 6/8

Vũ Hiền (gt)