US-Naval-exercise-in-the-South-China-Sea.jpg

Nếu được Thượng viện xác nhận sau các phiên điều trần vào tuần trước tại Đồi Capital, nhóm này sẽ bắt tay vào nhiệm vụ tối quan trọng và nhạy cảm là thiết lập một nền tảng chiến lược vững chắc, tạo bệ phóng cho chính quyền mới, trong đó dành ưu tiên cho các mục tiêu an ninh quốc gia phù hợp với quan điểm của ông Trump, đồng thời định hướng các nhân tố sức mạnh quốc gia để đạt các mục tiêu đó một cách tốt nhất.

Một câu hỏi cơ bản mà họ nên xem xét là mức độ quan trọng của việc tổng thống mới nên ưu tiên duy trì khả năng tiếp cận của Mỹ với các đại dương trên thế giới, mà từ lâu đã là nền tảng chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Với mục tiêu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chính quyền của ông Trump cần cân nhắc 6 bước đi sau đây để đảm bảo hiệu quả nhất tự do trên biển:

Thứ nhất, ông Trump cần tuyên bố sớm và rõ ràng rằng bảo vệ tự do hàng hải trên thế giới là lợi ích quốc gia hàng đầu của Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã quá chậm trễ trong việc khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, khiến thế giới cho rằng Mỹ chỉ thuần túy chạy theo những diễn biến cụ thể mà thiếu đi một nguyên tắc nền tảng. Do vậy, ông Trump nên khẳng định dứt khoát quyền tự do hàng hải, cả trong những phát biểu công khai trong ngày làm việc đầu tiên của chính quyền mới và cuối cùng là trong chiến lược an ninh quốc gia của ông.

Thứ hai, ông Trump cần nhanh chóng điều chỉnh các hoạt động ngoại giao và quân sự để khẳng định thông điệp trên. Bộ Ngoại giao của chính quyền mới cần gửi thông điệp đến tất cả các nước trên thế giới, nhấn mạnh cam kết bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ. Bộ Quốc phòng cần tăng cường tần suất các cuộc tuần tra trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trên toàn thế giới.

Thứ ba, ông Trump nên chuẩn bị đối đầu với các thách thức sớm từ các cường quốc khác. Thách thức có thể đến từ Nga, Iran và Triều Tiên, nhưng Trung Quốc có thể sẽ là quốc gia đi đầu. Vào ngày thứ 71 của chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush, 1 máy bay chiến đấu Trung Quốc đã va chạm với 1 máy bay Hải quân Mỹ đang thực hiện hoạt động quân sự hợp pháp trong không phận quốc tế. Vào ngày thứ 47 của chính quyền Obama, 5 tàu Trung Quốc đã bao vây tàu USNS Impeccable đang thực hiện hoạt động quân sự hợp pháp ở ngoài vùng lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Gần đây nhất, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa ông Obama và ông Trump, 1 tàu của Hải quân Trung Quốc đã thu giữ 1 tàu lặn không người lái mà tàu USNS Bowditch triển khai để tiến hành các khảo sát quân sự tại vùng biển nằm ngoài hải phận của bất kỳ quốc gia nào.

Thứ tư, ông Trump cần kêu gọi các đồng minh tham gia bảo vệ tự do hàng hải trên toàn cầu. Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã kêu gọi đồng minh đóng góp thêm cho hợp tác quân sự với Mỹ. Quan điểm này cũng nên được áp dụng với tự do hàng hải.

Thứ năm, ông Trump cần xem xét việc thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho các hành động bảo vệ tự do hàng hải, việc tham gia UNCLOS sẽ tạo đòn bẩy cho các công ty của Mỹ tham gia khai thác dầu khí tại các vùng biển sâu, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng.

Thứ sáu, ông Trump cần tăng cường năng lực của Hải quân, Tuần duyên và Không quân để đảm bảo tự do hàng hải. Việc tăng cường số lượng tàu chiến và máy bay không phải là cách duy nhất để bảo vệ tự do hàng hải, nhưng việc có lực lượng quân sự lớn hơn sẽ đảm bảo sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ trên các vùng biển.

Tác giả Jonathan Odom là Giáo sư quân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương, cựu Cố vấn Chính sách Đại dương của Bộ Quốc phòng Mỹ. Bài viết đăng trên "National Interest" (ngày 16/1).

Lê Sơn (gt)