Trước đó không lâu, Trung Quốc đã cho lưu hành hộ chiếu điện tử bên trong in bản đồ với đường "đứt khúc chín đoạn" tại Biển Đông. Động thái này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các nước, trong đó có Việt Nam và Philíppin. Tất cả những biện pháp này cho thấy, sau Đại hội 18, để phù hợp với chiến lược trở thành “cường quốc hải dương” mà Báo cáo Chính trị trình Đại hội 18 đã nêu ra, Trung Quốc có thể sẽ tập trung sức lực bảo vệ chủ quyền biển. 

Theo “Điều lệ Quản lý trị an biên phòng bờ biển tỉnh Hải Nam”, 6 hành vi sẽ bị xử phạt bao gồm: Khiêu khích thông qua việc dừng tàu thuyền hoặc thả neo phi pháp trong vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý; tự ý nhập cảnh khi chưa được phép hoặc tự ý thay đổi cảng xuất nhập cảnh; đổ bộ phi pháp lên các đảo do tỉnh Hải Nam quản lý; phá hoại hạ tầng phòng vệ ven biển hoặc các cơ sở sản xuất sinh hoạt trên các đảo do tỉnh Hải Nam quản lý; thực hiện hoạt động tuyên truyền xâm phạm tới chủ quyền hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc; có hành vi khác mà pháp luật và pháp quy của Trung Quốc quy định là đi ngược lại việc quản lý trị an biên phòng duyên hải. 

Theo trang tin "Đa chiều", đây là lần đầu tiên Trung Quốc nêu rõ sẽ thực hiện hành động mang tính cưỡng chế trong vấn đề Biển Đông. Hầu hết dư luận bên ngoài cho rằng, sau cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo căng thẳng tại Đại hội 18, Trung Quốc có thể sẽ thể hiện thái độ cứng rắn hơn và có hành động thực chất hơn trong vấn đề Biển Đông để tiếp tục chương trình Biển Đông vốn bị gián đoạn bởi Đại hội 18. Việc Mỹ thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, lôi kéo các nước xung quanh Biển Đông bao vây Trung Quốc đã gây ra cảm giác bất an và sự bất mãn cao độ từ Trung Quốc. Trung Quốc một mặt chỉ trích gay gắt, mặt khác cho thực thi các biện pháp phản chế nhằm vào các nước mà họ cho rằng đã nguyện làm “tiên phong” của Mỹ như Philíppin và Việt Nam. 

Vào thời điểm Trung Quốc tập trung cho cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Mỹ cũng tập trung chuẩn bị bầu cử tổng thống, vì vậy vấn đề Biển Đông đã lắng xuống. Tuy nhiên, sau khi bầu cử tổng thống Mỹ đã "hạ màn" và Đại hội 18 bế mạc, tranh chấp Biển Đông một lần nữa nổi lên. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, hoạt động ngoại giao quy mô lớn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi liên nhiệm là tập trung vào các nước láng giềng của Trung Quốc xung quanh Biển Đông. Được sự ủng hộ của Mỹ, Philíppin và Việt Nam đã liên kết với Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc. Kết quả là, một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á kết thúc, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Philíppin Aquino đã nổ ra khẩu chiến mặt đối mặt. Ông Ôn Gia Bảo một lần nữa cảnh cáo ông Aquino rằng chủ quyền bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà hai nước từng xảy ra đối đầu quyết liệt thuộc về Trung Quốc. 

Từ những việc làm của Trung Quốc như đề ra mục tiêu trở thành “cường quốc hải dương” tại Đại hội 18, đưa ra bản đồ “thành phố Tam Sa” và sử dụng hộ chiếu in hình chín đoạn... các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc dường như đã khởi động trở lại đường lối cứng rắn trước Đại hội 18. Trung Quốc có khả năng sẽ “vung tay”, trong vấn đề Biển Đông sẽ có hàng loạt động tác thể hiện thái độ không khoan nhượng của mình và đề cao quyền kiểm soát chủ quyền đối với khu vực này. 

Một điểm đáng chú ý khác là việc giới tham mưu chiến lược Trung Quốc đang ấp ủ tìm kiếm bước chuẩn bị tiếp theo cho việc giành lấy chủ quyền Biển Đông. Theo tiết lộ của truyền thông chính thức Trung Quốc, cùng với ngày Hải Nam thông qua Điều lệ trên, hơn 40 nhà tham mưu chiến lược của Trung Quốc đã có mặt tại thành phố Tam Á để tham dự Hội thảo đánh giá tình hình an ninh và tương lai Biển Đông, do Ủy ban Chính sách An ninh Quốc gia thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Chính sách Trung Quốc tổ chức. 

Các nhà tham mưu chiến lược Trung Quốc tham dự hội thảo cho rằng Mỹ là kẻ giật dây đằng sau và kẻ khuấy đảo tình hình Biển Đông lớn nhất. Họ kiến nghị Trung Quốc phải có bước đi thực chất hơn nữa trong vấn đề Biển Đông để đáp trả mưu đồ tăng tốc tranh giành Biển Đông của các nước trong khu vực. Quan trọng hơn là họ kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu vấn đề Biển Đông, đưa Biển Đông vào trong chiến lược phát triển thành “cường quốc hải dương” của Trung Quốc, đẩy nhanh việc xây dựng ở Biển Đông cũng như công tác lập pháp trong nước, nhanh chóng đưa ra Luật Biển cơ bản, đồng thời phải tiến hành tổ chức lại lực lượng chấp pháp trên biển, vừa quan tâm tới việc duy trì ổn định vừa phải bảo vệ chủ quyền. Từ đó có thể thấy với sự khích lệ của việc máy bay chiến đấu lần đầu tiên hạ cánh thành công lên tàu sân bay Liêu Ninh, có thể dự kiến trong tương lai, Trung Quốc sẽ có sách lược lấn tới mạnh bạo hơn trong vấn đề Biển Đông.

Theo Tin đa chiều (Hồng Công)

Thuỳ Anh (gt)