Kể từ năm 2008 đến nay, các quốc gia ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã chứng kiến sự hiện diện ngày càng hùng hậu của lực lượng chấp pháp, cảnh sát biển và tàu quân sự của Trung Quốc ở xung quanh các khu vực có tranh chấp. Cũng trong giai đoạn đấy, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ về yêu sách chủ quyền đảo và vùng biển của nước này khiến căng thẳng ngày càng gia tăng trong khu vực. Một số vụ việc gần đây liên quan đến các tranh chấp trên biển với sự tham gia của lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc đã xảy ra gần bãi cạn Scarborough, vụ hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quanh quần đảo Senkaku, tại bãi Second Thomas ở Trường Sa và các cuộc chạm trán giữa tàu và máy bay của Trung Quốc với tàu hải quân và không quân Mỹ.

Chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc - ban đầu chỉ là những hành động nhỏ, có tính chất tăng dần, không đủ để tạo ra sự cố, nhưng sẽ tích tụ dần dần để trở thành những thay đổi lớn - đang là một thách thức lớn khiến các nước láng giếng nhỏ quanh Trung Quốc phải đau đầu. Các nước này thiếu năng lực để đối chọi với sự hiện diện đang ngày càng tăng của Trung Quốc. Và nếu sự hiện diện này không bị các quốc gia khác phản đối, sẽ trở thành “dữ kiện thực tế trên thực địa”, làm bằng chứng ủng hộ cho yêu sách biển của Trung Quốc. Mỹ tuy có lợi ích mạnh mẽ trong việc bảo vệ các nguyên tắc của các vùng chung tự do ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nhưng cũng đang gặp khó khăn khi lý giải cho việc vạch ra các giới hạn đỏ và mạo hiểm một cuộc đối đầu với Trung Quốc chỉ vì các đảo đá mà nhiều người cho là không có người ở và không quan trọng. Mỹ và các quốc gia bạn bè, đồng minh trong khu vực dường như đang lúng túng không biết phải ứng phó như thế nào.

May mắn thay, vẫn có rất nhiều hành động thiết thực mà các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc quanh Biển Hoa Đông và Biển Đông có thể thực hiện để chống lại chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc. Những biện pháp này tập trung vào việc xây dựng năng lực biển, đặc biệt là đối với lực lượng phi quân sự. Các biện pháp nên tập trung vào tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước láng giềng nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực hạn chế và tăng cường tính chính đáng về mặt chính trị, pháp lý và đạo đức của việc chống lại những hành vi cứng rắn của Trung Quốc. Mỹ phải trở thành đối tác ủng hộ chính để các sáng kiến dưới đây có thể thành công; Mỹ được phần lớn các quốc gia nói trên tin tưởng và do đó, sẽ rất phù hợp để làm “chất keo” ngoại giao và lãnh đạo cần thiết để đảm bảo cho việc hợp tác có hiệu quả.

Dưới đây là 6 biện pháp mà các quốc gia trong khu vực, dưới sự ủng hộ của Mỹ, có thể chống lại chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc.

1. Tăng cường sự hiện diện đội tàu cá của các nước khác ở Biển Đông và Biển Hoa Đông

Các quốc gia cần có các chính sách khuyến khích và ủng hộ các hoạt động đánh bắt cá dân sự và phải coi đây là một ưu tiên cho an ninh quốc gia. Mục đích của sáng kiến này là để đối phó với sự hiện diện của lực lượng dân sự Trung Quốc ở các vùng biển nói trên và để tránh tạo ra cảm giác là các nước nhỏ đang nhường những vùng biển này cho Trung Quốc. Khi sự hiện diện các tàu cá được tăng cường thì sẽ có lý do chính đáng để mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp và cảnh sát biển (hay còn gọi là lực lượng “tàu trắng”).

Tất cả các quốc gia (bao gồm cả Trung Quốc) cần phải hợp tác để đảm bảo là nguồn cá của khu vực không bị khai thác quá mức. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc phải cùng phối hợp với nhau để đối chọi lại sự hiện diện của lực lượng dân sự Trung Quốc. Những nước lớn khác trong khu vực có lợi ích trong việc duy trì vùng biển chung tự do (như Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) có thể sẽ nhận ra lợi ích chiến lược khi hỗ trợ tài chính cho sáng kiến này.

2. Chính sách và ngân sách của các quốc gia nên hỗ trợ việc nâng cao năng lực và tăng cường sự hiện diện của lực lượng chấp pháp và cảnh sát biển

Các nước láng giềng với Trung Quốc có thể cải thiện năng lực nhanh hơn và nhiều hơn bằng cách tăng đầu tư vào lực lượng “tàu trắng”, vào năng lực biển phi quân sự hơn là tập trung vào tàu chiến. Xét về trung hạn, khoảng cách giữa năng lực hải quân của Trung Quốc và các nước láng giềng sẽ ngày càng bị nới rộng, đây là điều không thể tránh khỏi. Hầu hết các nước láng giềng với Trung Quốc không ở vị thế có thể cạnh tranh thành công với lực lượng “tàu xám” của hải quân nước này.

Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa các lực lượng dân sự và “tàu trắng” có thể thuận lợi hơn cho các nước nhỏ. Cộng đồng quốc tế có xu hướng cảm thông cho các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc trong các vụ đụng độ trên biển liên quan đến tàu cá, tàu chấp pháp và tàu cảnh sát biển. Truyền thông và công luận quốc tế có thể là lợi thế cạnh tranh lâu dài cho các nước láng giềng của Trung Quốc, nhất là khi đụng độ không có sự tham gia của tàu chiến. Vì vậy, đầu tư vào nâng cao năng lực của các “tàu trắng” nên được quan tâm vì nó sẽ giúp các nước nhỏ có phương tiện để cạnh tranh với Trung Quốc một cách thuận lợi hơn.

3. Lực lượng trên biển của Mỹ (cả dân sự lẫn quân sự) cũng như của các nước đối tác và đồng minh trong khu vực cần mở rộng các hoạt động chia sẻ thông tin, trao đổi nhân lực và huấn luyện đa phương

Việc trao đổi kiến thức, kinh nghiệm hoạt động, các thực tiễn tiêu biểu và chuyên gia kỹ thuật là những biện pháp tăng cường năng lực biển ít tốn kém, đem lại lợi ích lớn cho tất cả các bên tham gia. Các quốc gia trong mạng lưới đối tác này nên mở rộng các chương trình trao đổi thường xuyên về nhân lực, các cuộc họp nhân sự cấp cao, các lớp học và các cuộc diễn tập nhằm đạt được lợi ích từ việc chia sẻ thông tin.

4. Mỹ cùng với các nước đồng minh và các nước đối tác cần thiết lập một hệ thống chính thức để chia sẻ thông tin tình báo cơ bản, kịp thời về các vấn đề trên biển

Điều này sẽ cho phép các quốc gia trong mạng lưới đối tác thiết lập “một bức tranh chung về tình hình trên biển”, tạo điều kiện cho các hành động ứng phó với sự tham gia của nhiều bên khi xảy ra các vụ việc trên biển và cho phép phân bổ nguồn lực hiệu quả để tiến hành các hành động ứng phó. Các quan chức của các cơ quan đầu não về biển và các quan chức tình báo đến từ các quốc gia cần nhóm họp lại để thiết lập ra một hệ thống như vậy và thành lập các cơ chế về huấn luyện, nhân sự, để duy trì hệ thống đó.

5. Các nhà làm chính sách và kế hoạch từ Mỹ và các quốc gia khác trong mạng lưới khu vực cần chuẩn bị cơ chế nhân sự cho các tình huống ứng phó với khủng hoảng có sự tham gia của nhiều bên

Mục tiêu của sáng kiến này là giúp thành viên của mạng lưới đối tác chuẩn bị trước cho các vụ việc và khủng hoảng trên biển. Chuẩn bị trước cho các khủng hoảng có thể xảy ra, cho dù là các thảm họa thiên nhiên hay các vấn đề địa chính trị, sẽ giúp việc quản lý khủng hoảng thuận lợi và hiệu quả hơn. Điều này cũng sẽ cản trở ý chí của những bên muốn lợi dụng khủng hoảng để tạo đòn bẩy cho mình.

6. Mời các quốc gia khác có quan tâm trong khu vực tham gia vào các sáng kiến nói trên

Mở rộng danh sách các nước tham gia sẽ giúp tăng cường nguồn lực cho các sáng kiến này, cung cấp thêm kiến thức mới cho các lãnh đạo và tăng cường tính chính đáng về mặt pháp lý và đạo đức cho các nỗ lực bảo vệ các vùng biển chung cũng như quyền chủ quyền.

Tiến hành xây dựng năng lực biển đỏi hỏi các cam kết về tài chính, nhân lực và sự quan tâm của chính phủ - những nguồn lực quý giá mà gần như lúc nào cũng trong tình trạng thiếu hụt. Tập trung trước tiên vào các lực lượng phi quân sự và các “tàu trắng” trong số các lực lượng trên biển sẽ ít gây tranh cãi, và là cách rẻ nhất, nhanh nhất để xây dựng năng lực biển và tăng cường sự hiện diện trên biển trong các khu vực có tranh chấp.

Mỹ có lợi ích mạnh mẽ trong việc chống lại chiến thuật “cắt lát salami” của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Rõ ràng là các nước láng giềng nhỏ của Trung Quốc đang đứng ở tiền tuyến trong cuộc cạnh tranh này và sẽ rất cần sự hỗ trợ, nếu họ đủ tự tin đối chọi lại sự cứng rắn của Trung Quốc. Trên đây là những cách hiệu quả để chống lại “cắt lát salami”. Bằng sự đầu tư tương đối vừa phải về thời gian và nguồn lực, Mỹ có thể giúp các nước khác xây dựng năng lực biển với cái đích cuối cùng là ngăn chặn xung đột và bảo vệ ổn định khu vực.

Robert Haddick là một nhà thầu độc lập của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ (U.S. Special Operations Command). Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Cuốn sách mới của tác giả “Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific” đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Viện Hải quân. Bài viết được đăng lần đầu trên trang National Interest.

Dịch : Ngọc Diệp

Hiệu đính: Minh Ngọc