Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc hứa hẹn các khoản  đầu tư về giao thông vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc qua khu vực Á-Âu và châu Phi của Trung Quốc - đang nổi lên như một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng của nhiệm kỳ  của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cam kết quan trọng này đang được Trung Quốc quảng bá rộng rãi, được cho là một ví dụ về " hợp tác cùng có lợi " và thực hiện các mục tiêu cho sự thịnh vượng chung.

Ở Úc, các khu vực tư nhân và chính phủ cũng đang bàn luận về sáng kiến tiềm năng này. Công ty luật Corrs Chambers Westgarth đã tuyên bố rằng Úc có thể bù đắp sự suy giảm trong quan hệ thương mại hàng hóa bằng cách tăng cường tham gia vào các dự án xây dựng thông qua sáng kiến này, trong khi đặc phái viên thương mại của Bộ Ngoại giao đã dự đoán rằng cơ sở hạ tầng cải thiện và sự kết nối lớn hơn có thể thúc đẩy xuất khẩu của Úc. Tuy nhiên, cho đến nay, số liệu tính toán cho thấy lợi nhuận của Úc  từ sáng kiến này sẽ là khiêm tốn.

Đầu tiên, rõ ràng Úc là một "quốc gia lớn ở cuối Con đường Tơ lụa Trên biển" chỉ mang tính biểu tượng. Đại sứ Trung Quốc tại Úc, Ma Zhaoxu, phát biểu vào tháng 8/2015 là có cơ hội để mở rộng thương mại Trung Quốc-Úc trong các lĩnh vực năng lượng, tài nguyên, nông nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng và tài chính, tuy nhiên cơ hội này đã là một phần của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Úc (ChAFTA).

Thứ hai, việc Bắc Kinh sử dụng sáng kiến Một Vành đai Một con đường để phục vụ lợi ích kinh doanh cho các công ty Trung Quốc có nghĩa là các công ty Úc sẽ khó có cơ hội cạnh tranh. Dự án  Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan 46 tỷ USD hoặc dự án tuyến đường sắt ở Kenya và Thái lan đem lại hợp đồng béo bở cho các công ty Trung Quốc.  Các dự án cơ sở hạ tầng mới ở Pakistan tạo cơ hội cho các công ty năng lượng của Trung Quốc, trong khi xây dựng đường sắt ở châu Phi và châu Á tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực cho doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đang gặp khó khăn thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch Tập sẽ chịu áp lực ngày càng tăng để bù đắp lợi ích trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh triển vọng của khu vực tư nhân của Trung Quốc thông qua dự án Một Vành đai Một Con đường béo bở này.

Trong khi đó, học giả Trung Quốc Wang Jisi vào năm 2012 đã kêu gọi Trung Quốc "nhìn về phía tây" và thuyết phục sáng kiến này là để đối trọng với chiến thắng gần đây của Washington đối với hiệp định TPP và những tuyên bố mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Âu Á và châu Phi, sáng kiến này được sử dụng để tài trợ cho những động thái của công ty Trung Quốc mua tài sản nước ngoài. Đầu năm nay, Quỹ Con đường tơ lụa 40 tỷ USD đã ủng hộ tài chính để doanh nghiệp nhà nước Chem China tham gia đấu thầu mua công ty Pirelli, tập đoàn sản xuất lốp xe lớn của Ý, chứ không phải Quỹ này giúp cải thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực Âu Á và châu Phi như Chính phủ Trung Quốc thường quảng bá.

Tất nhiên, sáng kiến Một Vành đai Một Con đường vẫn là điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ít nhất trong bảy năm tới với nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình, hình thức cuối cùng của nó và tác động còn phải chờ xem. Tuy nhiên, các bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng lợi ích cho các doanh nghiệp Úc có thể sẽ không được như các nhà phân tích dự đoán.

Theo Interpreter

Trần Quang (gt)