Bài viết này xem xét các lập luận và biểu hiện của Trung Quốc về Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc (ASEAN-Trung Quốc CCD). Bài viết chỉ ra rằng đề xuất này là dấu hiện cho sự kết tinh của một chiến lược có chủ ý và được đầu tư từ phía Trung Quốc về tương lai của quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Chiến lược này nhằm củng cố sự thay đổi quyền lực đang diễn ra ở Đông Nam Á và tạo ra sự chuyển đổi suôn sẻ sang trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm trong bối cảnh Mỹ suy giảm ảnh hưởng trong khu vực. Trong quá trình này, một số thiên hướng về hệ thống phân cấp khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm đã xuất hiện trở lại ở thời điểm mà Trung Quốc đang nỗ lực tái đàm phán về quy chuẩn thông thường của trật tự khu vực và phân loại tương ứng các nước thành viên ASEAN là "bên có hành vi tốt" dựa theo hệ thống phân cấp đó. Bài viết cũng phân tích những giới hạn của khái niệm CCD trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, được thể hiện qua các phản ứng hai chiều và chọn lọc từ ASEAN. Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc là một thuyết quyết định về tính tất yếu của vận mệnh đan xen giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trên cơ sở là địa lý, lịch sử và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, những yếu tố thúc đẩy này đồng thời có thể là những gánh nặng trong một mối quan hệ bất cân xứng khiến các quốc gia thành viên ASEAN luôn lo ngại về sự phụ thuộc quá mức và đánh mất quyền tự chủ. Do đó, bài viết chỉ ra rằng Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không phải là một quỹ đạo tuyến tính bởi vì ASEAN và hầu hết các quốc gia thành viên khối này sẽ vừa tiếp tục tăng cường hợp tác và can dự với Trung Quốc vừa kiên trì theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở và duy trì đa cực ở Đông Nam Á.

Từ khóa : ASEAN, Trung Quốc, Cộng đồng chung vận mệnh, quan hệ bất cân xứng, trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Sự can dự và ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, bao gồm cả thông qua khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc, đã phát triển đáng kể từ đầu những năm 1990. Sự phát triển này vừa là hệ quả tự nhiên do sức tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc, vừa là hệ quả từ mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á gần gũi về địa lý, đồng thời cũng là hệ quả từ sự đầu tư kéo dài hàng thập kỷ của Bắc Kinh trong việc xây dựng các mối quan hệ khu vực trên cả song phương với các quốc gia thành viên ASEAN và đa phương thông qua ASEAN cùng với kiến trúc khu vực do ASEAN lãnh đạo. Trong vài năm qua, Cộng đồng chung vận mệnh ASEAN-Trung Quốc, cụm từ lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu vào năm 2013, và sau đó được quảng bá tích cực trong khuôn khổ hợp tác giữa các bên, là biểu hiện cho sự can dự trong khu vực của Trung Quốc.

Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc là khái niệm của Trung Quốc liên quan đến sự chuyển đổi khu vực về một “cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại”,[i] khái niệm được lặp đi lặp lại trong diễn văn chính sách đối ngoại của Trung Quốc và được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cụm từ này gần một trăm lần kể từ năm 2012,[ii] kể cả trong các tuyên bố về chính sách lớn tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 70 (tháng 9/2015), diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (WEF) (tháng 1/2017), hội nghị thượng đỉnh khai mạc Sáng kiến Vành đai và Con đường (Tháng 5/2017) và Đại hội Đảng lần thứ 19 (tháng 10/2017). Khái niệm được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ này chứa đựng những nguyên tắc cao cả như bình đẳng giữa các quốc gia, công bằng, cùng đóng góp vì lợi ích chung, hài hòa, bao quát, tôn trọng sự khác biệt và phát triển bền vững.[iii] Tuy nhiên, khái niệm này thiếu tính cụ thể và kế hoạch hành động sau đó. Để giải mã khái niệm này đòi hỏi tham khảo các sáng kiến chính sách đối ngoại khác của Trung Quốc, đặc biệt là các sáng kiến thể hiện Trung Quốc ngày càng tích cực hơn trong việc quản lý khu vực và toàn cầu như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), khái niệm an ninh châu Á và các đề xuất “kiểu mới” về quan hệ nước lớn và quan hệ quốc tế.

Cộng đồng chung vận mệnh có thể bị loại bỏ bởi sự mơ hồ, một khẩu hiệu trống rỗng và thiếu thực chất. Tuy nhiên, trong trường hợp Cộng đồng chung vận mệnh được phân tích kỹ lưỡng, cũng sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Denghua Zhang, Cộng đồng chung vận mệnh tiếp tục là bản điệp khúc về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc, tức là để “loại bỏ sự nghi ngờ chiến lược từ bên ngoài về sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và duy trì môi trường bên ngoài thuận lợi cho Trung Quốc phát triển kinh tế.”  Tuy nhiên, Denghua Zhang đã chỉ ra những khác biệt chính giữa khái niệm “sự trỗi dậy hòa bình” và “Cộng đồng chung vận mệnh”, trong đó “Cộng đồng chung vận mệnh” báo hiệu sự thay đổi của Trung Quốc từ ngoai giao ẩn mình sang mong muốn đóng vai trò tích cực hơn trong quản trị toàn cầu.” [iv] Do đó, sự nhấn mạnh của “Cộng đồng chung vận mệnh” về kế hoạch lãnh đạo toàn cầu là tương thích với sức mạnh quốc gia toàn diện mới của đất nước này. Điều này đã được đề cập trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ 19: “Trung Quốc đấu tranh cho sự phát triển của một cộng đồng chung vận mệnh và khuyến khích sự đổi mới của hệ thống quản trị toàn cầu. Nhờ đó, chúng ta đã được chứng kiến ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc được gia tăng hơn cùng với khả năng truyền cảm hứng và định hình sức mạnh.”[v]

Các học giả cũng cố gắng giải thích khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh dựa trên truyền thống văn hóa và triết học của Trung Quốc. Ví dụ, Zhaohe Chen chỉ ra rằng nguồn gốc tư tưởng Cộng đồng chung vận mệnh xuất phát từ Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo, nhìn nhận thế giới là một cộng đồng, trong đó sự hòa hợp rất quan trọng và ca ngợi sự lãnh đạo bằng đạo đức thay vũ lực .[vi] Khi Trung Quốc mở rộng các lợi ích toàn cầu, các học giả Trung Quốc chú ý nhiều hơn đến các khái niệm về “nhân loại”, “chủ nghĩa thế giới”, “thế giới ảo” hay “thế giới linh hồn” và làm phong phú thêm bản điệp khúc bằng cách đan xen những suy nghĩ cổ xưa của Trung Quốc vào việc suy nghĩ lại và tái cấu trúc trật tự thế giới đương đại. Do đó, như Sabine Morky đã lưu ý, “định hướng xã hội chủ nghĩa” là “đặc điểm mang tính Trung Quốc” mà phân biệt chủ nghĩa phổ quát của Trung Quốc với chủ nghĩa thế giới của phương Tây coi trọng quyền cá nhân.[vii]

Một ví dụ nổi bật về việc kết hợp truyền thống cộng sản Khổng giáo vào chủ nghĩa phổ quát Trung Quốc đương đại là các tác phẩm của các học giả hàng đầu Trung Quốc, như Zhao Tingyang, đã làm sống lại trật tự Thiên hạ. Đó là một khái niệm cổ xưa từ thời nhà Chu (1046–256 trước Công nguyên), mô tả trật tự thế giới trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm (Vương quốc Trung tâm) dưới triều đại của Hoàng đế Trung Hoa (Thiên tử) với thiên mệnh, đạo đức và văn hóa vượt trội. Theo Thuy T. Do, bản chất góc nhìn toàn diện về thế giới của Zhao là mối quan hệ gia đình kiểu Khổng giáo. Theo quan điểm của ông ấy, nếu các quốc gia dân tộc được xây dựng dựa trên tinh thần mối quan hệ trong gia đình, thế giới này sẽ trở thành một thế giới đại đồng (giảm tối đa các bất đồng về kinh tế và văn hóa) và không ai bị bỏ lại.[viii] Điều không được nói đến trực diện là bản chất của các mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trong chế độ mối quan hệ gia đình và làm thế nào để hòa hợp. Những mối quan hệ này dựa trên nguyên tắc bình đẳng có chủ quyền hay dựa trên việc một số chủ thể được định trước phải tuân theo sức mạnh của một chủ thể khác? Sự hài hòa cần đạt được thông qua tôn trọng thứ bậc hay thông qua tôn trọng luật pháp quốc tế là “thước đo tốt nhất”?

Mặc dù mức độ ảnh hưởng từ những tư tưởng mới này đến khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh không rõ ràng, nhưng Cộng đồng chung vận mệnh chắc chắn là một thế giới quan mà Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong quản trị toàn cầu. Bất kể nền tảng của khái niệm này là từ chính sách đối ngoại hay từ các học giả Trung Quốc về Thiên hạ mới, thì ý định chính là chỉ ra con đường của Trung Quốc được xây dựng dựa trên trí tuệ của người Trung Quốc để tái xây dựng trật tự thế giới. Cộng đồng chung vận mệnh là khái niệm kết hợp từ cả lợi ích và đạo đức, cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình và có lợi cho nhân loại, đồng thời mang đến một hình thức quản trị toàn cầu mới mà các bên đều có lợi thay vì chỉ một bên có lợi, hợp tác thay vì hung hăng, và do đó, thể hiện tính khác biệt vượt trội về mặt đạo đức so với các cường quốc đang đi lên khác trong quá khứ. Nhìn từ quan điểm tự do, Melanie Hart và Blaine Johnson cho rằng Cộng đồng chung vận mệnh là tầm nhìn của Bắc Kinh về một hệ thống quản trị toàn cầu mới, khác với trật tự dân chủ tự do hiện hành, phản ánh hệ thống chính trị và mô hình quản lý đất nước của Trung Quốc mà đảng/chính phủ cầm quyền tối cao: “Trong một trật toàn trị mà Trung Quốc ưa thích, quyền và lợi ích tập thể - cái gọi là nhân loại - quan trọng hơn quyền và lợi ích cá nhân, và chính phủ thay mặt tập thể. Bắc Kinh đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng, ở khía cạnh này, trật tự toàn trị tốt hơn nền dân chủ”.[ix]

Về mặt không gian địa lý, Cộng đồng chung vận mệnh là một “khái niệm động”.[x] Thuật ngữ “Cộng đồng nhân loại chung vận mệnh” đã được quảng bá tích cực tại các diễn đàn toàn cầu như WEF, G-20 và Liên Hợp quốc. Tuy nhiên, thuật ngữ này đã được sử dụng một cách linh hoạt tại các bối cảnh khác nhau trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với các biến thể khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc có xu hướng liên kết Cộng đồng chung vận mệnh với các nước đang phát triển hơn là với các nước phát triển.[xi] Cộng đồng chung vận mệnh cũng được đưa vào vào không gian mạng qua đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Internet thế giới lần thứ hai vào tháng 12/2015.[xii] Theo Hart và Johnson, đề xuất này của Trung Quốc thể hiện sự thúc đẩy tính quy tắc trong lĩnh vực internet để khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước hoặc chủ quyền không gian mạng, điều này có thể nhìn thấy trong việc đưa giám sát kỹ thuật số vào các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số do Trung Quốc thực hiện tại một số quốc gia.[xiii]

Tuy nhiên, Cộng đồng chung vận mệnh được thể hiện rõ ràng nhất trong ngoại giao ngoại vi của Trung Quốc, nghĩa là các nước láng giềng với Trung Quốc, bao gồm Đông Nam Á. Tại Hội nghị Trung ương về Công tác Ngoại giao năm 2014, Chủ tịch Tập tuyên bố rằng mục tiêu của Trung Quốc là nhằm “đưa khu vực lân cận Trung Quốc thành một cộng đồng chung vận mệnh”.[xiv] Ưu tiên mà Cộng đồng chung vận mệnh dành cho các khu vực lân cận không chỉ dựa theo địa lý tự nhiên mà còn phù hợp với văn hóa chiến lược của Trung Quốc, dự án ảnh hưởng đến thế giới bên ngoài thông qua các vòng tròn đồng tâm. Tan See Seng nhận xét: “việc tiếp cận các nước xung quanh của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng thông qua các cam kết và hành vi đa phương: mạnh mẽ, tích cực và thậm chí sáng tạo các nước láng giềng kề cận và giảm dần theo khoảng cách địa lý tính từ Trung Quốc”.[xv]  Do đó, Đông Nam Á và ASEAN chiếm một vị trí quan trọng trong Cộng đồng chung vận mệnh.

Bài viết này chỉ ra rằng Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc báo hiệu một chiến lược có đầu tư của Trung Quốc nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên ASEAN vào một hệ thống khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm và điều chỉnh hành vi của các nước láng giềng này theo hệ thống đó. Bài viết tiếp tục chỉ ra rằng ASEAN đã phản ứng lại với Sáng kiến này theo hai chiều, vừa thích nghi, vừa chống cự. Bài viết gồm ba phần. Phần đầu tiên trình bày nền tảng bao quát của Cộng đồng chung vận mệnh, đặt trong bối cảnh Trung Quốc muốn đẩy mạnh vai trò trong quản trị toàn cầu và sự xuất hiện của chủ nghĩa phổ quát đương đại Trung Quốc chịu ảnh hưởng của truyền thống Cộng sản Khổng giáo. Phần thứ hai giải mã Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua phân tích các Sáng kiến kinh tế thực hiện Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như thông qua tường thuật cơ bản về lập trường và các cam kết can dự của Trung Quốc  đối với Đông Nam Á so với một nước Mỹ xa cách dưới thời chính quyền Trump. Phần lớn dựa vào các quan điểm lịch sử, phần này thảo luận về sự tương đồng nhất định giữa hệ thống phân cấp khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm cận đại với trật tự khu vực mới mà Trung Quốc đang tìm cách hình thành ở Đông Nam Á. Phần cuối cùng phân tích phản ứng hai chiều và có chọn lọc của ASEAN đối với Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh, nắm bắt các cơ hội mang lại lợi ích kinh tế đồng thời chống lại các yếu tố liên quan đến một liên minh chính trị độc quyền giữa ASEAN và Trung Quốc. Phần này giải thích phản ứng hai chiều đó thông qua mối quan hệ bất cân xứng giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN mà về mặt cấu trúc gây ra lo ngại cho các nước thành viên ASEAN về việc mất bản sắc và quyền tự chủ, thông qua hồ sơ hợp tác kinh tế được chia cấp giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, thông qua lịch sử của Đông Nam Á với tính chất đa cực và ý định duy trì tình trạng này thông qua việc theo đuổi chủ nghĩa khu vực mở.

Giải mã Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc

Chủ tịch Tập lần đầu tiên tuyên bố tầm nhìn của Trung Quốc về một Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc trong bài phát biểu trước Quốc hội Indonesia vào ngày 2/10/2013: “Một Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ hơn phù hợp với xu hướng của thời đại là hướng tới hòa bình, phát triển, hợp tác cùng có lợi.”[xvi] Bài phát biểu nhấn mạnh ba yếu tố gắn kết ASEAN và Trung Quốc với nhau: thứ nhất, sự gần gũi về mặt địa lý (“Trung Quốc và các nước ASEAN núi liền núi, sông liền sông”); thứ hai, gắn kết về mặt lịch sử (“Trung Quốc và các nước ASEAN gắn bó rất mật thiết với nhau”); và thứ ba, nền kinh tế phát triển của Trung Quốc (“cho phép các nước ASEAN hưởng lợi nhiều hơn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc”).

Kể từ năm 2013, việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc đã trở thành một điệp khúc trong quan điểm của Trung Quốc về quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Ví dụ, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN, Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), nhận thấy rằng ASEAN là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong ngoại giao láng giềng và trong việc thực hiện BRI, mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN là mô hình tiên phong trên thế giới để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng chung vận mệnh.[xvii] Tính nhất quán của thông điệp này được thể hiện trong các trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2014 ở Naypyidaw, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố rằng: “Trung Quốc sẽ cùng với các nước ASEAN tăng cường hợp tác trên thực tiễn ở tất cả các lĩnh vực, tiếp tục tăng cường hội nhập vì lợi ích của hai bên trên cơ sở khuôn khổ 2 + 7 cũng như xây dựng một Cộng đồng chung vận mệnh gần gũi hơn giữa ASEAN và Trung Quốc.”[xviii] Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2015 ở Kuala Lumpur, một thông điệp tương tự được đưa ra: “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để nâng cao niềm tin lẫn nhau về chính trị, tăng cường hợp tác thiết thực trong kinh tế, văn hóa cùng các lĩnh vực khác, và phấn đấu vì một Cộng đồng chung vận mệnh gần gũi hơn giữa ASEAN và Trung Quốc. ”[xix]

Năm 2018, kỷ niệm 15 năm Hiệp định Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc mang đến cơ hội thực hiện Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh dưới hình thức “Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030”. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc năm 2017 ở Manila, Thủ tướng Lý đề xuất xây dựng tầm nhìn như vậy hướng tới thành lập “Một cộng đồng chung cùng lý tưởng chung, thịnh vượng chung và trách nhiệm chung.”[xx] Cốt lõi của Tầm nhìn mới này là nâng cấp “Khuôn khổ hợp tác 2 + 7” thành “Khuôn khổ hợp tác 3 + X”.[xxi] Tầm nhìn trước bao gồm hai nhận thức chung (xây dựng lòng tin và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai bên và hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi)  và bảy kiến nghị (chính trị, kinh tế, kết nối, tài chính, hợp tác biển, an ninh và ngoại giao nhân dân).[xxii] Tầm nhìn mới được mô phỏng theo ba trụ cột của cộng đồng ASEAN về an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại cũng như ngoại giao dân nhân và trao đổi văn hóa trong khi đó X tạo ra sự linh hoạt tại các lĩnh vực hợp tác mới khi mối quan hệ giữa các bên tiến triển.

Tiếp nối đề xuất này, Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030 (Tầm nhìn 2030) đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc năm 2018 ở Singapore. Tầm nhìn này đã không thông qua Cộng đồng chung vận mệnh như là câu chuyện phổ quát trong mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, thông điệp của Thủ tướng Lý vẫn nhất quán: “Chúng ta cần chung tay để đưa quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN lên một tầm cao hơn và tạo nên một cộng đồng Trung Quốc - ASEAN gần gũi hơn với một tương lai chung.”[xxiii] Tại Đối thoại Shangri-La năm 2019 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nhắc đến Cộng đồng chung vận mệnh bốn lần, nói rằng Trung Quốc nâng cao quan điểm về vận mệnh chung với các nước thành viên ASEAN.”[xxiv] Cần lưu ý rằng Trung Quốc cũng đã đẩy khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh vào quan hệ song phương với một số thành viên ASEAN. Ví dụ, bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRI lần thứ 2 tại Bắc Kinh vào tháng 4/ 2019, Bắc Kinh đã ký hai văn bản lần lượt với Campuchia và Lào hướng tới việc xây dựng cộng đồng tương lai chung với các nước này. [xxv]

Chiến lược cho tương lai của mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc tiếp tục chính sách của Bắc Kinh về “một khu vực thân thiện, an toàn và thịnh vượng”, đây là chính sách định hướng sự can dự của Trung Quốc với các nước thành viên ASEAN trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, Sáng kiến này có ý nghĩa quan trọng hơn thế vì báo hiệu một chiến lược có chủ ý, toàn diện và đầu tư hơn của Trung Quốc để mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển lâu dài – “một chiến lược lớn cho sự phát triển của quan hệ Trung Quốc - ASEAN do Thủ tướng Lý đưa ra vào năm 2014.[xxvi] Thông qua thương hiệu Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc, chiến lược này nhằm củng cố sự thay đổi liên tục trong cán cân quyền lực ở Đông Nam Á, nhằm tạo ra sự chuyển đổi suôn sẻ sang trật tự khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Một sự chuyển đổi suôn sẻ chỉ có thể đạt được khi hầu như không hoặc không có sự kháng cự nào từ ASEAN và các quốc gia thành viên –  không phải vì các chủ thể này chịu áp lực hay ép buộc mà do chiến lược có tính toán của họ, chống lại sự chuyển đổi sẽ là vô ích trong khi thích nghi là lẽ tự nhiên. Khái niệm về xu hướng của sự vật trong các bức tượng truyền thống của Trung Quốc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh. Theo François Jullien, đó là tiềm năng của một tình huống có thể xảy ra trong sự ưu ái của một người” bằng cách “tạo ra để làm sáng tỏ sự tiến bộ của mọi sự vật [và] làm sáng tỏ sự gắn kết nội bộ của tình huống đó để hành động tương ứng”.[xxvii] Nhìn vào bối cảnh này, việc xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh dự định tạo ra một tình huống sẽ khiến ASEAN và các quốc gia thành viên sẵn sàng chấp nhận sự lãnh đạo và trật tự lấy Trung Quốc làm trung tâm bằng cách giải thích sự gắn kết giữa các bên thông qua ba yếu tố được đề cập trước đó: sự gần gũi về địa lý, quan hệ lịch sử và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Nói cách khác, quan điểm lâu dài của Trung Quốc đã hình dung ra vòng tròn lịch sử để định hình nên một cộng đồng ASEAN-Trung Quốc gắn bó. Đới Bỉnh Quốc, khi đó là Ủy viên Quốc vụ Viện, đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại Ban Thư ký ASEAN năm 2010: “Càng đi xa, chúng ta sẽ càng tìm thấy nhiều lợi ích chung và nhu cầu chung và số phận của chúng ta sẽ kết nối chặt chẽ hơn.”[xxviii]

Jullien cũng nhận thấy rằng tiềm năng của một tình huống được tận dụng bằng cách tiến hành đánh giá các trường hợp mà sau đó “có thể dần trở thành lợi thế nhờ xu hướng được tạo ra từ tình huống đó.”[xxix] Cộng đồng chung vận mệnh phù hợp khi nhìn qua lăng kính này vì thể hiện các cơ quan trong chính phủ Trung Quốc ở cả việc tận dụng tiềm năng của tình huống và tạo ra một câu chuyện hấp dẫn về tình huống, thông qua ba khía cạnh sau đây.

(i) Làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc cấu trúc kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN vào Trung Quốc

Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc được thực chất hóa thông qua Khuôn khổ hợp tác 2 + 7 nhằm đưa ASEAN và các thành viên gần gũi hơn với Trung Quốc về chính trị và kinh tế. Khuôn khổ này bao gồm nhiều sáng kiến khác nhau theo cơ chế ASEAN-Trung Quốc như ký kết một Hiệp định láng giềng tốt, nâng cấp Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), sử dụng Quỹ hợp tác biển ASEAN-Trung Quốc, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc đặc biệt và xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác văn hóa Trung Quốc-ASEAN. Các đề xuất khác không giới hạn trong hợp tác ASEAN-Trung Quốc liên quan đến các thỏa thuận đa phương, tiểu vùng và song phương, ví dụ: thiết lập cơ chế hợp tác AIIB, đường sắt Xuyên Á và cơ chế hợp tác Lan Thương-Mekong, khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc thành lập các khu vực hợp tác kinh tế và thương mại ở nước ngoài, v.v. Chính sách về ASEAN của Trung Quốc là một phần không thể tách rời trong Chiến lược của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, tạo ra một nền tảng để huy động hỗ trợ và cung cấp tính hợp pháp cho các sáng kiến khác của Trung Quốc ở cấp độ song phương và tiểu vùng.

Trong khi cả hai khuôn khổ 2 + 7 và 3 + X đều mở rộng phạm vi, phần lớn các sáng kiến tập trung vào hợp tác kinh tế. Đây là sự tiếp nối cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trao đổi và phát triển kinh tế như là công cụ để thúc đẩy các mục tiêu chính trị và an ninh với nước láng giềng yếu hơn.[xxx] Tuy nhiên, có hai yếu tố mới và liên quan đến nhau. Thứ nhất, kết nối được nhấn mạnh thông qua các khoản đầu tư và cho vay của Trung Quốc đối với các quốc gia thành viên ASEAN để phát triển cơ sở hạ tầng, điều này phù hợp với việc thực hiện BRI. Thứ hai, ngoài an ninh ngoại vi, mục tiêu chiến lược lớn hơn của những khoản đầu tư này là làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN vào Trung Quốc, thông qua các các dự án đường sắt cao tốc và đập đa dạng. Như Bilahari Kausikan đã quan sát:

Lực hấp dẫn tự nhiên của Trung Quốc đang được tăng cường bởi nhiều dự án cơ sở hạ tầng. […] Dù có ý đồ hay không thì những dự án này đều tác động đến địa chính trị. Các dự án có thể mang lai hiệu quả hợp nhất Tây Nam Trung Quốc và Đông Nam Á lục địa thành một không gian kinh tế. Ranh giới quốc tế tất nhiên sẽ vẫn là các đường được vẽ trên bản đồ nhưng lúc đó chúng có thể bị xem là bất tiện hoặc không còn phù hợp.[xxxi]

Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng giữa ASEAN và Trung Quốc tạo ra động lực mạnh mẽ để Trung Quốc tự tin vào sự hội tụ lợi ích và vận mệnh giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, do đó có xu hướng chiến lược hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN, chiếm 17,2% tổng ngoại thương năm 2017. Dòng vốn FDI hàng năm của Trung Quốc rót vào các nước thành viên ASEAN đã tăng gần 75 lần từ 104 triệu USD năm 1996 lên 11,3 tỷ USD năm 2017, biến Trung Quốc trở thành nguồn vốn FDI lớn thứ ba ở Đông Nam Á. Trung Quốc cũng là nguồn khách du lịch lớn nhất trong khu vực (trừ du lịch nội khối ASEAN) tăng từ 7,3 triệu trong năm 2011 lên 25,3 triệu trong năm 2017, chiếm 20,1% tổng số khách nước ngoài đến Đông Nam Á.[xxxii] Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc dựa chủ yếu vào, cũng như nhằm củng cố thêm, những nhân tố mang tính cấu trúc trên để kéo các quốc gia thành viên ASEAN đến gần hơn với Trung Quốc.

(ii) Thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc đi vào quỹ đạo

Không chỉ củng cố các yếu tố cấu trúc, Cộng đồng chung vận mệnh giữa ASEAN và Trung Quốc còn liên tục cung cấp các sáng kiến mới cùng các nguồn lực liên quan để mở rộng hình thức hợp tác phù hợp với bản chất của mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN. Về niềm tin đối với Bắc Kinh, mặc dù tham gia sau các cấu trúc ASEAN Cộng, Trung Quốc đã trở thành Đối tác Đối thoại ASEAN ngay trong năm 1996, và hiện nay với 47 cơ chế mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc là toàn diện và cao nhất trong tất cả các đối tác đối thoại (xem Bảng 1).[xxxiii] Trung Quốc là nước tiên phong trong quan hệ đối ngoại với ASEAN trên nhiều lĩnh vực: Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á 1976 (TAC) vào năm 2003; là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN vào năm 2003; và là quốc gia có vũ khí hạt nhân đầu tiên và duy nhất cho đến nay sẵn sàng tham gia Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)) mà không có các điều khoản bảo lưu.

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Hoàng Thị Hà là Trưởng nhóm nghiên cứu II (Chính trị và An ninh) tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN, ISEAS - Viện Yusof Ishak. Địa chỉ: 30 Heng Mui Keng Terrace, Singapore, 119614; email: hoang_thi_ha@iseas.edu.sg. Bài viết được đăng trên Contemporary Southeast Asia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) –Yusof Ishak Institute.

Mai Hương (dịch)

Trần Quang (hiệu đính) 


[i] “Cộng đồng chung vận mệnh”, “cộng đồng có tương lai chung” và  cộng đồng có vận  mệnh chung” có thể được sử dụng để thay thế cho nhau trong các bài phát biểu công khai của các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao Trung Quốc.

[ii]  Nadège Rolland, “Examining China’s ‘Community of Common Destiny’”, Power 3.0: Understanding Modern Authoritarian Influence, 23/01/2018, https:// www.power3point0.org/2018/01/23/examining-chinas-community-of-destiny/.

[iii]  Denghua Zhang, “The Concept of ‘Community of Common Destiny’ in China’s Diplomacy: Meaning, Motives and Implications”, Asia & The Pacific Policy Studies 5, no. 2 (Tháng 5/ 2018): 196–207.

[iv] Ibid.

[v] Toàn văn Báo cáo của Tập Cận Bình tại Đại hội toàn quốc Cộng Hòa nhân dân Trung Hoa lần thứ 19, China Daily, 4/01/2017, http://www.chinadaily.com.cn/china/19thcpcnationalcongress/2017-11/04/content_34115212.htm.  

[vi]  Zhaohe Chen, “The Chinese Cultural Root of the Community of Common Destiny for All Mankind”, 4th International Conference on Education, Language,and Inter-cultural Communication (ICELAIC 2017), Atlantis Press,  Advances in Social Science, Education and Humanities Research, vol. 142, trang 718–22, https://www.atlantis-press.com/proceedings/icelaic-17/25886367

[vii] Sabine Mokry, “Decoding Chinese Concepts for the Global Order: How Chinese Scholars Rethink and Shape Foreign Policy Ideas”, Mercator Institute for China Studies (Merics), 4/10/2018, https://www.merics.org/sites/default/files/201810/181008_MERICS_ChinaMonitor_Foreign_Policy.pdf

[viii] Thuy T. Do, “China’s Rise and the ‘Chinese Dream’ in International Relations Theory”, Global Change, Peace & Security 27, no. 1 (2015): 21–38.

[ix] Melanie Hart and Blaine Johnson, “Mapping China’s Global Governance Ambitions”, Centre for American Progress, 28/02/2019, https://www.americanprogress.org/issues/security/reports/2019/02/28/466768/mapping-chinasglobal-governance-ambitions    

[x] Rolland, “Examining China’s “Community of Common Destiny”.

[xi] Zhang, “The Concept of ‘Community of Common Destiny’ in China’s Diplomacy”.

[xii] Li Zheng, “Why is a Cyber Community of Shared Destiny Important?”, China
& US Focus, 23/11/2016,
https://www.chinausfocus.com/peace-security/why-is-a-cyber-community-of-shared-destiny-important  

[xiii]  Hart and Johnson, “Mapping China’s Global Governance Ambitions”.

[xiv] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “The Central Conference on Work Relating to Foreign Affairs was Held in Beijing”, 21/11/2014, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1215680.shtml   

[xv] Xem Seng Tan, Multilateral Asian Security Architecture: Non-ASEAN Stakeholders (Abingdon, UK: Routledge, 2016), trang 88.

[xvi] “Phát biểu của Tập Cận Bình trước Quốc hội Indonesia”, China Daily, 2/10/2013, http://www.chinadaily.com.cn/china/2013xiapec/2013-10/02/content_17007915.htm.  

[xvii] Phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN, “New Era, New Mission”, 9/04/2018, https://
www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjb_663304/zwjg_665342/zwbd_665378/t1549518shtml.

[xviii] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Remarks by H.E. Li Keqiang Premier of the State Council of the People’s Republic of China at the 17th ASEAN-China Summit”, 14/11/2014, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1212266.shtml 

[xix] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Full Text of Premier’s Speech at 18th China-ASEAN Summit”, 24 November 2015, http://english.gov.cn/premier/speeches/2015/11/24/content_281475241254129.htm.  

[xx] Bộ Ngoại giao Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Li Keqiang: To Construct a Community of Common Destiny Featuring Common Ideals, Common Prosperity, and Common Responsibility”, 14/11/2017, https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/zxxx_662805/t1510689.shtml

[xxi] “China, ASEAN to Formulate Strategic Partnership Vision Toward 2030”, Xinhua, 13/112017, http://www.xinhuanet.com//english/2017-11/13/c_136749480.htm

[xxii] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Take China-ASEAN Relations to a New Height”, Remarks by China Premier Li Keqiang at the 17th ASEAN-China Summit, Nay Pyi Taw, Myanmar, 13/11/2014,
http://english.gov.cn/premier/speeches/2014/11/15/content_281475010415762.htm

[xxiii] Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Full Text of Premier Li Keqiang’s Speech at China-ASEAN Summit”, 15/11/2018, http://english.gov.cn/premier/speeches/2018/11/15/content_281476391331254.htm.

[xxiv] “Fourth Plenary Speech by General Wei Fenghe, Minister of National Defence, State Councilor of China”, Shangri-La Dialogue 2019, https://www.iiss.org/events/shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2019  

[xxv] Phỏng vấn của tác giả với các quan chức ASEAN tại Singapore và Hà Nội, tháng 5-6/2019.

[xxvi] “Take China-ASEAN Relations to a New Height”.

[xxvii] François Jullien, A Treatise on Efficacy: Between Western and Chinese Thinking, translated by Janet Lloyd (Honolulu, Hawaii: University of Hawai’i Press, 2004), trang 15–18.

[xxviii] “Embrace New Opportunities for China-ASEAN Cooperation”, Address by Dai Bingguo, State Councilor of the People’s Republic of China at ASEAN Secretariat, Jakarta, 22/1/2010, http://www.chinaembassy.org.sg/eng/dszyhd/t653431.htm.

[xxix] Jullien, A Treatise on Efficacy, trang 21.

[xxx] Jeffrey Reeves, Chinese Foreign Relations with Weak Peripheral States: Asymmetrical Economic Power and Insecurity (Abingdon, UK: Routledge, 2016), trang 39–58.

[xxxi] Bilahari Kausikan, “ASEAN: Vital but Limited”, NUS Lecture, 13/3/2019,
https://mediaweb.ap.panopto.com/Panopto/Pages/Viewer.aspx?id=5d96fb17-70a2-444d-ae69-aa0f00a3921e

[xxxii] Dữ liệu được tổng hợp từ cổng thông tin thống kê của Ban Thư ký ASEAN, https://www.aseanstats.org/.

[xxxiii] Phỏng vấn của tác giả với các Ban thư ký ASEAN tại Jakarta, tháng 4/2019.