Chương trình Lãnh đạo trẻ 2024 có chủ đề “Trở về tương lai” (Back to the Future), với ý nghĩa không chỉ tập trung vào việc hiểu rõ lịch sử mà còn hướng tới việc tạo ra những sáng kiến có giá trị cho tương lai của Biển Đông. Chương trình năm nay đã nhận được gần 500 đơn đăng ký đến từ 19 quốc gia như Pakistan, Nigeria, Ethiopia, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản, v.v. Trong số này, tám đại biểu đến từ Chile, Brazil, Philippines, Malaysia, Indonesia, Campuchia, và Học viện Ngoại giao Việt Nam đã được lựa chọn, hướng dẫn và đào tạo để tham gia các hoạt động của Hội thảo Biển Đông. Các đại biểu này đang học tập và công tác tại các sơ sở giáo dục và nghiên cứu lớn trên thế giới (như Đại học La Trobe, Đại học Desarrollo, Đại học hoàng gia Phnom Penh, Đại học Philippines, Đại học Hải chiến Brazil, v.v.) trong các lĩnh vực quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, nghiên cứu chiến lược.
Tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16, Nhóm Lãnh đạo trẻ đã tham gia rất tích cực vào tất cả các phiên của Hội thảo cũng như trình bày các quan điểm, ý tưởng trong các phiên thuyết trình và thảo luận dành riêng cho mình. Các đề xuất về việc làm thế nào để đạt được hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông là hết sức sáng tạo và đã gây được ấn tượng rất mạnh mẽ đối với các quan khách có mặt tại Hội thảo. Bài viết này sẽ phân tích tóm lược về các sáng kiến của các Lãnh đạo trẻ được đưa ra tại Hội thảo Biển Đông lần thứ 16.
- Đông Nam Á có thể học tập mô hình hợp tác tiểu đa phương ở Mỹ La-tinh trong giải quyết các về khu vực
Juan Pablo Seve Sims, Đại học Desarrollo, Chile cho rằng các quốc gia Đông Nam Á có thể nghiên cứu mô hình hợp tác tiểu đa phương Liên minh Thái Bình Dương (Pacific Alliance) của khu vực Mỹ La-tinh nhằm giải quyết các vấn đề khu vực trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn. Liên minh Thái Bình Dương là một liên minh thương mại được thiết lập năm 2011 với thành viên là bốn quốc gia Mỹ-Latinh ven bờ Thái Bình Dương là Chile, Colombia, Mexico và Peru. Hiện nay, Liên minh Thái Bình dương đang trong quá trình kết nạp thêm Costa Rica là thành viên thứ năm cùng với 54 quốc gia quan sát viên, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Pháp, Đức, Indonesia. Liên minh Thái Bình Dương được cho là một cơ chế tác tiểu đa phương rất thành công trong việc nâng cao vị thế quốc tế cho các thành viên của mình. Theo Juan Pablo, có bốn bài học về hợp tác tiểu đa phương mà Liên minh Thái Bình Dương có thể cung cấp cho Đông Nam Á: i) nâng cao tính tự chủ chiến lược của các thành viên; ii) cung cấp một khung thể chế hiệu quả và có tính thực dụng để giải quyết các vấn đề nóng của khu vực; iii) Bổ trợ cho các cơ chế đa phương của khu vực; và iv) xây dựng các thỏa thuận đối tác có tính mềm dẻo và thích nghi cao nhằm đối phó với sự thay đổi của tình hình thế giới.
- Xây dựng một COC cho việc sử dụng AI trong các hoạt động quân sự
Nguyễn Quang Hoàng Anh, Đại học Latrobe, Australia cho rằng an ninh hàng hải ở ASEAN ngày càng gặp nhiều rủi ro đến từ một số công nghệ mới nổi như các phương tiện không người lái (AUVs) và AI. Việc ứng dụng những công nghệ này được tiên liệu là sẽ gây phức tạp thêm các tranh chấp trên biển trong khu vực. Nguyên nhân là các công nghệ này một mặt giúp gia tăng khả năng giám sát, mặt khác cho phép các quốc gia phát động các hoạt động gây hấn dưới ngưỡng chiến tranh, từ đó tiềm ẩn nguy cơ xung đột không mong muốn. Hoàng Anh cũng cho rằng hợp tác thông tin tình báo giữa các quốc gia trong khu vực là cần thiết trong nâng cao MDA và phản ứng kịp thời với các hành động gây hấn từ các quốc gia thứ ba. Sự kết hợp giữa công nghệ và quản lý khủng hoảng sẽ giúp duy trì hòa bình và giảm thiểu khả năng xung đột trong khu vực Biển Đông. Hoàng Anh đề xuất ASEAN cần giám sát những biến động này, tích cực tích hợp các công nghệ thế hệ tiếp theo để giải quyết các thách thức an ninh hàng hải, song song với việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho việc sử dụng AI trong quân sự giúp quản lý rủi ro, đặc biệt là khi đối mặt với các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc.
- Thúc đẩy ngoại giao khoa học thông qua chia sẻ dữ liệu trong khuôn khổ Hợp tác ASEAN+3
Nor Anisa,ASEAN Youth Community for Household Hazardous Waste, Indonesia, đề xuất thiết lập các “Tài khoản Đại dương” (Ocean Account) trong khuôn khổ Hợp tác ASEAN+3. Tài khoản Đại dương là một công cụ thống kê tích hợp về biển mang tính bao trùm với các thông tin về mặt môi trường, xã hội, kinh tế,... để giúp đánh mức độ phát triển bền vững của một vùng biển. Ý tưởng này xuất phát từ nhận thức Biển Đông hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường như khủng hoảng khí hậu, khai thác quá mức và phát triển du lịch không được kiểm soát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và tài nguyên hải dương. Việc thiết lập các Tài khoản Đại dương sẽ giúp tăng cường ngoại giao khoa học, đẩy mạnh liên kết và trao đổi các dữ liệu về kinh tế, kinh tế môi trường, hệ sinh thái môi trường và quản trị. Từ đó, bổ trợ cho quá trình ra quyết định về quản trị đại dương hiệu quả tại Biển Đông.
- Tận dụng tri thức giới trẻ và nguồn dữ liệu mở cho giám sát hàng hải tại Biển Đông
Elisa Shafiqah, Đại học Malaya, Malaysia, cho rằng các quốc gia ASEAN đang gặp nhiều thách thức trong việc giám sát, phát hiện và ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống trên biển. Những thách thức này đến từ việc các quốc gia Đông Nam Á không có đủ các nguồn lực cần thiết, cả về công nghệ lẫn tài chính, để tiến hành các hoạt động giám sát biển một cách hiệu quả. Elisa đề xuất rằng thay vì chỉ dựa vào các công nghệ giám sát đắt tiền, Đông Nam Á có thể sử dụng trí tuệ con người và các nguồn dữ liệu mở do thế hệ trẻ phát triển cho công tác này. Về cụ thể, các quốc gia Đông Nam Á có thể thiết lập các chương trình thí điểm nhằm huy động thế hệ trẻ (như các ngư dân hay thành viên các tổ chức thiện nguyện về môi trường) tham gia các nỗ lực giám sát và cảnh báo, đồng thời cũng cần có các hệ thống xác minh để đảm bảo tính chính xác của thông tin. Việc áp dụng mô hình này sẽ góp phần cung cấp thêm dữ liệu cho các chính phủ về các sụ cố trên biển như tàu gặp nạn, ô nhiễm môi trường, va chạm hàng hải để đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.
- Các đề xuất thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông đã được các Lãnh đạo trẻ đưa ra trong Phiên bình luận đặc biệt sau Hội thảo. Matheus Bruno Ferreira, Trường Đại học Hải chiến Brazil, Brazil, cho rằng các quốc gia liên quan cần bám sát vào luật pháp quốc tế trong các cuộc đàm phán liên quan về Biển Đông và tránh mọi động thái đơn phương khiến cho tình hình trở nên căng thẳng và phức tạp. Thea Mae Aspe, Đại học Philippines, Philippines nêu hai yếu tố giúp thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông: một là ASEAN cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình, không nên chỉ tập trung vào bảo đảm vai trò trung tâm của khối mà cần để ý đến hiệu quả hành động và hai là các quốc gia liên quan cần thực sự thành tâm thúc đẩy đối thoại đối với các vấn đề thực chất. Chea Peter, Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia đề xuất một cách tiếp cận tập trung vào con người, đặc biệt là người trẻ tuổi trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, nên khuyến khích các cuộc thảo luận và trao đổi giữa thanh niên Trung Quốc và ASEAN về vấn đề Biển Đông cũng như thực hiện các dự án hợp tác để tăng cường hiểu biết giữa hai bên. Cuối cùng, Vũ Hoàng Minh, Học viện Ngoại giao, Việt Nam đề xuất ASEAN và Trung Quốc có thể cùng tạo lập quan điểm chung về Biển Đông thông qua việc hợp tác trong lĩnh vực MDA, đặc biệt là trong trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ công nghệ theo dõi biển từ đó có thể cùng nắm được những gì thực sự đang diễn trên Biển Đông để cùng thống nhất những bước đi hợp lý và cần thiết.
Kết luận
Chương trình Lãnh đạo trẻ là một hoạt động rất thành công của Hội thảo Biển Đông lần thứ 16 và đã thu hút nhiều quan tâm từ các chuyên gia, học giả, và khách mời tham dự hội thảo. Những sáng kiến được các Lãnh đạo trẻ đưa ra những được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, và quan khách có mặt tại Hội thảo quan tâm và đánh giá rất cao. Điều này cho thấy các nhà nghiên cứu chiến lược trẻ trong khu vực và thế giới vẫn theo dõi sát tình hình Biển Đông và luôn có những ý tưởng có giá trị tham khảo cao trong việc quản trị biển tại khu vực này.
Vũ Hải Đăng
Đỗ Thị Thu Hiền
Lê Ngọc Mai
Nguyễn Hợp Châu