mattkenyon23-001.jpg

Một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đó là sáng kiến Con đường Tơ lụa mới, được cho là công cụ để hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” và đưa Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều hoài nghi xung quanh sáng kiến này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện mong muốn thiết lập quan hệ thân thiết với châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Ban đầu, ông Tập Cận Bình phổ biến ý tưởng “Con đường Tơ lụa mới” trong các chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan và Indonesia năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là hai con đường, hay còn gọi là “Một vành đai, một con đường” (OBOR). Cụm từ “vành đai” ám chỉ tuyến đường bộ Á-Âu giữa Trung Quốc và châu Âu, trong khi cụm từ “con đường” ám chỉ tuyến đường biển kết nối các hải cảng của Trung Quốc với bờ biển châu Phi và các quốc gia vùng Địa Trung Hải ở châu Âu.

Chiến lược “Con đường Tơ lụa mới” là một phần trong tầm nhìn của ông Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc trở thành cường quốc địa chính trị trước năm 2049 - thời điểm đánh dấu 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Để khởi động sáng kiến này, Bắc Kinh đã dành 40 tỷ USD cho Quỹ Con đường Tơ lụa của riêng Trung Quốc.

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), được thành lập năm 2014, cũng đóng góp một khoản nhiều tỷ USD cho sáng kiến này. Phát biểu với kênh truyền hình DW (Đức), nhà chính trị học David Arase tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ Hopkins-Nam Kinh nói: “Trung Quốc muốn sử dụng dự trữ ngoại hối dư dả và việc dư thừa năng suất để đảm bảo lương thực, năng lượng và nguyên liệu thô cũng như mở cửa các thị trường mới cho đầu tư và xuất khẩu, điều sẽ cho phép họ đảm bảo tăng trưởng dài hạn”.

Tháng 3/2015, Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc đã vạch ra tầm nhìn và chương trình hành động trong một báo cáo chiến lược, nhưng lại không nêu rõ chi tiết các kế hoạch. Mặc dù trọng tâm ban đầu của sáng kiến là xây dựng đường sá, đường ray xe lửa, cảng biển và đường ống dẫn, song báo cáo cũng cho thấy sáng kiến của Trung Quốc không chỉ bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng đơn thuần. Ông Arase nói: “OBOR không chỉ về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư. Sáng kiến này còn là một kế hoạch toàn diện để phát triển khu vực Á-Âu theo hướng có lợi cho Bắc Kinh”.

Theo ông Arase, việc phân bổ quyền lực trong hành lang kinh tế theo kế hoạch là khá rõ ràng. Một Trung Quốc chi phối cả mặt quân sự lẫn kinh tế có thể tạo sức ép đáng kể lên các chính phủ và các nền kinh tế đối tác. Ông Arase nói: “Nếu tất cả các con đường đều dẫn về Bắc Kinh, thì khi đó Trung Quốc sẽ trở thành một đế chế vô song ở khu vực Á-Âu”.

Khoảng 60 quốc gia ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu là một phần của sáng kiến này, và đã cùng Trung Quốc ký các tuyên bố song phương liên quan tới sáng kiến này. Ủy ban châu Âu (EC) cũng ký một biên bản ghi nhớ về Nền tảng Kết nối EU-Trung Quốc. Theo đó, sẽ có sự phối hợp giữa chương trình cơ sở hạ tầng châu Âu và sáng kiến Con đường Tơ lụa mới.

Tuy nhiên, một số quốc gia nhìn nhận sáng kiến này với thái độ hoài nghi. Điều này được thấy rất rõ trong hội nghị chuyên đề quốc tế về Con đường Tơ lụa trên biển được tổ chức bởi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và Quỹ Konrad Adenauer của Đức tại Hà Nội hồi cuối tháng 11/2015. Các chuyên gia nghiên cứu, các nhà ngoại giao và đại diện từ lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines - vốn đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, đã bày tỏ thái độ hoài nghi. Các nước này cho rằng những lời lẽ của Trung Quốc không phù hợp với hành động của họ (ám chỉ đến việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo với mục đích quân sự dọc con đường tơ lụa trên biển).

Học giả Seiichiro Takagi từ Viện các Vấn đề Quốc tế Nhật Bản đã bày tỏ sự hoài nghi trước thực tế rằng Con đường Tơ lụa mới có điểm cuối là Bắc Kinh. Ông đặt ra câu hỏi rằng nếu sáng kiến này chỉ tập trung trước tiên về kinh tế, thì tại sao hai trong số các nền kinh tế lớn nhất thế giới là Nhật Bản và Hàn Quốc lại nằm ngoài kế hoạch của Trung Quốc.

Chuyên gia về các vấn đề Trung Á Beate Eschment cho rằng tại Trung Á, người dân tỏ ra ít hoài nghi hơn. Phát biểu với kênh DW, bà nói: “Bởi tình hình kinh tế, nên các nước như Tajikistan hay Kyrgyzstan phụ thuộc vào bất cứ thứ gì Trung Quốc có. Tại Kazakhstan cũng vậy, đầu tư vào cơ sở hạ tầng được đón nhận rất tích cực”. Các nước Trung Á hài lòng với việc lợi ích kinh tế không gắn với bất kỳ yêu cầu về chính trị nào. Bà Eschment nói: “Đối với Trung Quốc, kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu”. Theo bà, không hẳn là Trung Á không hoài nghi gì về Trung Quốc, nhưng tại đây không có nỗi lo sợ cụ thể nào về sự chi phối về chính trị, mà đơn thuần chỉ là nỗi lo sợ ngầm đang lan rộng về số lượng người nước ngoài ngày càng nhiều.

Mỹ cũng đang để mắt sát sao tới sáng kiến này của Trung Quốc. Ông Arase nói: “Đối với Mỹ, họ tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ các quy tắc và thể chế hiện tại vốn là cơ sở cho trật tự tự do toàn cầu”. Ý tưởng của Mỹ về thương mại tự do và các nhân tố kinh tế toàn cầu trái ngược hoàn toàn với dòng chảy thương mại và đầu tư do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc. Chuyên gia Arase dự đoán có khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ xung đột lẫn nhau trong chuyện này.

Sáng kiến Con đường Tơ lụa mới đã bắt đầu được thực hiện từ hai năm trước. Các công trình đầu tiên - như đường ống dẫn khí đốt từ Vịnh Bengal qua Myanmar đến Côn Minh, hay đường ray xe lửa kết nối Bắc Kinh với Duisburg - đã đi vào hoạt động. Trong công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc, chính phủ nước này đã thể hiện khả năng hành động với tốc độ nhanh chóng. Hiện có vẻ như Trung Quốc đang thể hiện tham vọng tương tự trong dự án bên ngoài biên giới này.

Theo “Dw

Mỹ Anh (gt)