200910201144401new models of competitiveness in the global economy_BIG.jpg

Thật đáng tiếc khi cuộc tranh luận về đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia bị chính trị hóa một cách quá mức trong thời gian gần đây. Lợi ích của Trung Quốc tại Malaysia nói riêng cũng như tại khu vực nói chung là một vấn đề phức tạp, cần được đưa ra phân tích một cách kỹ lưỡng thay vì những lời bình luận vô vị của một số chính trị gia và bình luận viên.

Năm ngoái, một công trình nghiên cứu được tiến hành tại 159 nước, cũng giống như những nghiên cứu trước đây, đã chỉ ra rằng, mức độ tự do kinh tế cao hơn có liên hệ mật thiết với nhiều chỉ số như thu nhập bình quân, tăng trưởng kinh tế, giảm đói nghèo và tự do chính trị cũng như tự do cho người dân. Nói cách khác, tự do kinh tế lớn hơn song hành với các loại tự do và tiến bộ mà nhiều người khao khát. Với ý nghĩa đó, đầu tư của Trung Quốc là điều tích cực và cần phải vui mừng trước mối quan hệ kinh tế đang tăng trưởng.

Quan hệ kinh tế với Trung Quốc không phải là điều gì mới. Là một phần của ASEAN, Malaysia được thụ hưởng lợi ích từ mối quan hệ ngày một phát triển với Trung Quốc trong quãng thời gian khá dài. Mối quan hệ này trở nên mạnh mẽ hơn khi Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực vào ngày 1/1/2010. Trung Quốc có các biện pháp nhằm tăng cường mối quan hệ này bằng cách lập ra Quỹ Hợp tác Đầu tư Trung Quốc- ASEAN vào năm 2013. Ba ngân hàng chính sách của nước này, gồm Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc, với vai trò hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc, cũng đang tích cực hỗ trợ đầu tư của nước này vào khu vực ASEAN. Kết quả là, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đang tăng lên mạnh mẽ. Trong giai đoạn đầu của ACFTA, Trung Quốc- ASEAN đã trở thành khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số 1,94 tỷ người và GDP hơn 9.000 tỷ USD.

Ngày nay, mối quan hệ này mạnh mẽ hơn nhiều và dòng tiền từ Trung Quốc đổ vào khu vực cũng đang tăng lên. Thật thú vị, mối quan hệ này đã tiến hóa từ hình thức giao dịch thương mại trực tiếp sang hình thức quan hệ với sự xuất hiện của nhiều khoản đầu tư hơn. Các công ty Trung Quốc đã đến các nước ASEAN, bao gồm cả Malaysia, để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Trung Quốc có vẻ vui mừng khi thực hiện các chương trình đầu tư như vậy bởi vì nó phù hợp với các lợi ích về ngoại giao của họ. Quan điểm của Trung Quốc là nhất quán khi họ thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và tuyên bố về kế hoạch "Một vành đai, Một con đường". Cả hai điều này nhấn mạnh đến sự kết nối. Sự kết nối tốt đòi hòi cơ sở hạ tầng tốt tại tất cả các nước là đích đến.

Tuy nhiên, mô hình “đầu tư” Trung Quốc đã làm dấy lên sự quan tâm, xem xét một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là về việc liệu đây thực chất có phải là một dạng cho vay vốn dài hạn? Trong rất nhiều dự án được công bố tại Malaysia, Trung Quốc cấp vốn cho các công ty của Trung Quốc, một số trong đó là các công ty nhà nước, để xây dựng hạ tầng, nhưng phía Malaysia được yêu cầu hoàn trả tiền sau đó. Rốt cục, về dài hạn, sẽ có dòng tiền từ Malaysia đổ sang Trung Quốc.

Mối quan ngại trở nên phức tạp hơn với một câu hỏi bổ sung: Liệu có sự chia sẻ lợi ích từ các dự án này sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ bản địa? Hay nói một cách dễ hiểu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia có được hưởng lợi từ các dự án này hay không?

Trước đây khi các hợp đồng được trao cho các công ty phương Tây, các công ty này cho rất nhiều công ty Malaysia thầu lại, qua đó tạo ra hiệu ứng khuếch tán lợi ích, mang lại lợi ích và khích lệ tăng trưởng cho các công ty Malaysia cũng như khuyến khích chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên hiện nay, có những phàn nàn mang tính giai thoại từ các công ty Malaysia rằng, các công ty Trung Quốc mua sắm hầu như mọi thứ từ Trung Quốc và điều này đồng nghĩa với việc “hất cẳng” các công ty Malaysia. Những quan ngại như vậy có cơ sở lịch sử.

Các dự án xây dựng của Trung Quốc tại châu Phi thường được tiến hành bởi các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, những doanh nghiệp thường tận dụng số lượng lớn nhân công và vật liệu từ Trung Quốc, vì thế không ngạc nhiên khi cho rằng, “hàng nghìn việc làm đã bị cướp mất tại các nước như Zambia, Ghana, Nam Phi, Nigeria, Ethiopia và Sudan”.

Điều này đã làm dấy lên câu hỏi đối với các công ty bản địa. Với việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp 36,3% vào GDP và 97% doanh nghiệp Malaysia là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là một câu hỏi không thể phớt lờ: “Các doanh nghiệp này có được trao cơ hội công bằng để giành được một lát bánh từ nguồn đầu tư của Trung Quốc hay không, hay cánh cửa bị đóng kín đối với họ”?

Đây cũng là vấn đề nổi bật được các nhà nghiên cứu nêu ra trong nhiều thập kỷ, song lại thường bị các nhà bình luận Malaysia phớt lờ. Nghiên cứu do John Ravenhill thuộc Đại học Quốc gia Úc công bố năm 1995 cho rằng, các động thái của Trung Quốc được thúc đẩy bởi các lợi ích chính trị hơn là lợi ích kinh tế.

Từ điểm này, nghiên cứu năm 2011 của Evelyn Goh thuộc Đại học Hoàng gia Holloway London đã giải thích cách thức Trung Quốc thực hành “chủ nghĩa tư bản độc quyền” như thế nào. Cách thức này hiện đang được một số quốc gia trong khu vực theo đuổi một cách tương tự. Cần phải chú ý đến yếu tố này bởi vì sự lớn mạnh quyền lực kinh tế của Trung Quốc tại đây dẫn đến một nguy cơ ngày càng hiển hiện, đó là: Có được tăng trưởng về kinh tế nhưng có ít hơn hoặc không có tự do về chính trị và xã hội.

Như đã nói ở trên, tự do kinh tế tăng lên thường mang lại các dạng tự do khác. Nhưng Trung Quốc đã đưa ra một mô hình lảng tránh điều đó. Khuyến khích hơn nữa việc du nhập mô hình Trung Quốc kiểu như vậy có thể làm một số nhóm nhất định vui mừng, bởi vì mô hình này cho họ thấy cách thức tạo ra tăng trưởng kinh tế đồng thời củng cố được chế độ cai trị một đảng và phủ nhận tự do chính trị đối với dân chúng. Rõ ràng, tình hình phức tạp hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát nêu ra và nó xứng đáng nhận được sự phân tích cẩn thận và kỹ lưỡng hơn.

Tác giả Wan Saiful Wan Jan là lãnh đạo Viện Dân chủ và Các vấn đề Kinh tế có trụ sở tại Kuala Lumpur. Bài viết đăng trên tờ “Free malaysia today”.

Anh Thư (gt)