Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND) đã công bố một cuốn Sách Trắng trong những ngày cuối cùng của Chính quyền Trần Thủy Biển tháng 5/2008, tiếp theo là Sách Trắng được xem xét lại và công bố dưới thời Chính quyền Mã Anh Cửu tháng 10/2009 và Sách Trắng hiện nay. So với các tài liệu trước đây, Sách Trắng hiện nay dường như trung thực hơn khi đánh giá về các mối đe dọa, chính sách quốc phòng, sức mạnh và thậm chí cả một số hạn chế của quân đội Đài Loan. Trong phần quân sự Trung Quốc, lần đầu tiên Sách Trắng cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khả năng bao vây Đài Loan hoặc đánh chiếm các đảo ngoài khơi biển Đài Loan, mặc dù MND tiếp tục phủ nhận Trung Quốc không thể xâm lược Đài Loan vì PLA thiếu khả năng cung cấp lực lượng đổ bộ thông thường hiệu quả. Qua Sách Trắng, MND cũng khẳng định Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D sau khi sản xuất loại tên lửa này lần đầu tiên năm 2010. Việc triển khai tên lửa này đã giúp Bắc Kinh tăng thêm khả năng chống thâm nhập nhằm đối phó với sự can thiệp của quân đội nước ngoài ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Quan điểm này của Sách Trắng phù hợp với cuộc điều trần tháng 12/2010 của Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, rằng tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D của Trung Quốc đạt được khả năng tác chiến ban đầu (IOC). Mặt khác, MND dường như không tiết lộ nhiều lĩnh vực khác, mặc dù các thông tin tình báo nhạy cảm về khả năng mới của PLA đã được các cơ quan tình báo khác của Đài Loan tiết lộ. Chẳng hạn Sách Trắng quốc phòng mới của MND không hề nhắc đến đến việc Trung Quốc triển khai các tên lửa đạn đạo chiến thuật DF-16 như PLA thú nhận và được Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Đài Loan công bố công khai lần đầu tiên tháng 3/2011. 

Bên cạnh mối đe dọa quân sự truyền thống từ Trung Quốc, MND liệt kê nhiều nhân tố phi truyền thống như những mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của Đài Loan. Đó là các thảm họa thiên tai, các bệnh dịch có khả năng lây lan qua biên giới, thiếu lương thực và năng lượng... Để đối phó với các thách thức này, lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ can dự "tích cực" nhằm ngăn chặn thảm họa bằng cách triển khai lực lượng và tài sản nhằm hành động kịp thời trong việc đối phó với các thảm họa thiên tai lớn. Quân đội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ khác để đối phó với các mối đe dọa bùng nổ dịch bệnh qua biên giới. Một trong những mối quan tâm được thể hiện trong Sách Trắng là xu hướng dân số lão hóa và thất thoát nhân tài của Đài Loan. Tình trạng giảm sút nhanh chóng số lượng thanh niên ở độ tuổi tham gia quân đội là một thách thức mới đối với an ninh Đài Loan hiện đang cần được giải quyết. Sách Trắng của MND cho biết số lượng thanh niên có khả năng tham gia quân đội giảm mạnh trong những năm gần đây. Hiện nay, mỗi năm chỉ có khoảng 117.702 thanh niên ở độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, giảm so với hơn 120.000 người cách đây vài năm. Vào năm 2015, con số này dự kiến giảm còn 75.338 người và quân đội sẽ phải cạnh tranh nhân lực với lực lượng cảnh sát và các cơ quan tăng cường luật pháp khác. Điều này sẽ làm cho quy mô lực lượng hiện nay của Đài Loan không vững chắc, nếu chỉ dựa vào nguồn nhân lực hạn chế và đến lúc nào đó có thể buộc quân đội phải hợp lý hóa lực lượng hơn nữa. 

Chủ đề chính sách lớn được đề cập trong Sách Trắng mới của Đài Loan là kế hoạch biến đổi quân đội thành chế độ phục vụ tự nguyện. Mặc dù Sách Trắng vẫn gắn với quan điểm của Chính phủ về việc hoàn thành giai đoạn chuyển tiếp tất cả lực lượng thường trực thành nhân viên tự nguyện, nhưng MND lặng lẽ đưa ra 3 điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công kế hoạch như đã công bố gồm: Thông qua và thực hiện văn bản sửa đổi bổ sung như đã đề nghị vào Luật Phục vụ Quân đội của Quốc hội Đài Loan; tăng số lượng nhân viên tự nguyện chất lượng cao trong những năm tới; ngân sách quốc phòng có thể đáp ứng kế hoạch chuyển đổi và các nhu cầu tác chiến lâu dài của chế độ phục vụ quân sự tự nguyện. MND đã soạn thảo bản sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ Quân sự phù hợp với Bộ Nội vụ và dự luật sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp cuối năm nay. Sau khi thông qua dự luật, Quốc hội cần cung cấp cho MND ngân sách cần thiết để chi cho các kế hoạch xây dựng quân đội thường trực tự nguyện (các công dân nam vẫn được yêu cầu trải qua lớp huấn luyện quân sự cơ bản 4 tháng và phục vụ trong lực lượng dự bị sau khi giải ngũ). Khi được Quốc hội thông qua, chương trình chuyển đổi có thể được triển khai. Sau khi Đạo luật Phục vụ Quân đội đã được sửa đổi được công bố công khai ít nhất một năm trước khi trở thành hiện thực, Đài Loan có thể bắt đầu xóa bỏ chế độ phục vụ quân đội cưỡng bức sau quý 1/2013. 

Sách Trắng quốc phòng năm 2011 nhắc lại sự thay đổi về mục tiêu tác chiến cơ bản của Đài Loan và sửa định nghĩa “thắng lợi” trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc từ đánh bại hoàn toàn lực lượng kẻ thù thành ngăn chặn lực lượng đổ bộ của đối phương giành vị trí đứng trên lãnh thổ Đài Loan. Ý nghĩa của sự thay đổi này là cho phép Đài Loan tập trung hơn cho các nhu cầu tác chiến về quy mô lực lượng, các khả năng và các nguồn ngân sách. "Điều kiện thắng lợi" được xem xét lại sẽ cho phép quân đội xây dựng kế hoạch tác chiến hỗn hợp mới. Nhưng theo khái niệm tác chiến mới, khả năng Đài Loan "đánh thắng" mà không cần sự đóng góp của lực lượng bộ binh vẫn mang tính chất lý thuyết. Thực tế, Đài Loan có khả năng theo đuổi một chiến lược tác chiến có thể đòi hỏi những đặc điểm cơ cấu lực lượng nhất định giống như các khả năng "chống xâm nhập" của Trung Quốc. Rõ ràng Đài Loan có vị trí địa lý, kinh tế và môi trường tác chiến như Trung Quốc, nhưng khi phát triển các khả năng chống xâm nhập như vậy Đài Loan phải cân bằng hàng loạt tài sản phòng không và kiểm soát biển. Sách Trắng cũng thể hiện rõ hơn các khả năng và các hệ thống mới mà Đài Loan đang đặt mua để đáp ứng mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Bên cạnh một số kế hoạch mua sắm vũ khí quan trọng gần đây của Đài Loan từ Mỹ, Đài Loan đang nỗ lực phát triển các loại vũ khí ở trong nước. Trong số các vũ khí và công nghệ mới đang được phát triển gồm các tên lửa điều khiển tầm xa, bom xung điện từ (EMP) và máy bay không người lái "chiến lược". Theo Sách Trắng, năm 2010, MND hoàn thành 15 chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) về các công nghệ quan trọng và đang tiếp tục thực hiện 25 dự án R&D hệ thống vũ khí. Các dự án này gồm hàng loạt công nghệ và chương trình có giá trị, trong đó MND đã đầu tư nhiều nguồn quan trọng trong những năm qua như: các hệ thống máy bay không người lái (33,96 triệu USD); bom than chì (12,96 triệu USD); vũ khí EMP năng lượng cao và bảo vệ EMP (29,96 triệu USD); khả năng thử nghiệm máy bay siêu tốc nhanh hơn tiếng động 5 lần (31,72 triệu USD); máy bay không người lái tầm xa (99,27 triệu USD)...

Việc thể hiện tính trung thực hơn trong Sách Trắng quốc phòng năm 2011 của Đài Loan có khả năng xuất phát từ một số nhân tố, trong đó một phần do đặc điểm và sự tin tưởng hơn của giới lãnh đạo MND hiện nay đối với Tổng thống Mã Anh Cửu và mối quan hệ quân sự dân sự ở Đài Loan đã được cải thiện hơn cách đây 2 năm. Nhưng nói chung quân đội Đài Loan tiếp tục vấp phải khó khăn do chưa được Chính phủ ưu tiên cao và những hạn chế trong chính sách quốc phòng. Trong khi đó, kế hoạch trọng tâm ở eo biển Đài Loan của Chính quyền Mã Anh Cửu cho thấy MND là cơ quan duy nhất thường xuyên cảnh báo mối đe dọa quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Do đó MND cần sử dụng Sách Trắng năm 2011 như một cơ hội để khẳng định rõ hơn và thuyết phục hơn về quân sự nhằm nâng cao nhận thức của công chúng trước những thách thức mà quân đội Đài Loan đối mặt và hy vọng chính sách quốc phòng sẽ trở thành một trong những chủ đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay. Do những nỗ lực lớn của MND, ngân sách quốc phòng Đài Loan năm 2012 sẽ tăng khoảng 803,4 triệu USD, nhưng tất nhiên không phải tất cả khoản tăng ngân sách này sẽ được sử dụng cho riêng quân đội./.

  Theo Jamestown Foundation (ngày 2/9)

 Mỹ Anh (gt)