Trung Quốc đã và đang đạt được các khả năng quân sự mới mạnh mẽ, đặc biệt các máy bay tàng hình, tàu ngầm mới và các hệ thống tên lửa đạn đạo chống tàu có thể đánh bại một nhóm tàu tiến công hàng không mẫu hạm. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố các khả năng này nhằm mục đích tự vệ, nhưng Oasinhtơn coi đó là khả năng tiềm tàng để ngăn chặn Mỹ thâm nhập khu vực Đông Á. Mỹ có thể ít lo ngại việc Trung Quốc hạ thủy một hàng không mẫu hạm, bởi vì loại tàu này lạc hậu so với hàng không mẫu hạm của Mỹ. Nhưng các tàu ngầm, máy bay tiến công và tên lửa là mối lo ngại lớn hơn nhiều.

Khái niệm Tác chiến Không quân Hải quân đã được công bố công khai lần đầu tiên trong Đánh giá Quốc phòng 4 năm của Mỹ năm 2010 (QDR), trong đó nhấn mạnh: "Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ đang phối hợp với nhau để phát triển khái niệm Tác chiến Không quân Hải quân nhằm đánh bại kẻ thù trong các chiến dịch quân sự, kể cả các kẻ thù được trang bị bằng các khả năng chống thâm nhập. Khái niệm này sẽ giải quyết vấn đề lực lượng không quân và hải quân sẽ thống nhất khả năng ra sao trong tất cả các hoạt động trên không, trên biển và không gian mạng để chống lại các thách thức ngày càng tăng đối với quyền tự do hành động của Mỹ".

Mặc dù không nói thẳng Trung Quốc là một trong những kẻ thù trong Tác chiến Không quân Hải quân, nhưng tuyên bố về khái niệm này của các quan chức Mỹ làm dư luận không thể không tin là nhằm vào Trung Quốc.

Tác chiến Không quân Hải quân bao gồm thành phần của các chiến lược được Mỹ thực hiện thành công trong các giai đoạn của cuộc Chiến tranh Lạnh góp phần dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Các thành phần đó bao gồm khái niệm Tác chiến Không quân Hải quân nhằm bảo vệ Tây Âu và Chiến lược Biển của Hải quân Mỹ, trong đó có việc triển khai lực lượng để ngăn chặn Hải quân Liên Xô thâm nhập các vùng biển của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa các siêu cường. Các chiến lược này giúp ngăn chặn Liên Xô phát động một cuộc chiến chống phương Tây hoặc nếu phát động cũng không thể thành công. 

Nhưng Tác chiến Không quân Hải quân không thể có ảnh hưởng tương tự đối với Trung Quốc. Hiện nay một vấn đề gây nhiều tranh cãi là liệu các chiến lược như Tác chiến Không quân Hải quân có thích hợp trong các môi trường chiến lược hiện tại. Nếu thích hợp, chúng cần được giải thích rõ hơn. Trung Quốc và Mỹ không có Chiến tranh Lạnh. Hai nước không phải là các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Liên Xô và Mỹ trước đây. Điểm mấu chốt là Bắc Kinh và Oasinhtơn nên tránh các chiến lược gây phản ứng "ăn miếng trả miếng" của các bên. Tăng cường đối thoại giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ giúp tránh được hậu quả đó. 

Theo RSIS

Mỹ Anh (gt)