Vấn đề Biển Đông phức tạp là do 2 nhân tố. Trước hết là, sự can dự của các thế lực bên ngoài, nhất là Mỹ. Từ năm 2010, Mỹ điều chỉnh chiến lược quay trở lại ĐNÁ, thái độ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông cũng chuyển từ trung lập sang can dự, khiến các tuyên bố, hoạt động của Việt Nam và Philippines càng thêm dồn dập. Hai là, khả năng liên kết giữa các nước ASEAN. Trong 10 nước ASEAN chỉ có 5 nước Việt Nam, PLP, Malaysia, Brunei có tồn tại tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, trong đó Việt Nam và PLP là 2 nước chính. Trong nội bộ ASEAN, vấn đề Biển Đông là vấn đề lớn ảnh hưởng đến tiến trình nhất thể hóa của tổ chức này. Vì vậy, ASEAN luôn khó xử giữa thực hiện nhất thể hóa và xử lý quan hệ với Trung Quốc do lâu nay Trung Quốc luôn kiên trì lập trường vấn đề Biển Đông không phải vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN mà là vấn đề giữa các nước xung quanh Biển Đông với nhau, nhấn mạnh dùng cơ chế song phương giải quyết, phản đối việc đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Về phía Trung Quốc , ASEAN liên kết có nghĩa Trung Quốc phải đối mặt với một lực lượng tập thể và sẽ gây thách thức toàn diện cho ngoại giao láng giềng của Trung Quốc .

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc áp dụng hai sách lược để đối phó: Một là, tăng cường mặt giao lưu hợp tác để hạn chế Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Trong cuộc đối thoại lần thứ nhất về an ninh chiến lược Trung - Mỹ (9 - 10/5), hai bên cùng thừa nhận có lợi ích chung trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực CÁ - TBD. Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vai trò ở khu vực và quyết định thành lập cơ chế tham vấn Trung - Mỹ về các sự vụ ở khu vực CÁ - TBD. Tiếp đó, Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bính Đức thăm Mỹ, đề xuất cùng Mỹ xây dựng mô hình quan hệ quân sự mới. Do đó, sự tin cậy về an ninh chiến lược giữa hai bên đã được tăng cường hơn. Vấn đề Biển Đông, cả Trung Quốc và Mỹ đều đặt trong chiến lược tổng thể của mình. Đối với Trung Quốc, lợi ích cốt lõi trong vấn đề Biển Đông là chủ quyền thuộc về Trung Quốc, Trung Quốc không có ý định thay đổi lập trường về tự do hàng hải và cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Về phía Mỹ, chỉ cần bảo đảm vấn đề tự do hàng hải và vai trò của Mỹ ở khu vực không bị thách thức thì Mỹ sẽ không đối chọi với Trung Quốc .

Hai là, phòng ngừa ASEAN liên kết trong vấn đề Biển Đông và khống chế vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với các nước liên quan. Sách lược này gồm hai phương diện. Thứ nhất là tranh thủ ảnh hưởng về kinh tế ngày càng lớn, tăng cường hợp tác về kinh tế thương mại với ASEAN. Thực tế hiện nay cho thấy, kinh tế ASEAN đã không thể tách rời Trung Quốc , nhất là kể từ sau thực hiện FTA giữa Trung Quốc - ASEAN. Trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt 111 tỷ USD, tăng 26,5%, dự kiến cả năm sẽ vượt 300 tỷ USD. Do những lợi ích về kinh tế lớn như vậy sẽ khó có khả năng các nước ASEAN liên kết để chống Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một quan chức Ngoại giao TL từng bày tỏ rằng “vấn đề chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề song phương, không nên đưa thành vấn đề của cả ASEAN”. Thứ hai là nhấn mạnh giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông và giảm bớt sự lo ngại của ASEAN trước thực lực quân sự Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Trước thái độ của Việt Nam và một số nước liên quan, Trung Quốc áp dụng biện pháp đối phó ngày càng cứng rắn hơn. Tuy nhiên, xuất phát từ nhu cầu phát triển của Trung Quốc và sự ổn định của khu vực, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện 2 sách lược đó, nếu không môi trường hòa bình sẽ bị tổn hại.

                                 Theo ChinaReviewNews 

TT  (gt)