Sau khi công bố mời thầu nước ngoài 6 lô dầu khí đầu tiên trên Biển Đông vào tháng 6/2012, mới đây Tổng Công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) tiếp tục đưa ra gọi thầu quốc tế đợt hai với 26 lô dầu khí khác cũng thuộc khu vực Biển Đông. TQ đang đẩy nhanh bước đi trong việc khai thác dầu khí tại vùng biển này. Tuy nhiên, có thể thấy phần lớn những lô dầu khí mời thầu đợt hai đều nằm xung quanh Vịnh Bắc Bộ, cách khá xa ranh giới của “đường 9 đoạn”. Điều này cho thấy, TQ hiện vẫn giữ thái độ khá thận trọng trong việc khai thác tài nguyên tại vùng biển có trữ lượng dầu khí lên tới 55 tỷ tấn.

Thế nhưng trái lại, 5 nước ĐNÁ gồm VN, Malaysia, PLP, Bruney và Indonesia lại đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc khai thác tài nguyên. Theo số liệu cho biết, 5 nước này hiện đã khoan tới 1.380 giếng dầu tại Biển Đông, sản lượng khai thác hàng năm lên tới 60 triệu tấn, thu lợi hơn 200 tỷ USD mỗi năm. Hơn nữa, có không ít lô dầu khí của các nước này đang nằm sâu trong phạm vi “đường 9 đoạn” của TQ.

VN hiện đã quy hoạch 185 lô dầu khí tại Biển Đông, trong đó nhiều lô nằm trong vùng biển “Tây Sa, Nam Sa” (Hoàng Sa, Trường Sa); Malaysia cũng có những lô dầu khí lấn sâu vào “biên giới trên biển của TQ” tới 20 km; các lô dầu khí mời thầu nước ngoài của PLP tại khu vực bãi Cỏ Rong (Reed bank) hầu như cũng nằm trọn vẹn bên trong “vùng biển truyền thống của TQ”. Trong tổng sản lượng 60 triệu tấn dầu mà 5 nước này khai thác tại Biển Đông mỗi năm, có tới 30 triệu tấn là khai thác trong khu vực “đường 9 đoạn”.

Trong xử lý tranh chấp khai thác tài nguyên với các nước khu vực Biển Đông, chính phủ TQ luôn nêu nguyên tắc cơ bản “chủ quyền của TQ, gác tranh chấp, cùng khai thác”, tuy nhiên cho đến nay, nguyên tắc này đã bị các nước Biển Đông hiểu sai lệch. Một mặt, do các nước khu vực Biển Đông từ lâu đã sử dụng vũ lực đánh chiếm nhiều đảo bãi thuộc quần đảo Trường Sa, đồng thời xây dựng các công trình quân sự và bố trí bộ đội đóng giữ, còn TQ trong lúc bị chiếm mất từng đảo bãi, đã không dùng biện pháp mạnh để ứng phó, nên vấn đề phân định ranh giới trên biển chưa được giải quyết kịp thời. Bởi vậy, khái niệm “chủ quyền thuộc TQ” đối với TQ nay chỉ còn ý nghĩa pháp luật mang tính tự nhận thức mà thôi. Mặt khác, trong xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo, TQ từng mong muốn thông qua cơ chế “10+1” với ASEAN để thực hiện sách lược “liên hoành”, tuy nhiên do sự can thiệp của phía Mỹ, kế “liên hoành” của TQ khó có thể tiếp tục. Hiện nay, ngoài PLP đã cho phép Mỹ đưa quân đồn trú và bố trí thiết bị chống tàu ngầm tại các căn cứ quân sự trọng yếu trên lãnh thổ của mình, VN cũng đang tập trung đàm phán với Mỹ về việc mở cửa căn cứ Vịnh Cam Ranh cho quân đội Mỹ. Với tình hình như thế, hy vọng “gác tranh chấp” của TQ đã trở nên rất khó thành hiện thực.

Trong bối cảnh chủ trương “gác tranh chấp” đã bị biên viễn hóa, nguyên tắc “cùng khai thác” theo đó tất yếu cũng không thể đạt được hiệu quả. Từ cuối năm 2003, CNOOC đã ký kết Bản ghi nhớ về việc hợp tác thăm dò khai thác dầu khí Biển Đông với Công ty Dầu khí Quốc gia PLP, sau đó Tổng Công ty Dầu khí Quốc gia VN cũng tham gia vào dự án. Tuy nhiên, do phía PLP đã bắt tay hợp tác với công ty dầu khí Anh, đơn phương từ bỏ dự án hợp tác thăm dò tại khu vực bãi Cỏ Rong, thỏa thuận hợp tác đầu tiên giữa 3 nước TQ - PLP - VN cũng vì thế mà phá sản. Từ đó TQ và các bên tranh chấp khác cũng không còn triển khai bất cứ hành động hợp tác dầu khí nào tại Biển Đông.

Thực tế, bởi sự dính líu của Mỹ và một số nước bên ngoài khu vực, vấn đề tranh chấp tài nguyên Biển Đông từ chỗ vô hình đã bị đẩy lên mức độ quốc tế hóa. Trong cục diện liên quan tới nhiều bên, nếu như lựa chọn phương thức vũ lực, thì kết quả sẽ là nhiều bên cùng thua. Bởi vậy, TQ luôn kiên trì giải quyết tranh chấp tài nguyên bằng phương thức trí tuệ.

Ngoài việc tiếp tục kiên trì nguyên tắc “cùng khai thác” trong khu vực có tranh chấp với các bên liên quan, việc tự mình độc lập khai thác cũng là một hướng đi chủ yếu của TQ. Hiện đã có phương tiện “Dầu khí Hải dương 981” làm trụ cột quan trọng, nút thắt kỹ thuật của TQ trong vấn đề khai thác dầu khí nước sâu ở Biển Đông đã được giải quyết, tuy nhiên hiện nay dàn khoan “Dầu khí Hải dương 981” cơ bản vẫn phục vụ cho tác nghiệp gần bờ, khi cần thiết mới đưa ra khu vực tranh chấp để triển khai thăm dò khai thác thực chất.

Ngoài ra, theo giới chuyên gia nhận định, đến năm 2015, TQ sẽ cơ bản hình thành năng lực thiết kế và xây dựng các công trình nước sâu, trong năm đó có thể triển khai khai thác thử nghiệm tài nguyên băng cháy tại Biển Đông; đến năm 2020 sẽ hình thành đội tàu tác nghiệp tại các công trình biển sâu, hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cho phép thăm dò khai thác tại các mỏ dầu nước sâu, bao gồm cả trên mặt nước, dưới nước và dưới đáy biển. Năng lực độc lập khai thác của TQ tại Biển Đông sẽ khắc phục được những trở ngại hiện nay.

Mỹ hiện nay tỏ ra hết sức kiên quyết trong chiến lược “trở lại Châu Á”, TQ không thể trông đợi Mỹ từ bỏ những động tác can dự trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, TQ cũng không thiếu những quân bài để cân bằng với Mỹ. Ngoài việc TQ có ý thức chủ động mở rộng mức độ hợp tác khai thác dầu khí với các công ty Mỹ, nhằm trói buộc về lợi ích, TQ cũng có thể triển khai kế sách “hợp tung” với Nga để cân bằng lại với Mỹ. Nếu như TQ có thể phát huy ảnh hưởng thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ủng hộ chính quyền Putin hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy hợp tác tại Trung Á, thì Nga có thể sẽ là cánh tay trung kiên giúp TQ trong việc ngăn chặn Mỹ can dự vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.

Theo báo Thanh Niên Trung Quốc

Quốc Trung (gt)