Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa qua tại Bắc Kinh đã bắt đầu bằng việc Trung Quốc đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm trong thời gian một tuần. Thỏa thuận về việc chống biến đổi khí hậu đạt được với Mỹ, theo đó Trung Quốc chấp nhận giảm lượng khí thải, cho thấy Bắc Kinh muốn gánh những trách nhiệm đi kèm với việc trở thành một cường quốc toàn cầu.

Trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC-22 và giành được sự tán thành việc thực thi một Khu vực Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Trung Quốc cũng đạt được một Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Hàn Quốc, kết thúc đàm phán FTA song phương với Úc và có bước đột phá trong thương thuyết với Mỹ nhằm mở rộng phạm vi của Hiệp định Công nghệ thông tin, hứa hẹn tiếp thêm sinh lực cho thị trường các sản phẩm công nghệ trị giá 1.000 tỷ USD.

Những diễn biến trên cũng có thể báo hiệu sự khởi đầu thay đổi trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Theo nhiều cách, cho đến nay Trung Quốc vẫn bị coi là yếu về ngoại giao do không có nhiều đồng minh và không có một tầm nhìn rõ ràng về những mục tiêu trên trường quốc tế. Có 3 lý do khiến Trung Quốc chọn FTAAP - khái niệm do Mỹ đưa ra đầu tiên - làm sáng kiến có tính bước ngoặt cho Hội nghị Cấp cao APEC-22. Thứ nhất, FTAAP xác định một tầm nhìn khu vực lớn bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ. Thứ hai, là khiến khu vực giảm bớt sự tập trung vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ ba, sáng kiến trên giúp Trung Quốc đứng "ngang hàng" với Mỹ trong việc tạo dựng một trật tự thương mại khu vực và toàn cầu mới.

Những diễn biến nói trên và sự linh hoạt của Trung Quốc trong xử lý các vấn đề tại Biển Đông và Biển Hoa Đông tại Hội nghị Cấp cao Đông Á cho thấy sắc thái mới trong hoạt động ngoại giao của Bắc Kinh.

Một vai trò lớn hơn của Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc chấp nhận và phản ứng một cách tích cực với vai trò mới này thì cách thức xử lý các mối quan hệ song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia có thể trở thành "mô hình mới" cho quan hệ giữa các nước lớn trong tương lai. 

 

 

 

Theo mạng tin "Diễn đàn Đông Á"

Duy Anh (gt)