_____________________
 
  Từ khóa : Đối ngoại, Quan hệ Mỹ - Trung 
 
****************
 

Các ứng cử viên tổng thống và quốc hội Mỹ năm 2008 nhưng nước đang thu hút được sự chú ý của dư luận Mỹ đều nhấn mạnh vào thay đổi. Quá trình bầu cử sơ bộ lâu dài, đặc biệt cuộc cạnh tranh trở thành ứng cử viên tổng thống trong đảng Dân chủ đã tạo nên một cuộc đua xít xao được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và có sự tham gia của các nhóm kinh tế, xã hội và tuổi khác nhau. Chiến dịch vận động bầu cử năm 2008 là một điểm đặc biệt trong lịch sử phát triển của chính trị và xã hội Mỹ. Chưa bao giờ trong lịch sử, người Mỹ lại phải lựa chọn hoặc người Mỹ gốc Phi, hoặc một người là phụ nữ làm tổng thống. Tuy nhiên, thắng lợi trong cuộc đua giành chức tổng thống của ứng cử viên đảng Dân chủ không phải là đã chắc chắn hoàn toàn, vì ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng có những tư cách tốt, là một người có lối tư duy độc lập và sẵn sàng thay đổi những chính sách mà ông cho là sai lầm của chính phủ hiện tại. Nhưng, thành phần của Quốc hội lần thứ 111 chắc chắn sẽ chuyển dần sang có lợi cho đảng Dân chủ, tăng sức mạnh cho phe đa số do Chủ tịch Hạ viện nữ đầu tiên, bà Nancy Pelosi đứng đầu, và lãnh tụ phe đa số trong Thượng viện, ông Harry Reid.

Những thay đổi mà các ứng cử viên tổng thống và Quốc hội đưa ra lại không đặt vào châu Á-Thái Bình Dương ưu tiên cao. Về đối ngoại, lãnh đạo mới của Mỹ sẽ phải đưa ra những kế hoạch được Quốc hội cũng như công chúng Mỹ chấp nhận để giải quyết vấn đề I-rắc. Các vấn đề dai dẳng khác ở Tây Nam Á cũng cần sự quan tâm sát sao là đối đầu về chương trình hạt nhân của I-ran, tiến trình hòa bình bất thành ở Trung Đông. Phụ thuộc vào cách định nghĩa châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề này còn bao gồm tình trạng ngày càng xấu ở Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan. Đây cũng là những vấn đề đứng đầu danh sách các vấn đề đối ngoại của chính phủ Mỹ. Đồng thời, thêm vào các ưu tiên phức tạp là tình hình kinh tế suy giảm và sự cần thiết phải có biện pháp hữu hiệu để giải quyết những hậu quả cả trong và ngoài nước.[1]

Trước tình hình này, lãnh đạo trong chính phủ mới của Mỹ có thể hầu như sẽ không có thời gian để tiến hành những thay đổi cũng không kém phần quan trọng ở những khu vực khác, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương. CHDCND Triều Tiên là một trong những điểm nóng tại khu vực bắt buộc lãnh đạo mới của Mỹ phải hành động nếu như vấn đề hạt nhân này không được chính quyền Bush giải quyết. Mỹ luôn có ác cảm đối với chính quyền quân sự ở  Mi-an-ma, cái giá mà chính phủ mới ở Mỹ ngay cả khi được lãnh đạo bởi Thượng Nghị sĩ Barack Obama luôn nhìn về tương lai phải trả để giữ ôn hòa trong đường lối cứng rắn bấy lâu nay của Mỹ có vẻ là cao và quan trọng hơn lợi ích có thể có được.

Chính phủ mới của Mỹ rất có thể có biện pháp hạn chế thương mại. Nếu thế, đây sẽ là một hệ lụy quan trọng đối với các nền kinh tế hướng xuất khẩu ở châu Á. Các ứng cử viên tổng thống đều nhấn mạnh cần có quân đội Mỹ mạnh, nhưng hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa lại có khác biệt trong hướng giải quyết cuộc chiến ở I-rắc. Vị thế và tương lai của quân đội Mỹ sau những cuộc xung đột kéo dài ở I-rắc và trên các mặt trận khác trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như quyết định của lãnh đạo Mỹ giữa việc tiếp tục can dự hay rút quân khỏi I-rắc sẽ được các nhà lãnh đạo châu Á xem xét và tính toán tỉ mỉ để đánh giá năng động về an ninh đang thay đổi ở khu vực.[2] Và có lẽ những sự chuyển dịch từ chính quyền Bush liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục được hoan nghênh ở khu vực, nhưng cũng tạo ra thách thức mới đối với nước gây ô nhiễm lớn ở khu vực nhất là Trung Quốc.[3]

Chính quyền Bush trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ đã giảm bớt tính đơn phương và sự ngạo mạn trong các vấn đề đối ngoại nhạy cảm với các chính phủ châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã tham vấn và chịu khó lắng nghe những lãnh đạo khu vực, cố gắng tham gia một cách xây dựng vào các diễn đàn đa phương được các lãnh tụ châu Á-Thái Bình Dương ưa chuộng. Các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang chủ trương thúc đẩy chiều hướng tích cực này. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh cần phải khắc phục hình ảnh tiêu cực của Mỹ ở khu vực và trên thế giới do những bất đồng liên tiếp liên quan đến những hành động thái quá và xấu xa mà Mỹ đã tiến hành trong cuộc chiến ở I-rắc và rộng hơn nữa là cuộc chiến chống khủng bố.

Mặc dù những người phụ trách đối ngoại đảng Dân chủ và Cộng hòa hiểu biết những phức tạp trong quan hệ giữa Mỹ và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính phủ mới ở Mỹ sẽ không có những người phụ trách đối ngoại có kinh nghiệm trong vấn đề CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, thương mại cũng như các vấn đề tế nhị khác. Tình trạng này sẽ gây ra khó khăn trong việc giải quyết những bất đồng về chính sách của chính phủ mới liên quan đến những vấn đề còn tranh chấp.

Trong những cuộc tham vấn với các chuyên gia tiến hành ở Washington DC năm 2008, nhóm phụ trách Châu Á của ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain do Richard Armitage lãnh đạo chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, các đồng minh khác ở khu vực và hợp tác thực dụng với Trung Quốc. Ứng cử viên đảng Cộng hòa dường như có thiên hướng theo đuổi chính sách tự do thương mại được các nước xuất khẩu ở châu Á ưa chuộng. Trong khi đó, hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ lại chưa xác định rõ ràng nhóm phụ trách châu Á, cả hai chủ trương thúc đẩy những yếu tố tích cực trong chính sách hiện thời của Mỹ ở khu vực, nhưng họ lại giữ quan điểm cứng rắn trong các vấn đề thương mại và nhân quyền để thu hút sự ủng hộ từ các cử tri đảng Dân chủ.[4] Chính sách thương mại và nhân quyền đó có thể sẽ làm phức tạp quan hệ của Mỹ với khu vực, đặc biệt là với cường quốc hàng đầu như Trung Quốc.

Trạng thái cân bằng tích cực nhưng mong manh trong quan hệ Mỹ-Trung

Một cách đánh giá khả năng chuyển dịch chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương là xem xét lại vị thế và triển vọng trong cách tiếp cận của Mỹ đối với nước phát triển đáng chú ý nhất ở khu vực trong thế kỷ 21 này - sự nổi lên của Trung Quốc. Cách đánh giá đó sẽ bao gồm những yếu tố nổi bật trong chính sách của Mỹ đối với các chính phủ và người dân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thế cân bằng tương đối trong quan hệ Mỹ-Trung trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 rất có thể vẫn tiếp tục tồn tại trong tương lai. Cả Mỹ và Trung Quốc đều bận tâm đến những vấn đề khác và có vẻ không muốn làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang gia tăng và hợp tác trong một số lĩnh vực chủ chốt ở châu Á cũng như trên thế giới đã thúc đẩy hai chính phủ theo hướng nhấn mạnh quan hệ tích cực và xây dựng. Vị thế cân bằng tương đối đã tạo ra cơ sở cho hợp tác trên các lĩnh vực về kinh tế và an ninh.[5]

Tuy nhiên, tầm quan trọng và viễn cảnh hợp tác Mỹ-Trung hiện lại dễ bị thổi phồng lên một cách quá mức. Các chuyên gia ở Trung Quốc và Mỹ đã xác định hình mẫu nhị nguyên trong quan hệ Mỹ-Trung. Đây là một phần của trạng thái cân bằng tích cực ở vẻ bên ngoài trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh. Hình mẫu này bao gồm quan hệ can dự mang tính hợp tác và xây dựng, nhưng mặt khác lại là kế hoạch đối phó hay đề phòng với phía bên kia. Điều này phản ánh sự hòa trộn giữa lợi ích tương đồng và cạnh tranh, giữa những nghi ngờ trong giới lãnh đạo có tính chủ đạo và hợp tác.[6]

Kế hoạch đối phó hay đề phòng lẫn nhau đôi khi dẫn đến việc cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường quân sự và đồng thời phát triển chính sách can dự mà lãnh đạo hai nước theo đuổi. Trong khi đó, tính nhị nguyên xuất hiện khi cả hai chính quyền đều sử dụng can dự để thiết lập quan hệ tích cực và hợp tác, và đồng thời sử dụng những mối quan hệ này để xây dựng sự phụ thuộc lẫn nhau và những mạng lưới quan hệ có tác dụng kiềm chế những hành động của nước kia đi ngược lại lợi ích của mình. Mặc dù so sánh như vậy không chuẩn xác, chính sách can dự lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc có đặc điểm của “chiến lược Gulliver” thiết kế để đối phó với những chính sách xâm lược, cường quyền và tiêu cực của nước kia thông qua mạng lưới quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong các quan hệ song phương và đa phương.

Trạng thái cân bằng tích cực hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung dựa vào sự kết hợp giữa chính sách can dự và chiến lược Gulliver. Nhưng thực tế là chiến lược Gulliver phản ánh những nghi ngờ cố hữu và lợi ích xung đột nhau là đặc điểm của những tính toán thiệt hơn trong quan hệ song phương giữa hai nước. Đáng chú ý là trong những tuyên bố và bình luận gần đây của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thức, Trung Quốc liệt kê bốn nhóm vấn đề trong quan hệ song phương mà hai bên còn bất đồng. Theo trình tự ưu tiên, danh mục đó bao gồm các vấn đề: Trung Quốc phản đối Mỹ ủng hộ Đài Loan; Trung Quốc phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm thay đổi hệ thống chính trị của mình; Trung Quốc phản đối Mỹ tăng cường vai trò của mình trong khu vực ngoại vi châu Á của Trung Quốc; và phản đối việc Mỹ tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong một số công việc trên thế giới. Chi tiết hóa hai vấn đề cuối cùng bao gồm: chính sách của Mỹ ở I-rắc; sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, các hiệp ước phòng thủ tên lửa đạn đạo với đồng minh; áp lực của Mỹ lên chính phủ I-ran,  Mi-an-ma, CHDCND Triều Tiên, Xu-đăng, Cu-ba và Vê-nê-du-ê-la; những tính toán chiến lược của Mỹ trong Liên Hợp Quốc và những diễn đàn quốc tế khác, và vai trò của Mỹ trong việc thay đổi khí hậu toàn cầu.[7]

Sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc thể hiện trên tất cả các mặt từ kinh tế, an ninh, chính trị, chủ quyền, cho đến chính sách đối ngoại và các vấn đề khác. Trong đó, các vấn đề kinh tế hiện đang là trọng tâm chú ý trong quan hệ Mỹ-Trung bao gồm thâm hụt thương mại lớn, chính sách và đồng tiền Trung Quốc, việc Mỹ phụ thuộc vào tài chính của Trung Quốc, thâm hụt ngân sách của Mỹ và Trung Quốc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ. Những vấn đề an ninh tập trung vào việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự, và mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở Đài Loan và châu Á-Thái Bình Dương. Những vấn đề chính trị thì liên quan đến hồ sơ nhân quyền, dân chủ, vấn đề tôn giáo và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc luôn gây nhiều tranh cãi. Vấn đề chủ quyền thì tập trung vào những tranh chấp về quy chế của Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông. Còn những bất đồng về chính sách đối ngoại thì chủ yếu là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với những chính phủ như Xu-đăng,  Mi-an-ma, I-ran, Cu-ba, Dim-ba-bu-ê và Vê-nê-du-ê-la; đồng thời là thương mại, đầu tư và viện trợ của Trung Quốc cho các nước giàu tài nguyên nhưng quản lý kém ở châu Phi làm giảm hiệu lực những hoạt động cấm vận của phương Tây cũng như những áp lực khác nhằm gây áp lực buộc chính phủ các nước này phải tiến hành cải cách.[8]

Sự đánh giá cẩn trọng về tương lai quan hệ Mỹ-Trung vào tháng 5/2008 phải tính đến những nỗ lực của cả hai bên nhằm tiếp tục can dự tích cực dựa trên chiến lược Gulliver hạn chế những hành động và bước đi tiêu cực của nước kia. Kế hoạch đối phó và đề phòng, tiêu biểu là việc tăng cường tiềm lực quân sự của cả Mỹ và Trung Quốc ở châu Á có vẻ như vẫn tiếp tục. Trong hoàn cảnh như vậy, việc tăng cường hợp tác là chỉ có thể ở mức khiêm tốn.

Lĩnh vực có khả năng tăng cường hợp tác bao gồm lợi ích chung của hai nước trong việc thúc đẩy và phát triển môi trường hòa bình ở châu Á và trên thế giới, cam kết duy trì sự ổn định và thúc đẩy sự phát triển thương mại quốc tế tự do và công khai mở cửa đầu tư cũng như các hoạt động trao đổi kinh tế khác. Hai bên có thể có những nỗ lực thúc đẩy hợp tác kiểm soát chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Hai bên cũng tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế và ủng hộ những nỗ lực bình ổn Pa-ki-xtan. Căng thẳng giữa hai bờ Đài Loan ngày càng giảm bớt cũng sẽ tạo cơ hội cho việc thúc đẩy hợp tác Mỹ-Trung, mặc dù điều này còn phụ thuộc vào việc chính phủ mới ở Đài Loan sẽ xử lý như thế nào những vấn đề hai bờ eo biển và Trung Quốc sẽ điều chỉnh như thế nào những áp lực cũng như chính sách khuyến khích đối với Đài Loan.

Cải thiện bầu không khí quan hệ Trung-Nhật, việc Mỹ quan tâm ngày càng nhiều tới hai nước này và quan hệ song phương giữa Mỹ và hai nước này đã làm ba nước quan tâm đến một cuộc đối thoại tay ba giữa Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ở cấp độ chính thức hay bán chính thức. Những cuộc tham khảo ý kiến ở Thượng Hải tháng 12/2007 và ở Washington DC vào tháng 3/2008 cho thấy rằng các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản rất quan tâm đến đối thoại ba bên này, trong khi các quan chức Mỹ thì ít quan tâm hơn.[9] Tình hình có vẻ còn chưa có tính định hướng. Tuy nhiên, mọi người cho rằng quan điểm tích cực của đối thoại ba bên như vậy hạn chế và chỉ mang tính tượng trưng vì mức độ tin tưởng và sự gần gũi về chiến lược giữa ba nước còn khác nhau nhiều. Đặc biệt, Mỹ và Nhật Bản coi nhau là đối tác chiến lược và hợp tác chặt chẽ với nhau để đối phó với những hậu quả bất lợi từ khả năng nổi lên của Trung Quốc và ảnh hưởng ở châu Á cũng như trên thế giới. Cả Washington và Tokyo đều rất ít tin tưởng vào quan hệ của riêng mình với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có tâm lý này.

Phát triển khiêm tốn trong quan hệ hợp tác Mỹ-Trung sẽ bao gồm các vấn đề xuyên quốc gia quan trọng như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán ma túy bất hợp pháp, gìn giữ hòa bình, các mối đe dọa xuyên quốc gia như: bệnh tật, thiên tai và tội phạm có tổ chức. Đồng thời, hai nước có cùng mối quan tâm là hợp tác trong các vấn đề Xu-đăng, I-ran và Mi-an-ma cũng như các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.


Khó khăn phía trước? Chính trị nội bộ Mỹ

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều cố tránh những biến động lớn để phát huy tính tích cực và giảm thiểu tiêu cực trong quan hệ giữa hai nước, thì dường như lực lượng thực sự mạnh nhất vận động cho tính tiêu cực là những cuộc tranh luận trong nội bộ nước Mỹ về Trung Quốc. Chính quyền Bush phải quan tâm đến quá nhiều vấn đề, dường như đã quá mệt mỏi và chỉ có phản ứng thụ động vào những ngày cuối cùng của mình. Chính quyền Bush sẽ chật vật mới có thể kiểm soát được những hệ quả mà các nhóm lợi ích và các nhà bình luận đã chỉ trích chính sách cũng như cách triển khai chính sách của Trung Quốc. Những nhóm lợi ích và những người phê bình đó ngày càng giữ vai trò tích cực và nổi trội đến quá trình hoạch định chính sách của chính quyền mới khi chính quyền này lên cầm quyền. Họ đưa ra nhiều đề nghị khác nhau để chính phủ mới lựa chọn đưa vào chương trình nghị sự.[10]

Theo những dự đoán về cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới,[11] rất nhiều khả năng đảng Dân chủ sẽ gia tăng đa số trong cả Hạ viện và Thượng viện. Họ có thể sẽ giành được thêm 30 ghế trong Hạ viện và 5 hoặc 6 ghế trong Thượng viện. Với một Quốc hội kiểm soát bởi đảng Dân chủ như thế thì họ dễ dàng giành được đủ số phiếu để dừng những đề nghị đưa ra trong các kỳ họp và loại bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống. Chúng ta cần nhớ lại những nỗ lực của Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và Hợp đồng với nước Mỹ của ông ta năm 1995, một Quốc hội như vậy đã hoạch định chương trình hoạt động cho nước Mỹ, bao gồm cả chính sách đối với Trung Quốc và châu Á. Đương nhiên, nếu một ứng cử viên của đảng Dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống thì lực lượng hoạch định chính sách của đảng Dân chủ lại giữ vai trò quyết định.

Có hai khu vực chủ chốt mà xu hướng dự báo này làm lu mờ những khó khăn trong quan hệ với Trung Quốc, có tác động rõ rệt đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về quan hệ kinh tế thương mại

Công đoàn có tổ chức và những nhóm chủ chốt khác được coi như là thành viên của đảng Dân chủ đã nhiều năm lập luận việc quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc gây tổn hại cho công nhân Mỹ. Họ khẳng định rằng hàng nghìn việc làm có lương cao trong ngành chế tạo đã bị mất do cạnh tranh với Trung Quốc - họ viện dẫn thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc để chứng minh cho điểm này. Lập luận của họ đang ngày càng có sức thu hút về chính trị khi kinh tế Mỹ đang bị thoái trào và thất nghiệp gia tăng.[12]

Công đoàn có tổ chức và những nhóm khác có liên quan cũng có vai trò khá quan trọng đối với ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc đua giành ghế tổng thống này. Chẳng có ứng cử viên nào của đảng Dân chủ nào có thể xa lánh những lực lượng chính trị này; không những thế, họ còn tích cực thu hút sự ủng hộ từ những lực lượng này bằng lời hứa là sẽ thi hành những chính sách thương mại cứng rắn hơn so với chính sách tự do của chính quyền Bush. Đôi khi họ cũng chỉ trích những chính sách của Trung Quốc là bất công bằng đối với các công nhân Mỹ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa John McCain từ trước đến nay vẫn ủng hộ chính sách tự do thương mại, nhưng gần như chắc chắn trong cuộc đua xít xao giành ghế Tổng thống ông ta cũng sẽ phải điều chỉnh lập trường của mình để thu hút sự ủng hộ của tầng lớp công nhân đang khó khăn.

Trong khi đó nhiều nghị sĩ và những người có tham vọng làm nghị sĩ quốc hội lại tập trung vào tình hình kinh tế bất lợi và cho rằng thương mại bất cân đối với Trung Quốc là mục tiêu trong cuộc vận động của mình.[13]

Những lời cáo buộc về quan hệ kinh tế bất bình đẳng với Trung Quốc dẫn tới thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ được hỗ trợ bởi các chỉ trích chính sách tiền tệ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; những điệp viên an ninh và công nghiệp của Trung Quốc. Nguy cơ phản ứng mạnh từ phía Mỹ là thực sự có khi các công ty của Trung Quốc chuyển sang sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ lớn của mình để đầu tư vào các công ty Mỹ và khi họ bắt đầu thâm nhập vào các thị trường nhạy cảm của Mỹ như thị trường ô tô. Nhật Bản đã từng bị phản ứng mạnh mẽ trong những năm 1980, nhưng các công ty của Nhật đã xoa dịu phần nào bằng cách chứng minh rằng Nhật Bản đầu tư vào Mỹ tạo ra rất nhiều việc làm có lương cao. Trung Quốc chưa làm điều này và nếu khôn hơn thì phải học Nhật Bản trong việc này.

Hầu hết các nhà kinh tế coi luật và hạn chế mang tính trừng phạt của Mỹ về thương mại và đầu tư với Trung Quốc là không có tác dụng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.[14] Tuy nhiên, có nhiều khả năng những hành động bảo hộ đó sẽ tạo thêm sức mạnh cho đảng Dân chủ giành kiểm soát Quốc hội cũng như giành được chiếc ghế tổng thống.

Biến đổi khí hậu

Chính quyền Bush là mục tiêu của các chỉ trích ở nước Mỹ cũng như thế giới vì hoạt động bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu của mình trước đây. Tất cả các ứng cử viên tổng thống và đại đa số ứng cử viên quốc hội đều khẳng định là sẽ thực sự thay đổi chính sách của Mỹ. Điều này có thể sẽ nhanh chóng được thực hiện sau tháng 1/2009 và điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ là mục tiêu chỉ trích mới của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế trong vấn đề tế nhị này.[15] Những hoạt động ngoại giao tích cực và những lời biện bạch ở các diễn đàn bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu quốc tế không làm dịu đi sự chỉ trích của Mỹ đối với việc Trung Quốc sử dụng lãng phí năng lượng để sản xuất hàng hóa và dịch vụ.[16] Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu trên thế giới. Một khi Mỹ đã làm tròn trách nhiệm bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu của mình thì các quan chức và công chúng Mỹ rất mong đợi Trung Quốc cũng làm như vậy. Mỹ có vẻ sẵn sàng giúp chuyển giao công nghệ nếu như Trung Quốc có thể bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và trả giá công bằng. Nhìn chung lại yêu cầu của Mỹ chắc chắn buộc Trung Quốc phải trả giá cao hơn: hoặc là thực hiện những nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hoặc là sẽ bị coi là một kẻ đứng ngoài cuộc trong lĩnh vực này.

Các vấn đề khác

Đài Loan: Cả Trung Quốc và Mỹ đều nhận thức được rằng Đài Loan là vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước. Trong suốt 8 năm làm tổng thống Đài Loan ông Trần Thủy Biển liên tục đưa ra những sáng kiến vì độc lập mà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đều phản đối. Sự ra đi của Trần Thủy Biển và Mã Anh Cửu thay thế dường như sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai bờ, theo đó sẽ làm giảm bất hòa trong quan hệ Mỹ-Trung vì Mã Anh Cửu có xu hướng tìm kiếm quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên chúng ta dễ bốc đồng về tiến bộ có thể đạt được cũng như mức độ dễ dàng của những tiến bộ đó. Đặc biệt, kế hoạch an ninh quốc gia của Mã Anh Cửu chủ trương mua 60 máy bay chiến đấu tiên tiến F-16 của Mỹ. Những chiếc máy bay này được coi là tiên tiến hơn so với những chiếc thuộc thế hệ F-16s mà chính quyền tổng thống Bush cha bán cho Đài Loan năm 1992 (thực tế, phân tích sâu hơn chúng ta sẽ thấy rằng những chiếc máy bay F-16 mua trước đây đã được nâng cấp và khả năng của những chiếc hiện tại cũng không có nhiều khác biệt).

Chính quyền Bush hiện tại đang chịu áp lực của Quốc hội bán máy bay cho Đài Loan, nhưng lại chần chừ không muốn trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan. Trung Quốc phản đối kịch liệt việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Chúng ta không biết chắc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào trước việc Mỹ chuyển giao khối lượng lớn máy bay như vậy. Nếu chính quyền Bush quyết định không bán vũ khí cho Đài Loan thì áp lực sẽ gia tăng và vấn đề sẽ trở thành tranh cãi trong chính phủ Mỹ và cả trong quan hệ với Trung Quốc.[17]

CHDCND Triều Tiên: Như đã nói ở trên, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khó có thể được giải quyết trong nhiệm kỳ của tổng thống Bush. Điều này có nghĩa là chính phủ mới của Mỹ sẽ phải đưa ra lập trường của mình về những vấn đề tranh cãi trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên, bao gồm ưu tiên đàm phán với CHDCND Triều Tiên, đàm phán 6 bên và một số vấn đề khác. Cách tiếp cận của chính quyền Bush và trưởng đoàn đàm phán Christopher Hill rất thực dụng và linh hoạt từ khi CHDCND Triều Tiên tiến hành thử vũ khí hạt nhân năm 2006. Điều này cũng chỉ thể hiện một phía trong tranh luận đang diễn ra ở Mỹ về một chính sách thích hợp cho CHDCND Triều Tiên. Chính quyền mới của Mỹ có thể sử dụng nhiều cây gậy và ít cà rốt hơn để đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thái độ cứng rắn hơn nhiều của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên có thể sẽ gây rắc rối và tranh cãi trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc cũng như với các nước châu Á-Thái Bình Dương khác.[18]

Những sự kiện Mỹ thù địch với Trung Quốc: Thái độ chủ đạo đối với Trung Quốc ở Mỹ có thể sẽ tạo ra những sự kiện gây tranh cãi trong thời gian tới. Các quan sát viên đã đúng khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc trở nên phụ thuộc lẫn nhau nhiều về kinh tế và có rất nhiều lĩnh vực cần phải hợp tác, do đó đổ vỡ quan hệ hai bên là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, tình hình này cũng không loại trừ những va chạm và bất đồng có ý nghĩa do Mỹ tạo ra có thể gây khó khăn lớn cho Trung Quốc. Chúng ta đã từng chứng kiến những hành động đối kháng của Mỹ đối với Trung Quốc ngay cả khi quan hệ giữa hai nước này đang ở giai đoạn tốt. Khi công ty dầu lửa của Trung Quốc định mua công ty dầu của Mỹ là UNOCAL năm 2005, làn sóng chống Trung Quốc diễn ra trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng Mỹ cũng như ngay cả trong Quốc hội làm việc này không thực hiện được. Năm 2007, thức ăn cho vật nuôi, đồ chơi, sản phẩm dinh dưỡng và các mặt hàng tiêu dùng khác có chứa độc tố của Trung Quốc đã gây lên cơn bão chỉ trích trên phương tiện thông tin đại chúng, điều trần quốc hội và các cuộc điều tra.[19]

Ngày nay, tình hình ở Mỹ còn có nhiều khả năng đưa đến những hành động chống Trung Quốc hơn. Phương tiện thông tin đại chúng Mỹ tập trung đưa các tin tức về những điều của Trung Quốc mà công chúng và các quan chức Mỹ thấy khó chấp nhận. Cuộc điều tra dư luận Gallup về các nước khác được tiến hành vào tháng 2 vừa qua cho thấy rằng 55% công chúng Mỹ có cái nhìn không thiện cảm về Trung Quốc. Con số này đã tăng lên đáng kể so với 47% vào năm trước.[20] Đồng thời, như đã nói trên, các nhóm lợi ích có tư tưởng phản đối chính sách và triển khai chính sách của Trung Quốc có vai trò khá tích cực trong cuộc bầu cử ở Mỹ năm nay. Nhiều trong số các nhóm này thấy có cơ hội để đẩy chương trình nghị sự chống Trung Quốc khi dư luận thế giới tập trung vào Trung Quốc trong thời gian trước Thế vận hội Bắc Kinh tháng 8 này. Việc Trung Quốc trấn áp các cuộc biểu tình không được phép và đôi khi bạo lực ở Tây Tạng tháng 3/2008 cũng là một trong hàng chuỗi sự kiện gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung.

Kết luận

Thực trạng cân bằng tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung có lẽ sẽ còn tiếp tục và sẽ không có sự đổ vỡ nào đáng kể. Mối quan hệ này là trục quan hệ quan trọng nhất trong tổng thể các mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ hiện hành và sắp tới với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ Mỹ-Trung vẫn là đủ mạnh để vượt qua những tranh cãi và bão táp đến từ nhiều phía, đặc biệt là từ chính trị nội bộ Mỹ.

Tuy nhiên, trong một hoặc hai năm tới đường đi sẽ không êm ả, cho nên các nhà lãnh đạo ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải chuẩn bị để đối phó với những hệ quả bất lợi rất có thể sẽ xảy ra.

Mối bận tâm của Mỹ đối với các vấn đề khác có thể chứng minh cho tính liên tục trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chính phủ sắp tới. Các nhà lãnh đạo mới của Mỹ đã hứa cải thiện hình ảnh tiêu cực của nước mình và có thái độ ngoại giao cởi mở hơn trong quan hệ với các nước trong khu vực. Những hạn chế thương mại trong chính sách thương mại tự do của Mỹ bao gồm cả những hạn chế trong hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc và một số nước khác sẽ phương hại đến quan hệ giữa Mỹ và khu vực. Vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực sẽ bị tác động bởi việc đánh giá của các nhà lãnh đạo khu vực về tiềm lực và chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh những mối lo của Mỹ ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và những nơi khác./.

Robert Sutter[21]

Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 2(73) tháng 6-2008, Học viện Ngoại giao[22]



[1] Thomas Pickering, Chester Crocker và Casimir Yost, Vai trò của Mỹ trên thế giới: những sự lựa chọn trong chính sách đối ngoại cho Tổng thống mới, Washington D.C: Viện Nghiên cứu Ngoại giao, Đại học Georgetown 2008. Đông Á và Chính quyền mới của Mỹ, Washington D.C: Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á, Viện Brookings 1/5/2008, tại địa chỉ www.brookings.edu/cnaps.aspz (truy cập 1/5/2008).

[2] Michael Green, “Cuộc chiến I-rắc và châu Á: Đánh giá Hệ quả,” Tạp chí hàng quý Washington Quarterly No. 31, Vol. 2 (Số mùa Xuân 2008) 181-200.

[3] Joanna I.Lewis, “Những ưu tiên chiến lược trong đàm phán thay đổi khí hậu quốc tế,” Washington Quarterly No. 31, Vol. 1 (Số mùa Đông 2007-2008) 155-174.

[4] Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Bầu cử Mỹ năm 2008, http://www.cfr.org/issue/480/us_election_2008.html (truy cập ngày 1/5/2008)

[5] Xem trong những tạp chí khác: Wang Jisi, “Trung Quốc tìm kiếm ổn định với Mỹ,” Tạp chí Đối ngoại No. 84, Vol. 5 (tháng 9- tháng 10/ 2005); 39-48. Rosemary Foot, “Những chiến lược của Trung Quốc trong trật tự bá quyền toàn cầu của Mỹ: dính líu và tránh né,” Tạp chí Các vấn đề Quốc tế, No. 82, Vol. 1 (2006); 77-94. Michael Swaine, Tiến trình đảo ngược? Sự đổi hướng mong manh trong quan hệ Mỹ-Trung, Washington DC: Bản tóm tắt chính sách Carnegie số 22 (2/2003). Evan Mederios và R.Taylor Fravel, “Ngoại giao mới của Trung Quốc,” Tạp chí Đối ngoại No. 82, Vol. 6 (tháng 12-tháng 11/2003); 22-35. Yong Deng và Thomas Moore, “Trung Quốc quan sát toàn cầu hóa: Hướng tới một nền chính trị cường quốc mới,” Tạp chí Washington, No. 27, Vol. 3 (số Hè 2004); 117-136. Chu Shulong, “Chiến lược ngoại giao Trung Quốc xây dựng toàn diện thời kỳ xã hội khá giả,” Tạp chí Kinh kế chính trị số 8 (8/2003). Lu Gang và Guo Xuetang, “Trung Quốc đe dọa ai: giải thích về học thuyết đe dọa Trung Quốc,” Thượng Hải: Nhà xuất bản Xueling, 2004. Kenneth Lieberthal, “Các lực lượng trong nước tác động như thế nào tới chiến lược lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tác động quốc tế,” trong Ashley Tellis và Miachael Wills, châu Á chiến lược 2007-2008, Settle, Wash: Cục Quốc gia về nghiên cứu châu Á 2007, 29-68.

[6] Foot, “Những chiến lược của Trung Quốc trong trật tự bá quyền toàn cầu của Mỹ: dính líu và tránh né,”. Evan Medeiros, “Tránh né chiến lược và tương lai của sự ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương,” Tạp chí Washington, No. 29, Vol. 1 (2005-2006); 145-167. Về nền tảng trong hướng tiếp cận này, xem James Shinn, Kết lên tấm lưới: Can dự có điều kiện với Trung Quốc, New York: Hội đồng Báo chí Đối ngoại, 1996. Ngoại trưởng Condoleezza Rice, bài phát biểu ở trường Đại học Sophia, Tokyo-Nhật Bản, 19/3/2005, tại địa chỉ http://www.state.gov/secretaty/rm/2005/43655.html (truy cập ngày 21/3/2008).

[7] Xem những quan điểm khác nhau về cách tiếp cận gần đây của Trung Quốc đối với Mỹ và hàng loạt các vấn đề khác biệt trong quan hệ Trung-Mỹ ở Bates Gill, Ngôi sao đang lên, Washington DC: Viện Brookings, 2007; Susan Shirk, Trung Quốc: Cường quốc dễ bị tổn thương, New York: Đại học Oxford, 2007, và Sutter, Chính sách đối ngoại Trung Quốc: Cường quốc và chính sách từ chiến tranh lạnh, Lanham, Md: Rowman và Littlefiel, 2007.

[8] Kerry Dumbaugh, Quan hệ Trung-Mỹ: những vấn đề hiện tại và hệ lụy đối với chính sách của Mỹ, Washington DC: Bản báo cáo RL33877 của Ban Nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội, 7/1/2008.

[9] Tác giả thu lượm được từ các cuộc họp kín bao gồm các đại diện từ ba quốc gia ở Đại học Fudan tháng 12/2007, Đại học Georgetown và Trung tâm Henry Stimson ở Washington DC tháng 3/2008.

[10] Một điều dễ nhận thấy là các nhóm lợi ích có tác động không nhỏ đến quá trình hoạch định chính sách trong giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo trong nền chính trị Mỹ. Không ít nhóm lợi ích tập trung sự chú ý theo hướng tiêu cực vào Trung Quốc liên quan đến những vấn đề lâu dài, ví như khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989. David Michael Lampton, Đồng sàng dị mộng, Berkely, Calif: Đại học Báo chí California, 2001. Robert Sutter, Chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ: giới thiệu về vai trò của các nhóm lợi ích, Lanham, Md: Rowman và Littlefield, 1998.

[11] Bên cạnh những nguồn tư liệu đã công bố ở Quốc hội và những dự đoán chính trị, tác giả thu thập những ý kiến đóng góp từ các nhà vận động chính trị hàng đầu ở Washington DC vào 17/3/2008.

[12] Wayne Morrison, Vấn đề thương mại Trung-Mỹ, Washington DC: Bản báo cáo RL33536 của Ban nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội 20/2/2008.

[13] Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Bầu cử Mỹ năm 2008.

[14] Morrison, Vấn đề thương mại Trung-Mỹ.

[15] Tham vấn với các nhà vận động ở Washington DC 17/3/2008.

[16] Lewis, “Những ưu tiên chiến lược của Trung Quốc trong đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu.”

[17] Shirley Kan, Đài Loan: Vụ buôn bán vũ khí lớn của Mỹ từ năm 1980, Washington DC: Bản báo cáo RL 30957 của Ban nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội 8/1/2008. Shirley Kan, Hệ lụy an ninh của bầu cử tổng thống Đài Loan tháng 3/2008, Washington DC: Báo cáo RL34441 của Ban nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội 4/4/2008.

[18] Larry Niksch, Phát triển vũ khí hạt nhân và Ngoại giao của CHDCND Triều Tiên, Washington DC: Bản báo cáo RL33590 của Ban Nghiên cứu thuộc Thư viện Quốc hội 10/9/2007.

[19] Dumbaugh, Quan hệ Trung-Mỹ.

[20] Viện Mỹ-Trung USC, Điều tra khảo sát: Người Mỹ giờ có ấn tượng không thiện chí về Trung Quốc 5/3/2008, tại địa chỉ http://china.usc.edu/Default. aspx (truy cập ngày 21/3/2008).

[21] Trường Ngoại giao thuộc Đại học Georgetown, tham luận tại phiên họp toàn thể Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22: “Một nước Mỹ mới sau bầu cử” do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Ma-lai-xi-a (ISIS) tổ chức ngày 3/6/2008.

[22] Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế với sự cho phép của tác giả. Các quan điểm trong bài viết hoàn toàn là của tác giả không phản ánh quan điểm của Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế.