thediplomat_2016-03-06_20-47-39-386x319.jpg


Cuối năm 2016, lần thứ hai trong năm, ASEAN và các đối tác của mình vẫn chưa thể ký kết thông qua RCEP. Quá trình đàm phán Hiệp định này, được hy vọng sẽ kết thúc trước khi ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, hóa ra lại khó hơn mong đợi. Tuy vậy, các quốc gia thành viên của RCEP vẫn đang nỗ lực với nhiều hy vọng Hiệp định sẽ được ký kết vào cuối năm 2017.

Ông Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên ông này chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, do đó RCEP được cho là sẽ thay thế TPP để tiếp tục đưa nền kinh tế các quốc gia thành viên hội nhập sâu hơn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo RCEP sẽ là Hiệp định làm kiềm chế Mỹ và sẽ càng tệ hại hơn nếu TPP không được thông qua. Nhiều quốc gia trong khu vực tỏ ra hưởng ứng RCEP và hy vọng Hiệp định này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên, đồng thời đây cũng là lời khẳng định việc tiếp tục ủng hộ toàn cầu hóa của các nước này.

RCEP khởi nguồn từ những Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa ASEAN và các đối tác. Tuy nhiên, việc đàm phán để đi đến ký kết RCEP hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc cắt giảm thuế quan của các quốc gia thành viên. ASEAN hiện có các FTA song phương với 6 nước đối tác và chính vấn đề này đã gây trở ngại cho việc đàm phán. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại, các nước thành viên cần phải cắt giảm 55 loại thuế so với 5 loại của các FTA song phương. Việc hợp nhất giữa tự do hóa thương mại, các quy tắc thương mại và thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau dường như trở nên khó khăn hơn. Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia thành viên của RCEP cần đưa ra các cam kết cao hơn so với các FTA song phương giữa ASEAN và các nước đối tác.

Tuy nhiên, hầu hết các nước tham gia đàm phán hiện nay vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thể đi đến thống nhất trong các điều khoản của hiệp định. Nhiều nước vẫn còn tập trung vào các FTA song phương với từng nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Môi trường thương mại và kinh doanh ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hiện tại đòi hỏi phải có các quy định mới trong việc quản trị sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư và kinh doanh quốc tế liền mạch. Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu cho ra đời các quy tắc liên quan đến hoạt động thương mại và kinh tế, ví dụ như quy tắc về sở hữu trí tuệ, khung pháp lý về cạnh tranh lành mạnh, các quy định về dịch vụ cũng như việc mua sắm của các Chính phủ… cần phải được tính toán và cân nhắc.

Đây là những nhân tố quan trọng mà TPP cũng đang muốn hướng đến nhằm cho ra đời các quy định mới cũng như kỹ năng quản trị đối với các hoạt động kinh tế trong xu thế toàn cầu hóa của thế kỷ 21. Mặc dù hiện tại có rất nhiều các luận điệu chống toàn cầu hóa, song các quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục do những lợi ích của xu thế này mang lại, đặc biệt là do những tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới. Điều này là quan trọng để tạo ra những quy định mới trong cuộc chơi toàn cầu nhằm mang lại một nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn.

Hiện tại, TPP đang đứng trước những thách thức để có thể trở thành hiện thực, song nhiều quốc gia đã cho thấy sẽ cố gắng duy trì việc hội nhập, tiếp tục xu thế toàn cầu hóa qua việc tích cực cho ra đời RCEP. Liệu RCEP có thể đóng vai trò tốt hơn với lĩnh vực thương mại? Vấn đề quan trọng nhất đối với ASEAN và các đối tác kinh doanh ở thời điểm này là hướng đến việc kết thúc quá trình đàm phán để cho ra đời Hiệp định. Một số nước còn tỏ ra thiếu tham vọng, sự quan tâm và quyết tâm chính trị trong quá trình đàm phán có thể không đem lại một thỏa thuận “chất lượng cao”, tuy nhiên vẫn có thể cho ra đời Hiệp định này với những cam kết đáng kể.

Các bên tham gia đàm phán có thể bắt đầu bằng việc tập trung vào những lợi ích chung. Trong khi lĩnh vực hàng hóa thương mại dường như là khó khăn nhất, có những lĩnh vực khác trong quá trình đàm phán có thể được sớm thông qua. Các lĩnh vực như thương mại và thuận lợi đầu tư là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Việc thảo luận về hợp tác kinh tế mà trọng tâm là một thỏa thuận kinh tế toàn diện hơn cũng có thể được ký kết trước đó.

Còn đối với các vấn đề khác cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc loại bỏ hàng rào thuế quan hoặc phi thuế quan, các nước tham gia đàm phán RCEP nên xem xét cho phép bất kỳ các đối tác thương mại nào của ASEAN cũng có thể lựa chọn các cam kết để đàm phán. Việc đàm phán nên được linh hoạt để các quốc gia có điều kiện tham gia.

Một lần nữa, các nước tham gia đàm phán cần nhận thức được rằng việc cho ra đời RCEP là rất quan trọng và cần thiết đối với khu vực. Điều này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia Đông Á, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi tiếp tục ủng hộ xu hướng hội nhập, sự gắn kết về kinh tế giữa các quốc gia với nhau chứ không phải là các cuộc đàm phán cho ra đời hoặc duy trì các FTA song phương như mong muốn của ông Trump đối với việc phát triển nền kinh tế Mỹ.

Tác giả Yose Rizal Damuri là Trưởng khoa kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bài viết đăng trên “The jakarta post.”

Vũ Hiền (gt)