Quân đội Myanmar đang giao chiến với quân nổi dậy người Hán ở khu vực Kokang bằng các cuộc ném bom và đánh giáp lá cà trong bối cảnh chính quyền nước này đang nỗ lực chấm dứt những cuộc nổi dậy kéo dài hàng chục năm qua ở vùng biên giới bằng các đàm phán ngừng bắn bắt đầu hôm 17/3. Trung Quốc đã huy động máy bay chiến đấu tới khu vực này sau khi một máy bay Myanmar thả bom rơi vào một nhà máy đường trên lãnh thổ Trung Quốc ngày 13/3, làm 5 người Trung Quốc bị thiệt mạng.

Theo chuyên gia Yun Sun thuộc Chương trình Đông Á của Trung Tâm Stimson, vụ việc này đã gây nên sự rạn nứt "bất ngờ" trong quan hệ giữa hai nước đồng minh lâu năm. Ông nói rằng đây là "rắc rối an ninh tồi tệ nhất" kể từ sau vụ Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công năm 1967 do các vụ bạo động chống Trung Quốc, song ông cho rằng tình trạng bất ổn vùng biên giới sẽ được kiềm chế. Hàng chục nghìn người tỵ nạn đã chạy sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) kể từ khi các cuộc đấu súng đầu tiên nổ ra ở Kokang hồi đầu tháng 2/2015. Vùng núi Kokang được coi là có mối ràng buộc mạnh mẽ với Trung Quốc bởi người dân ở đây nói tiếng Hán và sử dụng đồng nhân dân tệ là đồng tiền chung.

Cuộc xung đột bùng phát càng làm gia tăng mối lo ngại lâu nay của Myanmar về nước láng giềng khổng lồ ở phía Bắc. Các quan chức Myanmar cũng cáo buộc chính quyền tỉnh Vân Nam đã hỗ trợ quân nổi loạn, những kẻ trước đây từng bị quân đội đẩy ra khỏi Kokang năm 2009. Chuyên gia Elliot Brennan thuộc Viện Chính sách An ninh và Phát triển nói: "Thái độ chống Trung Quốc lại gia tăng mạnh mẽ" ở Myanmar. Ông cho rằng đây là "mối quan ngại lớn" đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này phải đối đầu với cơn thịnh nộ của người dân trong nước trước cái chết của 5 người Trung Quốc.

Trung Quốc được coi là nhà tài trợ về kinh tế cho Myanmar trong nhiều thập kỷ, khi Myanmar nằm dưới sự điều hành của phe quân sự và bị phương Tây cô lập. Sự tài trợ này có lúc là những dự án đầu tư gây tranh cãi, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng đập nước, hầm mỏ và hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, khi Myanmar bắt đầu cải cách và mở cửa, nước này đã tìm cảnh giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, và đôi lần đã "chọc giận" Bắc Kinh. Bắc Kinh khẳng định sẽ không cho phép quân nổi loạn Myanmar lợi dụng lãnh thổ của mình và chỉ trích Myanmar đã để căng thẳng biên giới leo thang.

Truyền thông quốc gia Myanmar đã mô tả cuộc xung đột Kokang là "cuộc chiến chính nghĩa" chống lại "quân nổi loạn", đánh bóng hình ảnh của quân đội sau hàng loạt "vết nhơ" về vi phạm nhân quyền trong hàng chục năm cai trị. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thái độ ủng hộ quân đội gia tăng cũng như sự tham gia của các nhóm dân tộc khác vào các cuộc xung đột càng làm tăng thêm khả năng bất ổn lan rộng. Nhà phân tích độc lập Richard Horsey nhận định: "Nguy cơ cuộc xung đột này lan rộng là khá cao", đồng thời nói thêm rằng sự ủng hộ hiện nay của người dân đối với quân đội là "chưa từng có". Các nhân vật có danh tiếng, thậm chí cả các nhà hoạt động dân chủ, cũng lên tiếng ủng hộ quân đội trong khi nhiều người đã thay đổi các hình đại diện của mình bằng logo của quân đội khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Làn sóng ủng hộ quân đội này được xem như một tín hiệu đáng ngại, cho thấy quần chúng nói chung có thể mất kiên nhẫn với tiến trình hòa bình kéo dài ở đất nước này.

Nhiều dân tộc thiểu số của Myanmar đã đấu tranh đòi tăng thêm quyền tự trị chính trị qua hàng chục năm nội chiến, một phần cũng bởi những tranh cãi về các tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc muốn khai thác thông qua các dự án đầu tư của mình. Quân đội Độc lập Kachin nổi dậy hiện đang tham gia lần đầu tiên vào tiến trình hòa bình sau nhiều tháng, và đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc rằng họ đang bí mật trợ giúp quân nổi dậy Kokang. Về phần mình, Trung Quốc kêu gọi chính quyền Myanmar và quân nổi dậy Kokang "kiềm chế, làm hạ nhiệt tình hình và đảm bảo hòa bình ổn định càng sớm càng tốt". Tuy nhiên, nhà phân tích Horsey nhận xét: "Chính quyền đã bác bỏ việc đàm phán với lực lượng mà họ coi là lực lượng gây chiến bất hợp pháp, và quan điểm này chưa thể nhanh chóng thay đổi".

Theo “AFP

 

Anh Thư (gt)