Ngày 29/6, các đại diện từ 57 quốc gia thành viên đã có mặt tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để ký kết các điều khoản thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB). 

Với quyền đưa ra các quyết định trước các vấn đề quan trọng, Trung Quốc sẽ có vai trò quyết định trong AIIB. Các nhà phân tích cho biết, cơ cấu ra quyết định của AIIB (do Trung Quốc khởi xướng) cho thấy vai trò lãnh đạo của nước này. Bắc Kinh nắm giữ 30,34% vốn trong AIIB bởi vì Trung Quốc đóng góp 29,78 tỷ USD tiền vốn ban đầu vào định chế tài chính đa phương phức tạp này. Điều đó đồng nghĩa với việc, Trung Quốc sẽ có 26,06% quyền biểu quyết. Như vậy, Bắc Kinh sẽ có quyền phủ quyết rất lớn khi mà các quyết định quan trọng của ngân hàng này đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 75% số phiếu. 

Hong Hao, nhà kinh tế học hàng đầu đồng thời là Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Đầu tư Bocom International, cho biết: "Điều đó có nghĩa là Trung Quốc có nhiều tiếng nói trong quá trình đưa ra quyết sách của AIIB. Tất nhiên, đây là một 'chi phí' xứng đáng". Trong khi đó, ông Zhao Changhui - một chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc - cho rằng: "Cơ cấu quyền lực cho phép Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu trong AIIB bởi vì điều đó được phản ánh ở số tiền góp vốn của Trung Quốc, quyền biểu quyết riêng rẽ rộng rãi nhất của nước này cũng như sự hình thành các cơ quan quyết sách của ngân hàng". 

Tuy nhiên, nhiều người hi vọng Bắc Kinh sẽ kiềm chế trong việc áp dụng quyền phủ quyết. Các điều khoản hoạt động của AIIB, được ký kết bởi 50/57 thành viên sáng lập vào ngày 29/6, đã nêu rõ: chỉ những quyết định quan trọng mới cần phải được thông qua bởi 75% số phiếu bầu còn các vấn đề khác (bao gồm việc phê chuẩn dự án) sẽ được quyết định bởi đa số phiếu. 

Ban Giám đốc AIIB, gồm đại diện của 9 nước thành viên ở châu Á và 3 đại diện ngoài khu vực, sẽ điều hành hoạt động của ngân hàng này. Giám đốc lâm thời của AIIB là Jin Liqun, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc. Ông Jin Liqun cũng có khả năng trở thành Chủ tịch đầu tiên của AIIB trong tương lai. 

Nhà kinh tế học Shen Jianguang thuộc Công ty Chứng khoán Mizuho cho biết, cơ cấu cổ phần và phiếu bầu cho thấy Trung Quốc sẽ là một thành viên có tầm ảnh hưởng trong AIIB. Theo ông Shen Jianguang: "Mỹ đã đặt ra một tiền lệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), còn Trung Quốc được xác định sẽ giữ vài trò dẫn đầu trong AIIB. AIIB muốn đạt được sự tín nhiệm quốc tế như là một một tổ chức cho vay toàn cầu mới, xanh, sạch và hiệu quả thì phải được dẫn dắt bởi một nước đang phát triển". 

Nhà kinh tế chính trị học Laurence Brahm hiện làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, định chế tài chính đa phương được thành lập bởi các quốc gia đang phát triển nổi bật - đứng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ - là một bước tiến đã được chờ đợi trong thời gian dài. Theo ông Brahm, AIIB đại diện cho sự nổi lên của một "Trật tự Tài chính Nam-Nam" mới, phản ánh tính thực dụng của các quốc gia vốn đã tạo ra sự chuyển tiếp lên phát triển. Ông Brahm cho rằng Bắc Kinh đã học được từ Washington "kinh nghiệm quản trị" IMF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) và đang áp dụng các bài học cho riêng họ để tạo ra cấu trúc tài chính của mình cùng với Ấn Độ. "Quyền bỏ phiếu tương xứng với sự đóng góp về tài chính", ông Brahm cho biết. 

Trung Quốc cam kết dẫn dắt AIIB đạt được những tiêu chuẩn cao nhất về quản lý. Tuy nhiên, theo Giáo sư Kamel Mellahi chuyên nghiên cứu về Quản lý chiến lược tại Đại học Warwick (Anh), tâm điểm chú ý hiện nay lại tập trung vào Trung Quốc và cách thức nước này có thể quản lý một tổ chức đa phương phức tạp như AIIB.

Theo tờ "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng"

Thùy Anh (gt)