PV (+): Ông đánh giá thế nào về tuyên bố mới đây của Phó Đô đốc Robert Thomas?

Ông Collin Koh (-): Sáng kiến tuần tra chung có thể được nhìn nhận dưới hai lăng kính: việc Trung Quốc tăng cường lực lượng ở Biển Đông và sự gia tăng các vụ cướp biển trong khu vực. Lực lượng hải quân có tính linh hoạt cao, đôi khi việc triển khai là mập mờ vì nhiều mục tiêu chiến lược khác nhau. Song hầu hết các nhà bình luận hiện nay đều nhất trí rằng đề xuất này là nhằm vào hoạt động củng cố của Trung Quốc trên Biển Đông, và bất kỳ lý do nào liên quan đến các vụ cướp biển chỉ là cái cớ. Dĩ nhiên Bắc Kinh nhanh chóng phản ứng, với lập trường chính thức lâu nay là kêu gọi không can thiệp, như thể Biển Đông thực sự là cái ao riêng của Bắc Kinh vậy. Họ quên rằng Biển Đông là một vùng biển quốc tế có ý nghĩa quan trọng với tất cả các nước trên thế giới. Nếu phải thể hiện trách nhiệm, sẽ không chỉ các nước ven Biển Đông có trách nhiệm với an ninh và an toàn trên Biển Đông mà còn tất cả những bên có liên quan cũng phải có vai trò. Dĩ nhiên, vấn đề “cộng đồng quốc tế thể hiện trách nhiệm” sẽ bị Trung Quốc xem là sự can thiệp và có thể là cả một vài quốc gia ASEAN. Với Trung Quốc, đây là sự khinh thường, bởi nếu đề xuất này được chấp nhận, nó sẽ lấn át Bắc Kinh ở Biển Đông. Hiện có nhiều bình luận cho rằng Trung Quốc đã có lợi thế quân sự ở Biển Đông, thậm chí một số còn dẫn những nghiên cứu giả định về một cuộc đối đầu hải quân Trung-Mỹ ở Biển Đông để đưa ra kết luận này. Song, ý kiến của tôi là tương đối khác biệt: Quân đội Trung Quốc thiếu một số năng lực quan trọng nhất định, và đến nay những gì Hải quân Mỹ đang làm tốt đã nêu bật những hạn chế đó, chẳng hạn như do thám bằng khinh khí cầu trên biển. Có đủ lý do về việc tại sao Trung Quốc lại quá quan tâm đến những máy bay tuần tra trên biển của Mỹ như P-3 và P-8. Nếu đề xuất tuần tra chung tiến triển, nó sẽ tái củng cố vị thế áp đảo trên biển của Mỹ thông qua việc Washington bổ sung nhiều đối tác mới trong sáng kiến này. Đây sẽ là cái tát trời giáng thực sự vào mặt Bắc Kinh, bởi từ đây, mọi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phải kiềm chế hơn.

(+): Philippines và Nhật Bản đã bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này. Liệu ý tưởng đó có nên được đưa vào chương trình nghị sự tại các hội nghị ASEAN sắp tới hay không?

(-): Philippines và Nhật Bản đã ủng hộ ý tưởng này. Với Manila, đây là một cách để bù đắp sự thiếu hụt năng lực của họ trong khí tài tuần tra trên biển, trong khi Nhật Bản coi sáng kiến đó là một phần trong “chủ nghĩa hòa bình chủ động” được Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra, theo đó Lực lượng Phòng vệ sẽ có vai trò an ninh lớn hơn ở nước ngoài. Song tôi tin rằng thậm chí ngay cả nếu có một bộ phận nào đó trong ASEAN ủng hộ ý tưởng này, nó sẽ không được đưa vào chương trình nghị sự. Thậm chí ngay cả khi nếu được đưa ra thảo luận tại các hội nghị ASEAN, nó cũng sẽ không được thông qua bởi nội bộ ASEAN quá chia rẽ về đề xuất đó. Chẳng hạn như Campuchia và Lào hiện quá lệ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, cùng với việc Campuchia cách đây không lâu còn nhấn mạnh rằng tranh chấp Biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc. Vì thế, chúng ta có thể ý tưởng đó sẽ bị những nước đó bác bỏ với lý do rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc. Một số nước ASEAN đơn giản là không thể mạo hiểm như vậy. Có thể Thái Lan cũng sẽ lãnh đạm với đề xuất này, bởi Bangkok muốn để Washington biết rằng họ bất mãn với những chỉ trích của Mỹ về cuộc đảo chính và sự thiếu dân chủ ở Thái Lan. Ở khía cạnh thực tế hơn, sáng kiến tuần tra chung cũng vấp phải những rào cản về mặt hoạt động quân sự, đơn giản là bởi để tuần tra chung, sẽ cần đến hai điều. Trước tiên, “chung” có nghĩa quân đội của nước này nằm dưới sự chỉ huy của nước khác hoặc thậm chí một bộ chỉ huy hợp nhất, và ý tưởng này là quá xúc phạm với nhiều quân đội trong khu vực, vốn không thể tưởng tượng việc trao quyền chỉ huy cho nước khác. “Phối hợp” tuần tra là một thỏa thuận linh hoạt hơn, với cơ cấu chỉ huy và kiểm soát song song, chứ không phải hợp nhất quyền chỉ huy. Điều này có nghĩa quân đội các nước vẫn chỉ huy hoạt động của mình tại những khu vực được chỉ định khác nhau, thông qua tần số radio chung để điều phối hành động. Thậm chí nếu hoạt động tuần tra “chung” này thực sự được điều phối theo đúng tính chất của nó, các chính phủ ASEAN cần phải đóng góp khí tài bởi đây là một trách nhiệm mà các bên phải thực hiện. Điều này sẽ trở nên rất khó cho một vài chính phủ ASEAN bởi bản thân họ cũng thiếu khí tài, đó là chưa kể đến năng lực thực chất mà họ có. Ngoài ra, không phải tất cả các nước ASEAN đều coi Biển Đông là khu vực ưu tiên và họ muốn giữ khí tài của mình để sử dụng cho những khu vực ưu tiên cao hơn Biển Đông. Điều này đồng nghĩa với việc xuất hiện khả năng đóng góp không đồng đều giữa các nước, dẫn đến một số quốc gia ASEAN sẽ đóng góp nhiều hơn, và lẽ tự nhiên, họ có thể cảm thấy cần thiết phải có được tiếng nói lớn hơn. Điều này có thể tạo ra rạn nứt trong quân đội ASEAN liên quan đến sự cạnh tranh về uy danh và quyền kiểm soát.

(+): Phản ứng của Singapore về đề xuất này như thế nào?

(-): Theo tôi được biết, Singapore đã chính thức không phản ứng trước đề xuất này. Tôi không thấy phản hồi trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao. Song, chúng ta có thể đoán được Singapore đang nghĩ gì bằng việc không phản ứng, qua cách hành xử trước đây của họ. Cần nhớ lại những gì đã xảy ra vào năm 2004 khi Singapore ủng hộ ý tưởng về sự can dự của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ tuần tra eo biển Malacca. Singapore cảm thấy sự hỗ trợ quốc tế là cần thiết bởi hai lý do: trước hết, eo biển này là một tuyến đường biển quốc tế mà tất cả các nước, ven biển và trên biển, đều phải có trách nhiệm giúp đỡ. Thứ hai, Singapore cảm thấy Indonesia và Malaysia có thể không đủ khả năng để thực hiện đầy đủ trách nhiệm vì nhiều lý do, phần lớn do không đủ năng lực. Tuy nhiên, khi Singapore ủng hộ ý tưởng này, Indonesia và Malaysia đã cực lực phản đối. Singapore vì thế đành bỏ qua nó và sau đó, chúng ta ghi nhận việc thành lập lực lượng Tuần tra eo biển Malacca (MSP) giữa họ, và Thái Lan tham gia sau đó. Vì thế, Singapore dù có nghĩ đến an ninh tập thể, song cùng lúc đó nhận thức được về những vấn đề nhạy cảm trong khu vực. Do tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề nhạy cảm trong khu vực có thể trở nên đáng chú ý hơn trong tính toán của Singapore. Singapore sẽ không muốn đưa ra bất kì lập trường rõ ràng nào, và sự mập mờ này có thể phục vụ nhiều mục đích. Làm như vậy, Singapore sẽ không khiêu khích Trung Quốc một cách không cần thiết và không góp phần tạo ra rạn nứt trong ASEAN. Đồng thời, đây có thể được coi là sự ủng hộ tinh thần kín đáo với Mỹ và toàn bộ ý tưởng về việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông là một trách nhiệm quốc tế. Singapore không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông, song hải quân nước này thường xuyên tuần tra trên Biển Đông. Tôi không cho rằng việc đưa ra một lập trường chính thức sẽ có lợi cho Singapore về mặt chiến lược ở Biển Đông. Hình thức ủng hộ Mỹ rõ ràng nhất là việc cho phép quân đội Mỹ hiện diện ở căn cứ hải quân Changi, chẳng hạn, và riêng điều này, theo tôi, là đóng góp quan trọng nhất của Singapore đối với an ninh khu vực, trong đó có Biển Đông, với nhận thức rằng Singapore không cần ủng hộ ý tưởng tuần tra chung, song trên thực tế đang ủng hộ sự tiếp tục hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Tuần tra chung hay không thì sự hiện diện quân sự của Mỹ vẫn ở đó và đây là điều quan trọng nhất.

(+): Vậy theo ông, có nên tạo một khuôn khổ chung để điều phối nỗ lực của ASEAN với những ưu tiên như chống cướp biển, giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông hay không?

(-): Anh có nhớ rằng cách đây không lâu Malaysia đã đề xuất ý tưởng về một Nhóm Phản ứng nhanh ASEAN? Nó hoàn toàn tương đồng với ý tưởng mà Indonesia đưa ra đầu những năm 2000 về một lực lượng gìn giữ hòa bình ASEAN thường trực. Kuala Lumpur lâu nay luôn ủng hộ ý tưởng về sự hợp tác quân sự liên khu vực sâu sắc hơn. Song, đến nay, dường như nó không hề được thảo luận thêm, hoặc có thể được đề cập đến trong các cuộc họp kín giữa các nhà lãnh đạo ASEAN, nhưng không được phổ biến công khai. Như tôi đã đề cập trong các điểm trước đó, khuôn khổ phối hợp như vậy sẽ kéo theo những vấn đề liên quan đến quyền chỉ huy và kiểm soát, khả năng phối hợp hành động và đóng góp năng lực. Tôi tin ASEAN sẽ muốn một thỏa thuận linh hoạt phù hợp hơn với lợi ích của họ. Với HADR, hiện có sẵn Hiệp định đối phó thảm họa và phản ứng nhanh (AADMER) là khuôn khổ chung để tham khảo. Song, đến nay, tôi không nghĩ rằng sẽ có thể có một khuôn khổ chung bao hàm đủ mọi khía cạnh như HADR hay an ninh biển. Tuy nhiên, một khuôn khổ chung như vậy, nếu có thể được hiện thực hóa, sẽ củng cố năng lực phản ứng trước tình huống khẩn cấp, và thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng lòng tin. Song, về mặt chính trị, tôi tin rằng khuôn khổ chung này sẽ bị các nước bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, cáo buộc là sự khởi đầu hoặc vỏ bọc cho một liên minh quân sự chính thức trong ASEAN. Chỉ riêng những tính toán như vậy nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối trong nội bộ ASEAN, đầu tiên và trước hết là Campuchia và Lào, và cũng có thể là Thái Lan và Myanmar.

(+): Việc Mỹ ủng hộ sáng kiến trên có thể kéo theo nhiều cường quốc bên ngoài can dự vào khu vực và cùng lúc đó, làm gia tăng khả năng đụng độ trực tiếp với Trung Quốc, vậy theo ông giải pháp tốt nhất hiện nay là gì?

(-): Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất là mỗi quốc gia ASEAN cần làm phần việc của mình là tiếp tục chấp nhận và khuyến khích sự hiện diện quân sự của Mỹ, cũng như của các cường quốc quan tâm ngoài khu vực, ở Biển Đông. Singapore đang làm phần việc của mình với việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận các cơ sở như căn cứ hải quân Changi. Tôi tin Việt Nam có thể làm tương tự, chẳng hạn bằng cách khuyến khích quân đội Mỹ thường xuyên cập cảng Cam Ranh, và thậm chí là ký một Bản ghi nhớ (MOU) tương tự mà Singapore đã ký để chính thức hóa việc cho phép tiếp cận lớn hơn này. Philippines cũng đã làm phần việc của mình với Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) và khôi phục việc Mỹ tiếp cận các cơ sở ở Vịnh Subic và mở rộng đến Palawan. Tiếp tục cam kết với những thỏa thuận hiện hành như các cuộc tập trận CARAT hay những cuộc tập trận song phương như SEACAT cũng là một cách. Những sự hỗ trợ ở cấp độ quốc gia để duy trì sự hiện diện của Mỹ nhằm tránh phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, cùng lúc đó, cho phép sự cân bằng được duy trì ở Biển Đông. Trung Quốc không sợ bất kỳ quốc gia ASEAN nào, nhưng chắc chắn coi sự hiện diện quân sự của Mỹ là rào cảo lớn nhất. Tôi cũng nghĩ đến vai trò lớn hơn của Ấn Độ và Nhật Bản, và bất kể điều gì, các nước ASEAN có liên quan mong muốn tránh để tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát bởi sự không khoan nhượng của Trung Quốc nên ủng hộ ý tưởng toàn diện về việc hoan nghênh tối đa sự hiện diện có thể có của quân đội ngoài khu vực. Đây là cách duy nhất để ngăn cản Trung Quốc bành trướng hơn nữa ở Biển Đông và duy trì ổn định.

Lê Sơn (gt)