Sau khi tiếp quản quyền lực vào tháng 10/2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra học thuyết “trục hàng hải” với tham vọng đưa quốc đảo này thành trung tâm của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, việc có hiện thực hóa được mục tiêu trên hay không là một câu hỏi lớn khi mà năng lực thực tế trên nhiều lĩnh vực của quốc gia “vạn đảo” được đánh giá chỉ ở mức trung bình, trong đó có lĩnh vực quốc phòng.

Bước vào năm 2015, Chính quyền Joko Widodo tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ nâng cấp lực lượng quốc phòng phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài đang thay đổi. Một loạt chính sách tăng cường tiềm lực quốc phòng sẽ được thực thi khi quốc đảo đạt được những tiến bộ trên lĩnh vực phát triển kinh tế, điều chứng minh rằng sự phát triển kinh tế thành công sẽ tác động ở một mức độ nào đó đến chương trình phát triển quốc phòng, như cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã nói rằng kinh tế phát triển ổn định góp phần thúc đẩy sự tự tin của đất nước trong chương trình quốc phòng. Liên tục mua sắm vũ khí, tăng cường binh sĩ chuyên nghiệp, tăng đều đặn ngân sách quốc phòng, mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng… là những vấn đề quốc phòng-an ninh mà chính phủ đã và đang tập trung cho đến nay. Các chính sách của chính phủ đối với lĩnh vực quốc phòng phản ánh rõ qua các giải pháp chiến lược, đó là sự thích ứng và hợp tác-đầu tư. Thích ứng ở đây đề cập đến sự đóng góp của thành quả phát triển kinh tế đối với sự gia tăng liên tục trong ngân sách quốc phòng, và các mối đe dọa bên ngoài cũng đã thúc đẩy sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Moeldoko khi nói rằng tăng ngân sách quốc phòng là không thể tránh khỏi do các mối đe dọa bên ngoài. Bộ trưởng Bộ các vấn đề chính trị-an ninh Purdijatno cho biết chính phủ đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng từ 0,8% lên 1,5% GDP trong 5 năm tiếp theo, mức chi tiêu ngang bằng với các nước láng giềng trong khu vực.

Các yêu sách lãnh thổ tại Biển Đông giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á tiếp tục tạo ra sự căng thẳng trong khu vực, tuy nhiên ông Purdijatno cho biết Indonesia sẽ không tham gia các tranh chấp mà có quan điểm trung lập, có thể đóng một vai trò lớn hơn nếu có yêu cầu. Trong khi đó, hợp tác chỉ ra các nỗ lực liên tục của chính phủ để mở rộng sự liên kết quân sự với các đối tác bên ngoài trong nỗ lực nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho chương trình quốc phòng quốc gia.

Năm 2014 chứng kiến một loạt biên bản ghi nhớ được ký kết giữa Indonesia và các đối tác quốc phòng. Đầu tư cho quốc phòng phản ánh cam kết của chính phủ tập trung khoản ngân sách lớn để duy trì năng lực quốc phòng. Cựu Tổng thống Yudhoyono từng nói rằng tăng ngân sách quốc phòng là để tăng cường thế trận quốc phòng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Cuộc biểu dương sức mạnh quân sự chưa từng có của quốc gia “vạn đảo” tại căn cứ Hạm đội Miền Đông ở Surabaya, Đông Java, nhân lễ kỷ niệm 69 năm thành lập Quân đội Indonesia (TNI), thực sự là một màn trình diễn về mức độ đầu tư gia tăng trong lĩnh vực quốc phòng, không chỉ về tiềm lực quốc phòng mà còn thấy được sự tin tưởng của công chúng hỗ trợ chính phủ xây dựng một lực lượng quốc phòng hoàn toàn đủ khả năng bảo vệ chủ quyền đất nước. Tư lệnh Moeldoko cho biết đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất kể từ khi thành lập TNI vào năm 1945; các hệ thống vũ khí mua sắm mới lần đầu tiên được tiết lộ tại Surabaya xác nhận sự cam kết liên tục của TNI để bảo vệ đất nước trong thời bình và thời chiến.

Chính sách quốc phòng của Indonesia đã cho thấy sự năng động hơn so với trước đây, đặc biệt khi chính phủ cho thấy cam kết chưa từng có để phát triển hệ thống phòng thủ tối tân cho đất nước trang bị cho các lực lượng hải-lục-không quân. Việc hiện đại hóa quân đội không chỉ quan trọng đối với Indonesia trong bối cảnh môi trường chiến lược xung quanh ngày càng nhiều thách thức hơn, nó cũng phải phản ánh năng lực của TNI để bảo vệ đất nước quần đảo và đóng góp cho an ninh khu vực. Khi nói đến mối đe dọa, về nhận thức, TNI vẫn còn tập trung nhiều hơn vào những thách thức an ninh nội bộ. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng hiện nay đã có những tuyên bố tập trung nghiêm túc hơn vào môi trường bên ngoài. Xu hướng hiện đại hóa quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á cũng như tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là mối quan tâm của Jakarta. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2014, ông Moeldoko cho biết TNI sẽ kiên quyết bảo vệ các khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột nên sẽ tăng đầu tư vào lực lượng hải quân và không quân, một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng không nên có một động thái có thể dẫn đến một sự phản ứng nghiêm trọng.

Các mối đe dọa đối với hòa bình, trong và ngoài nước chính là những thách thức mà một quốc gia dân chủ như Indonesia phải đối mặt. TNI sở hữu hệ thống vũ khí tiên tiến nhất sẽ góp phần nâng cao vai trò bảo vệ chủ quyền nhưng việc sở hữu các loại vũ khí hiện đại và những cam kết bảo vệ sự toàn vẹn quốc gia sẽ là vô nghĩa nếu TNI không thể giải quyết một cách toàn diện các thách thức chiến lược trong tương lai vốn có đặc điểm dễ bị tổn thương, không chắc chắn, phức tạp và không rõ ràng. Phải thừa nhận rằng ông Yudhoyono đã có nhiều nỗ lực để tăng cường lực lượng quốc phòng trong thời gian cầm quyền, mặc dù quốc phòng không phải là lĩnh vực duy nhất được ưu tiên. Di sản của ông Yuhoyono trong lĩnh vực quốc phòng đã đem lại sự lạc quan rằng quân đội Indonesia đã gần ngang bằng với các nước khác trong khu vực.

Quan điểm của Chính quyền Joko về quốc phòng phù hợp với ông Yudhoyono và vị tổng thống mới sẽ tiếp cận xử lý các vấn đề quốc phòng quan trọng bắt đầu nơi người tiền nhiệm rời đi. Joko xem khía cạnh quan trọng nhất trong lĩnh vực quốc phòng là duy trì lòng tin của công chúng đối với lực lượng quốc phòng trong việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Joko cam kết khi tăng trưởng kinh tế đạt 7%, ngân sách dành cho quốc phòng sẽ tăng lên gấp hai đến ba lần. Dưới thời Joko, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng đến 20 tỷ USD mỗi năm vào năm 2019, Joko nhấn mạnh rằng quân đội là một phần không thể thiếu đối với quốc gia không chỉ cho mục đích quân sự mà còn là một trụ cột cho sự đoàn kết dân tộc. Joko khéo léo liên kết mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% với ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, không rõ liệu khoản ngân sách quốc phòng lớn như vậy có đủ để đảm bảo và duy trì tham vọng trở thành điểm tựa hàng hải thế giới của ông hay không.

Tầm nhìn về về hàng hải mà Joko giới thiệu mang trong mình những yếu tố quan trọng về quốc phòng-an ninh, nghĩa là đầu tư rất lớn để hỗ trợ cho một chính sách như vậy không chỉ muốn nhìn thấy thành công trong việc thực hiện ý tưởng, mà nó cũng cần có một chiến lược tốt hơn và hiệu quả hơn để phát triển lực lượng quốc phòng. Quân đội Indonesia sẽ không được đánh giá là đáng tin cậy, hiệu quả trong việc hỗ trợ về hàng hải trừ khi có khả năng duy trì cả hai thành tố sức mạnh vô hình và hữu hình. Joko muốn các bước đi chính sách trong lĩnh vực quốc phòng phải phản ánh rõ sự sẵn sàng để đối mặt với những thách thức chiến lược trong tương lai. Vì vậy trong các cuộc tiếp xúc quốc tế đầu tiên, Joko đã đưa ra các kế hoạch nâng cao vị thế quốc đảo trên sân chơi an ninh-chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, sự lạc quan trong việc phát triển một nền tảng quân sự có sức mạnh có thể sớm tan biến do những hạn chế về cấu trúc mà ngành quốc phòng đang phải đối mặt hiện nay và trong tương lai. Vấn đề cấu trúc ở đây đề cập đến mức độ hạn chế trong sự lựa chọn chiến lược của đất nước bởi vai trò ủy thác trong việc bảo vệ đất nước, hoặc do thiếu nguồn lực chiến lược quân sự để có thể tăng cường vai trò của nó. Không chỉ thế, hạn chế khác là liệu các nhà lãnh đạo của TNI có thể giải quyết được vấn đề đạo đức hay kỷ luật trong việc sử dụng ngân sách quốc phòng được phân bổ hay không. Phân bổ ngân sách tối thiểu sẽ không chỉ dẫn đến sự hao mòn dần các loại vũ khí, mà còn làm suy yếu tinh thần của những người lính sử dụng chúng. Cung cấp nhiên liệu tối thiểu, chủ yếu cho hải quân, cũng là một hạn chế về cơ cấu. Điều này đòi hỏi rằng ngân sách quốc phòng phải tăng lên đáng kể, nhưng chưa được thực hiện khi khoản tiền này chưa bao giờ chiếm hơn 1% GDP, điều dẫn đến thực tế là quân đội sẽ không thể đáp ứng được ngay cả các chức năng cơ bản của mình. Indonesia gần đây đã mua sắm nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến nhưng vấn đề là liệu các nhà lãnh đạo quốc phòng Indonesia có thể giải quyết vấn đề hiện đại hóa quân đội với một học thuyết chiến lược mạch lạc hay không.

Dù chính phủ cam kết theo đuổi chiến lược quốc phòng “lực lượng cần thiết tối thiểu” (MEF) vào năm 2024 nhưng các vấn đề cơ cấu, chẳng hạn như sự phối hợp giữa các lực lượng hải-lục-không quân đang đặt ra nhiều thách thức không dễ vượt qua. Sự thất bại của Chính quyền Joko trong việc giải quyết hiệu quả những hạn chế về cơ cấu có thể dẫn đến sự xuất hiện xu hướng ly tâm, điều sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu vai trò của quân đội trong việc bảo vệ đất nước. 

Tương lai của ngành quốc phòng Indonesia dưới thời chính quyền Joko phụ thuộc vào mức độ tin cậy trong các cam kết đem lại sự ổn định và sức mạnh trong cuộc chiến đấu bảo vệ quốc đảo này, ngăn chặn sự xuất hiện của các yếu tố bên trong làm mất ổn định, suy yếu và gây chia rẽ quốc gia. Trong ngắn hạn, tinh thần lạc quan trong việc phát triển một lực lượng quốc phòng đáng tin cậy và được tôn trọng là điều cần thiết chiến lược, nhưng điều đó là quá ít để đem lại một lực lượng quốc phòng đáng tin cậy, trừ khi chính phủ có thể giải quyết hiệu quả các hạn chế về cấu trúc quan trọng.

Bantarto Bandoro, Chuyên gia quân sự tại Đại học Quốc phòng Indonesia. Bài viết được đăng trên  Jakarta Globe.

 

Trần Quang (gt)