Hành động của Trung Quốc trên biển tại Châu Á làm dấy lên câu hỏi về sự sẵn sàng và khả năng của Mỹ hành động một cách quyết đoán tại khu vực. Sự lưỡng lự đó là một sự không có lợi cho các nước Đông Nam Á, vốn có truyền thống dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ, nhưng cũng đang gia tăng thương mại với Trung Quốc.

Cùng với quan niệm Mỹ yếu đi, Trung Quốc đang gia tăng sự độc đoán về chủ quyền trên Biển Đông và Hoàng Hải. Trung Quốc cho rằng Mỹ đang bị chia rẽ bởi đảng phái, một nền kinh tế chưa hồi phục và khó khăn về ngân sách. Bắc Kinh cũng nhận thấy xu thế lịch sử hiện có thể làm cho Mỹ phải phân tán và không muốn can thiệp ở nước ngoài sau khi can dự vào các cuộc chiến tranh lớn, trong trường hợp này là Afghanistan và Iraq. Trong khi TTh Obama đang chuẩn bị có chuyến công du Châu Á và cố gắng thuyết phục các đồng minh và đối tác rằng Mỹ vẫn cam kết với chiến lược “tái cân bằng” hay “chuyển trọng tâm” của mình, Trung Quốc lại đang cố chống lại kịch bản này. Trong hoàn cảnh đó, tính toán sai lầm nguy hiểm với tác động mang tính địa chiến lược là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để đáp lại, các nước Châu Á hoặc đang chuẩn bị phòng bị cho khả năng Mỹ có thể không đảm bảo được cho an ninh của họ, hoặc đưa ra một lập trường chủ động đối với Bắc Kinh. Một ví dụ cho việc phòng bị đó là sự việc người đứng đầu các lực lượng vũ trang Malaysia chối bỏ cáo buộc Malaysia bị động khi để Trung Quốc đưa tàu chiến vào vùng nước của Malaysia vào tháng 1/2014, rằng Malaysia, Mỹ và các nước khác đã được thông báo trước rằng tàu chiến của Trung Quốc sẽ tiến vào vùng nước của Malaysia. Phản ứng yếu ớt kiểu này có thể càng làm cho Trung Quốc leo thang căng thẳng trên Biển Đông và làm cho Bắc Kinh ngày càng hiếu chiến hơn. Do vậy, một thế đứng mạnh nhưng tế nhị của Mỹ sẽ khuyến khích các nước lớn quan trọng ở Châu Á như Indonesia (không phải là nước tham gia tranh chấp, song gần đây một số quan chức lên tiếng cho rằng đường 9 đoạn của Trung Quốc lấn vào biển Natuna của Indonesia).

Như là một biện pháp tấn công phủ đầu chống lại sự bất ổn, Jakarta đã quyết định triển khai thêm lực lượng tới Natuna. Trong khi các động thái có tính toán của Indonesia đưa ra tín hiệu với Trung Quốc rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không phải là không vấp phải phản ứng, song bất kỳ sự leo thang quân sự nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu không có sự đảm bảo từ can dự quốc tế. Trong trường hơp này sự can dự đó cần phải do Mỹ khởi xướng.

Nhưng đây cũng chính là lòng tin đối với một nước Mỹ quyết đoán đang được thử thách. Châu Á muốn được thuyết phục rằng Mỹ có ý chí và khả năng duy trì vai trò là người đảm bảo an ninh tối cao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nhà hoạch định chính sách Châu Á đang trông chờ lãnh đạo Mỹ xây dựng một nền tảng chính trị cho sự can dự chủ động vào Châu Á xuyên suốt thế kỷ 21. Những người bạn Châu Á nhạy cảm đều hiểu rằng sự can dự dài hạn về an ninh cần phải đi kèm với gắn kết nâng cao về thương mại và đầu tư. Những ưu tiên của Mỹ phải được minh họa bằng chính lợi ích quốc gia của mình.

Ngược lại, Bắc Kinh đang theo đuổi một kịch bản Mỹ là cường quốc đang suy yếu với nút thắt kinh tế đủ khó khăn làm cho TTh Obama phải hoãn chuyến đi Châu Á tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, việc Nhà trắng không thể hối thúc Quốc hội quyền thúc đẩy thương mại, vốn dĩ rất cần thiết để Mỹ hoàn tất thỏa thuận TPP. Điều này làm suy giảm lòng tin về khả năng của Mỹ có thể làm người tái cân bằng từ bên ngoài đối với khu vực. Các nước ASEAN đang có những lo ngại về sự suy yếu của Mỹ. Điều này có thể chỉ là quan niệm, song quan niệm này là có thật đối với những ai nắm giữ nó.

Sự thật là năng lực quân sự của Trung Quốc còn thua xa Mỹ. Mỹ vẫn là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN vượt xa Trung Quốc. Nhưng quan niệm có thể có những tác động nghiêm trọng, không loại trừ dẫn tới những bước đi và tính toán sai lầm. Đặc biệt, chiến lược chuyển trọng tâm của Mỹ sang Châu Á có thể gây nguy hiểm hơn là mang tính đảm bảo nếu như Mỹ chỉ coi đây là lời hứa suông. Điều này dẫn tới việc các nước trong khu vực có thể có những lựa chọn chính sách sai lầm làm cho Trung Quốc ngày càng độc đoán nhưng lại thiếu chỗ dựa ổn định từ chính sách can dự của Mỹ.

Sự bất ổn chiến lược của Châu Á đang tạo cho Mỹ một cơ hội để chứng minh hành động phải đi đôi với lời nói và cho khu vực này thấy Mỹ nói là làm. Đây chính là thách thức TTh Obama sẽ đối mặt trong chuyến công du tới 4 nước Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines) tuần này. Nếu sự tái đảm bảo đó thành công, Trung Quốc sẽ hiểu được thực tế lời cam kết của Mỹ và sẽ phải thay đổi thái độ ứng xử đối với các nước Đông Nam Á cho phù hợp. 

Ernest Z. Bower là cố vấn cao cấp, Sumitro Chair Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, CSIS. Derwin Pereira là giám đốc công ty tư vấn chính trị trụ sở tại Singapore, đồng thời cũng là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer, Đại học Harvard. Bài viết được đăng trên CogitAsia, CSIS.

Trần Quang (gt)