Tàu hải quân Việt Nam thăm Philippines trong bối cảnh gia tăng lo ngại về việc Trung Quốc cải tạo đảo đá tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên các tàu chiến uy lực nhất của Việt Nam thăm cảng Philippines vào ngày 25/11. Một quan chức hải quân Philippines cho biết hai nước không có ý định đẩy cao bất kỳ căng thẳng nào; đây là những hoạt động hòa bình, giống như chia sẻ kinh nghiệm và những hoạt động rèn luyện tốt nhất. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Lowy hôm 28/11 nhận định rằng thời điểm của sự kiện này trùng hợp với kỷ niệm 1 năm Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên một phần biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo trong vòng tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, là quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Kể từ đó, các nước Đông Nam Á hết sức lo ngại về ý đồ của Trung Quốc đối với các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

ASEAN thể hiện rất ít sự đoàn kết trong các cuộc thảo luận. Cuộc gặp cấp Bộ trưởng ASEAN vào tháng 5/2014 ra thông cáo chung bày tỏ “lo ngại sâu sắc” (tính từ trên là do Việt Nam kiên trì đưa vào sau nhiều cuộc tranh luận). Hội nghị Cấp cao ASEAN tháng 11/2014 cố gắng tuyên bố bày tỏ “vẫn còn lo ngại” trong khi khẳng định tầm quan trọng duy trì hòa bình và ổn định bao gồm tự do đi lại hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Việt Nam có lập trường cứng rắn hơn. Tháng 5, khi Tập đoàn CNOOC đưa giàn khoan nước sâu vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã xảy ra các cuộc đụng độ trên biển, chìm tàu; tại Việt Nam bùng lên biểu tình chống Trung Quốc.

Vào tháng 9 và 10/2014, Việt Nam bắt đầu mở rộng cơ sở quan hệ hữu nghị. Quan hệ với Mỹ chặt chẽ hơn; Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Và dường như để phản ứng trước sự kiện giàn khoan, Thủ tướng Việt Nam gặp Thủ tướng Ấn Độ tại Ấn Độ và ký một loạt thỏa thuận bao gồm thỏa thuận cho phép Ấn Độ khai thác hai lô dầu khí trong EEZ tại Biển Đông. Thỏa thuận này đã trực tiếp đưa Ấn Độ vào tranh chấp lãnh thổ và đứng về phía Việt Nam.

Tất cả những động thái này gia tăng do việc Trung Quốc cải tạo đảo đá tại Trường Sa. Từ tháng 8/2014, Trung Quốc đã tiến hành nạo vét tại Đá Chữ thập. Việc cải tạo diện tích dài 3km có thể cho phép Bắc Kinh xây đường băng cho máy bay. Đây là công trình lớn nhất và duy nhất có khả năng để xây đường băng mặc dù Trung Quốc đã tiến hành các công trình xây dựng khác tại các đảo đá khác.

Philippines đã chính thức phản đối Trung Quốc cải tạo Đá Chữ Thập. Những công trình tại đây có thể cho Trung Quốc xây dựng ADIZ tại Biển Đông. Sự lo ngại này ngày càng tăng từ tháng 11/2013. Động thái này có thể làm cho ASEAN đoàn kết hơn. Trước sự lo ngại của khu vực, Trung Quốc đã mang đến Hội nghị Cấp cao ASEAN 20 tỷ USD làm khoản vay phát triển, phần lớn trong số đó dành cho Myanmar và Campuchia. Trung Quốc đã tập hợp được hầu hết các nước, trừ Indonesia, tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở.

Cuộc tranh chấp biển đảo với Philippines và Việt Nam đã khiến 2 nước này bị Trung Quốc loại trừ trong chiến dịch tung tiền của Bắc Kinh nhằm lấy lòng các nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tờ Financial Times hôm 27/11 nói rằng Trung Quốc đã tung ra một chiến dịch, sử dụng các dự án phát triển hạ tầng cơ sở để phô trương quyền lực mềm, chống lại các đối thủ khác trong khu vực là Mỹ và Nhật Bản.

Bài báo cho rằng trong tình huống này, Philippines và Việt Nam có thể quay sang các đối tác đầu tư khác trong khu vực cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của mình. Tuy nhiên, thái độ của Bắc Kinh làm ngơ Philippines và Việt Nam được coi như một sụ nhắc nhở đối với hai nước này, rằng họ sẽ mất quyền lợi, khi từ chối chấp nhận vai trò mới của Trung Quốc trong trật tự thế giới mới.

Theo Viện Nghiên cứu Lowy

Trần Quang (gt)