Campuchia không thể phủ nhận thực tế vị trí của một “tiểu quốc” luôn chịu ảnh hưởng về ý thức hệ, chính trị và kinh tế của các siêu cường và quốc gia láng giềng, nên nước này cần theo đuổi một chiến lược phát triển ảnh hưởng cân bằng

Học giả này cho rằng một quốc gia nhỏ bé như Campuchia luôn dễ bị “tổn thương” từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Campuchia luôn phải đương đầu với tình trạng bất ổn, một nền kinh tế kém đa dạng, tình trạng phụ thuộc quá mức, nguy cơ bị cô lập cao và luôn dễ dàng chịu ảnh hưởng ngoại lai. Phat Kosal khẳng định Campuchia không thể thay đổi thực tế, vậy nên quốc gia này phải có những chiến lược tốt để đối đầu với các vấn đề nói trên, theo cách mà ông gọi là một “quốc gia khôn khéo”.

Theo Phat Kosal, quốc gia khôn khéo là quốc gia theo đuổi các chiến lược đa dạng, nhằm duy trì tính trung lập và tự trị cao, nhưng tránh sa vào tình trạng “chư hầu” của một cường quốc. Campuchia phải có sự can dự với các nước lớn, nhưng nên sử dụng vị trí chiến lược của mình để xây dựng mối quan hệ đặc biệt với một số nước trong số này, cho phép hình thành cơ chế linh hoạt hơn nhằm tạo đòn bẩy cho các quyền lợi của mình. Học giả này phân tích: “Một quốc gia khôn khéo phải có một nền kinh tế đa dạng, tăng cường các hoạt động tự do và tránh bị sức ép từ bên ngoài. Quốc gia này nên có chính sách ngoại giao linh hoạt, củng cố quan hệ tốt với các nước láng giềng và các thể chế khu vực để tránh bị cô lập. Nên có một ý thức hệ quốc gia được xác định rõ ràng và được hậu thuẫn bởi một tầng lớp xã hội đáng tin cậy. Niềm tin giữa lực lượng cầm quyền và bị cầm quyền là nguồn lực xã hội quan trọng để tạo ra lớp đệm mạnh mẽ chống lại sự xâm nhập của các ảnh hưởng ngoại lai”.

Theo nhà nghiên cứu này, Chủ nghĩa dân tộc cũng là một nguồn lực sức mạnh và có thể sử dụng để thúc đẩy chính nghĩa quốc gia. Ông cũng chỉ ra rằng xét về mặt quy mô và lịch sử, sẽ rất khó để một đất nước Campuchia nhỏ bé có thể trở nên độc lập. Trong giai đoạn lịch sử hiện đại, Campuchia chịu ảnh hưởng lớn từ Pháp và Trung Quốc, và đặc biệt là ảnh hưởng của Trung Quốc đang ngày một gia tăng.

Tuy nhiên, ông cho rằng Campuchia “cần một chính sách đối ngoại đa dạng và linh hoạt về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao, vì nếu như cường quốc mà Campuchia phụ thuộc không còn hậu thuẫn cho nước này nữa, Campuchia có thể được hậu thuẫn bởi những quốc gia khác”. Phat Kosal cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc ngày nay đều quan trọng đối với Campuchia, nhưng “chúng ta không được phép chấp nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc mà không tính đến những ảnh hưởng văn hóa, xã hội, kinh tế và chính sách của quốc gia này”.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc không còn ảnh hưởng tuyệt đối đối với bất cứ quốc gia nào, nhưng Phat Kosal nhận định rằng Campuchia vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn để đáp ứng những điều kiện do phương Tây áp đặt, đặc biệt là các vấn đề dân chủ, nhân quyền và công bằng xã hội. Ông cho rằng các khoản viện trợ của Trung Quốc cũng đi kèm các điều kiện, nhưng “các điều kiện của họ lại khác biệt hẳn với các điều kiện của Mỹ và phương Tây. Trung Quốc muốn Campuchia trở thành chư hầu của họ”.

Học giả này kết luận rằng với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tất cả phụ thuộc vào cách nhìn nhận, sự sáng tạo và nghệ thuật chính trị của cá nhân các lãnh đạo quốc gia để tạo dựng một khuôn hình tốt nhất, trong bối cảnh những thách thức và cơ hội đang có.

 

Theo VOA

 Mỹ Anh (gt)