Bài viết khẳng định quan hệ ngoại giao Nga-Ấn đã trải qua 65 năm, thời kỳ chính trị đã thay đổi nhưng các nguyên tắc về quan hệ song phương như sự tin cậy lẫn nhau và sự bình đẳng vẫn còn nguyên vẹn. Theo Tổng thống Putin, Nga và Ấn Độ có cùng mục tiêu là làm cho thế giới trở nên công bằng, dân chủ và an ninh hơn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực, trong đó có tình hình tại Trung Đông, Bắc Phi và Ápganixtan. Ông khẳng định sự hợp tác của hai nước trong nhóm BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng như trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và các tổ chức đa phương khác ngày càng tăng, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ có những biện pháp phối hợp trên trường quốc tế, tham gia phát triển các luật thương mại toàn cầu, tăng cường quan hệ hợp tác trong thương mại, khoa học, công nghệ và nhân quyền, tạo cơ sở để đạt được chất lượng mới về đối tác. Sau khi đánh giá tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Ấn Độ và Nga, Tổng thống Putin cho rằng tiềm năng kinh tế ngày càng tăng của hai nước sẽ bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực. Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch thương mại giữa Nga và Ấn Độ trong năm 2012 dự kiến đạt hơn 10 tỷ USD và đặt mục tiêu 20 tỷ USD vào năm 2015. Để đạt mục tiêu này, theo Tổng thống Putin, cần duy trì các cuộc tiếp xúc trực tiếp của các cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy việc thiết lập các “liên minh” về đầu tư, công nghệ và công nghiệp có hiệu quả, chẳng hạn trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, trước hết là năng lượng hạt nhân.

Nga hy vọng việc triển khai thực hiện các thỏa thuận xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới tại Ấn Độ sẽ được bắt đầu trong tương lai gần nhất. Nga cũng hy vọng nối lại các dự án dài hạn trong ngành công nghiệp thép, sản xuất dầu mỏ, chế tạo ô tô và máy bay, các ngành công nghiệp hóa chất, dược phẩm, lĩnh vực thông tin và công nghệ sinh học. Sự phối hợp hoạt động hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GLONASS) của Nga đã mở ra những triển vọng rộng lớn. Hàng loạt hiệp định hợp tác song phương đã được ký kết. Bản chất chiến lược của mối quan hệ đối tác giữa Nga và Ấn Độ thể hiện qua mức độ hợp tác chưa từng thấy về quân sự và kỹ thuật. Sự hợp tác sản xuất và phát triển vũ khí hiện đại (chứ không chỉ ở phạm vi mua bán) sẽ trở thành lĩnh vực chính của các hoạt động. Hai bên chú ý đến việc phát triển máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm và máy bay vận tải đa năng; tên lửa đạn đạo “BrahMos” của Nga cũng đã được thử nghiệm thành công. Tổng thống Putin tin tưởng sự hợp tác nhiều mặt như vậy sẽ cho phép hai nước không những đi đầu trong hàng loạt dự án công nghệ cao, mà còn góp phần thành công trong việc đưa các sản phẩm chung của hai nước tới thị trường các nước thứ ba… 

Cũng liên quan đến quan hệ Nga-Ấn, “Thời báo Kinh tế” cho biết nhân dịp chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin, ngày 24/12, các quan chức hai nước đã ký 10 thỏa thuận, trong đó có các hợp đồng quốc phòng trị giá khoảng 4 tỷ USD. Trong số đó có Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và sáng tạo, chương trình trao đổi văn hóa và MoU thúc đẩy đầu tư trực tiếp. Các hợp đồng quốc phòng bao gồm hợp đồng Nga bán cho Ấn Độ 71 máy bay Mi -17V-5 và hợp tác sản xuất theo giấy phép của Nga 42 máy bay SU-30MKI. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận toàn diện về các vấn đề song phương chủ chốt, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, vũ trụ, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục, văn hóa và du lịch. Hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ cũng đã thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có nhiều vấn đề hai bên tương đồng quan điểm. Thủ tướng Singh nói: “Nga là một đối tác chính trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và tăng cường tính sẵn sàng quốc phòng của chúng tôi.

Một số thiết kế, dự án phát triển và sản xuất chung giữa hai nước đang được tiến hành trong các lĩnh vực công nghệ cao. Chúng tôi hài lòng rằng những dự án này đang tiến triển tốt”. Ông Singh lưu ý rằng vẫn còn tiềm năng chưa khai thác trong những lĩnh vực như dược phẩm, phân bón, khai khoáng, thép, công nghệ thông tin, hàng không dân dụng, thông tin viễn thông, cơ sở hạ tầng, chế biến thực phẩm, sáng tạo và dịch vụ. Hai bên đã yêu cầu các nhóm cấp liên chính phủ và doanh nghiệp đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ thương mại song phương và thu hút đầu tư. Trong khi lưu ý rằng hợp tác về khoa học-công nghệ giữa hai nước vẫn mạnh, Thủ tướng Manmohan Singh hoan nghênh hoạt động của các Trung tâm khoa học-công nghệ chung Nga-Ấn có thể trợ giúp sự phát triển và thương mại hóa những công nghệ đầy hứa hẹn, trong đó có công nghệ nano, y-sinh học và siêu máy tính. Thủ tướng Singh đặc biệt hoan nghênh thỏa thuận hợp tác sử dụng hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga mà hai bên vừa ký kết.

Lê Sơn (gt)