Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia Việt Nam từ Canberra, Australia, cho rằng ngoài Biển Đông, các chủ đề thường trực như đổi mới kiện toàn quan hệ giữa hai đảng cầm quyền hay thúc đẩy hợp tác song phương cũng sẽ được hai bên bàn tới trong chuyến thăm. Ông nói “Đặc biệt, các chủ đề kinh tế, nhất là thặng dư mậu dịch khổng lồ nghiêng về phía Trung Quốc, sẽ được chú ý tới”.

Giáo sư Thayer cho rằng trăm mắt sẽ đổ dồn vào cách ứng xử cũng như các phát ngôn về Biển Đông của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông ở thăm Bắc Kinh. GS. Thayer khẳng định “Đây sẽ là bài toán thử quan trọng cho sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Tổng bí thư”. Theo ông, dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, vẫn khó đạt được một giải pháp khả dĩ cho Biển Đông. GS. Thayer nói: “Chủ đề Biển Đông quá to lớn và quan trọng nên không thể lờ đi, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể trông đợi một thỏa thuận hay giải pháp từ chuyến đi này”. Việt Nam và Trung Quốc đã phải mất hàng chục năm mới có thể đi đến thỏa thuận về biên giới trên bộ, nhưng độ phức tạp của đàm phán biên giới trên biển còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Ngay sau khi có tin Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ 11 - 15/10, tạp chí Địa chính trị Stratfor ngày 5/10 có bài nhan đề: “Việt Nam - Trung Quốc, thịnh vượng về kinh tế dẫn đến căng thẳng gia tăng”.

Theo bài báo, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một phần trong hàng loạt các cuộc gặp gỡ giữa hai bên thời gian gần đây và các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc đó dường như cho thấy sự hàn gắn giữa Trung Quốc và Việt Nam sau những căng thẳng liên quan đến Biển Đông từ tháng 4 đến tháng 6/2011. Chuyến đi này diễn ra ngay sau khi Trung Quốc tỏ ý không hài lòng về sự xích lại gần nhau hơn giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các mối quan hệ quốc phòng.

Bài báo phân tích, trong khi sự thăng tiến về kinh tế của Trung Quốc được ghi nhận một cách rộng rãi, Việt Nam, đối thủ khu vực của Bắc Kinh, cũng vươn lên cả về kinh tế lẫn ảnh hưởng chính trị trong khu vực. Khi kinh tế của hai nước tiếp tục thịnh vượng, họ sẽ phải cố gắng mở rộng ảnh hưởng. Tuy nhiên, do kề cận về địa lý và khu vực mà họ muốn có ảnh hưởng lại có chỗ trùng nhau (Biển Đông, Đông Dương…), nên cả Bắc Kinh và Hà Nội đều sẽ phải duy trì tình trạng căng thẳng trong quan hệ song phương trong “tương lai gần”.

Các sự kiện mới đây trong quan hệ giữa hai nước là điển hình về cách thức mà Việt Nam phải cư xử với Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử: vừa phụ thuộc, vừa cạnh tranh để phát triển. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nền kinh tế Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã hội nhập sâu rộng vào với hệ thống kinh tế quốc tế, mang lại cho họ sự thịnh vượng. Với sự thịnh vượng đó, Việt Nam ngày nay có thể theo đuổi được những mục tiêu khu vực của mình, đó là củng cố vùng đệm chiến lược ở Biển Đông, bán đảo Đông Dương và đảm bảo an ninh cho tuyến biên giới phía Bắc. Vấn đề là ở chỗ những mục tiêu này của Việt Nam lại đụng chạm, đối đầu với các mục tiêu của Trung Quốc, khi họ muốn và đang ở vào địa vị có thể thúc đẩy ảnh hưởng ra bên ngoài nhằm ngăn chặn những gì mà Bắc Kinh cho là mối đe dọa trực tiếp đối với họ. Vì lẽ đó, căng thẳng giữa hai nước có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Đối với Việt Nam, đảm bảo đường biên giới với Trung Quốc, nước láng giềng mạnh hơn, có vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý của mình, Việt Nam cũng coi trọng việc củng cố ảnh hưởng tại Đông Dương và Biển Đông. Đó là nguyên nhân Việt Nam luôn rất tích cực mở rộng ảnh hưởng tại Lào và Campuchia. Mặc dù không được như trước đây, Việt Nam vẫn có ảnh hưởng đáng kể đến Lào và Campuchia về mặt chính trị và kinh tế. Bên cạnh đó, Biển Đông có vai trò rất quan trọng đối với Việt Nam, một đất nước có bờ biển dài 3.444 km.

Trung Quốc trong lịch sử đã nhiều lần xâm chiếm miền Bắc Việt Nam và lịch sử cũng đã khiến người Việt Nam thiếu tin tưởng Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể đối với Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị và kinh tế. Do coi Việt Nam là đối thủ đáng kể nhất tại Đông Dương, Trung Quốc đã tìm cách hạn chế ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Việt Nam đối với Lào và Campuchia trong khi tìm cách gia tăng sự hiện diện của mình tại những nước này.

Những khó khăn về kinh tế không cản trở nỗ lực của Việt Nam nhằm thách thức Trung Quốc trong khu vực. Tăng cường hội nhập toàn cầu với chính sách “làm bạn với tất cả các nước” cho phép Việt Nam can dự với nhiều nước trên thế giới nhằm chống lại Trung Quốc. Tại khu vực, Việt Nam là nước chủ động nhất trong việc thiết lập đối tác chiến lược với các cường quốc khác, trong đó có cả Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đặc biệt là tại Biển Đông và điều này khiến Trung Quốc coi như một mối đe dọa.

Tác giả bài báo chỉ ra những đòi hỏi địa chính trị của Trung Quốc “giống như Hà Nội, Bắc Kinh phải quản lý được các vùng đệm như Nội Mông, Mãn Châu, Tây Tạng, Tân Cương, Vân Nam - Quảng Tây, Hải Nam, khu vực Đài Loan - Phúc Kiến và bán đảo Đông Dương. Một trong các đòi hỏi khác của Trung Quốc là bảo vệ đường bờ biển, không phải vì nỗi sợ bị xâm lược mà là để đảm bảo lợi ích kinh tế. Nhưng sự kề cận giữa Trung Quốc và Việt Nam lại đem đến một vấn đề không thể tránh khỏi: vùng đệm chiến lược bị chồng lấn”. Để bảo vệ vùng đệm chiến lược của mình, hai nước sẽ phải cạnh tranh, nhất là khi điều kiện kinh tế và chính trị của hai bên đều cho phép họ có thể theo đuổi những đòi hỏi chiến lược đó.

Sau khi phân tích về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong lịch sử, những vấn đề địa chính trị, bài báo cho rằng tình thế, hiện nay đang đem lại cho Việt Nam một “khoảnh khắc độc nhất vô nhị trong lịch sử”: một Việt Nam thống nhất, có tiềm lực về kinh tế, chính trị để thách thức Trung Quốc trong khu vực, nhưng “thành công hay không thì còn phải đợi xem. Các đòi hỏi địa chính trị của Hà Nội không thay đổi, ngay cả khi kinh tế của họ thay đổi. Nhưng do những đòi hỏi ấy lại trùng với Trung Quốc, nên căng thẳng giữa hai nước được cho là sẽ tiếp diễn và có lẽ, còn xấu thêm, trong tương lai gần”./.

Minh Vũ (gt)