Bởi một số nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á có hành động đơn phương và hoạt động khai thác song phương với quốc gia ngoài khu vực, đồng thời do nước lớn ngoài khu vực can dự nên vấn đề Biển Đông có chiều hướng phức tạp, ảnh hưởng nguy hại đến xu hướng hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế. Vấn đề Biển Đông liên quan đến việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của Trung Quốc nên đối với Trung Quốc, đó là một trong những vấn đề quan trọng mà Trung Quốc phải có biện pháp và xử lý nghiêm túc, tích cực. 

Đứng trước vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, Trung Quốc nhất quán chủ trương các nước sử dụng phương pháp hòa bình để giải quyết, nếu không thể đi đến nhận thức chung thì cần xử lý theo nguyên tắc “gác lại tranh chấp, cùng khai thác”, cùng bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Cần phải nói rằng những nguyên tắc và chủ trương này là phù hợp với nguyên tắc và yêu cầu của quốc tế và khu vực, cũng phù hợp với xu hướng phát triển và đòi hỏi hiện thực của cộng đồng quốc tế. Đương nhiên, chính sách và lập trường nói trên cũng phù hợp với kinh nghiệm lịch sử và sự thực về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và nước khác. Vì thế Trung Quốc tin chắc rằng sử dụng phương pháp hòa bình, trong đó bao gồm “gác lại tranh chấp cùng khai thác” là có thể giải quyết được tranh chấp lãnh thổ và lợi ích biển giữa Trung Quốc và nước khác. Từ đó Trung Quốc sẽ cố gắng hết mức để bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông và xung quanh Biển Đông. Cần phải nói rằng chính sách và thái độ nói trên của Trung Quốc cần phải được nước khác lý giải và tiếp nhận để có thể thực thi, hay nói cách khác là Trung Quốc đã giữ thái độ kiềm chế, nghiêm chỉnh tuân thủ các nguyên tắc và quy chế liên quan, và cũng tính cả đến đòi hỏi lợi ích của các bên, mặc dù còn tồn tại khó khăn nhất định nhưng cần phải là phương hướng cố gắng, nhất là Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã đạt được nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển là phù hợp với lợi ích của đại đa số các quốc gia trong đó có Trung Quốc, cộng đồng quốc tế cần ủng hộ tích cực để thúc đẩy tiến trình hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, tăng thêm nhận thức chung, tạo điều kiện và môi trường để ký kết biện pháp tạm thời và cuối cùng đi đến giải quyết vấn đề tranh chấp. 

Điều cần phải nói rõ rằng nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc mà Trung Quốc và Việt Nam đạt được là phù hợp với luật quốc tế, trong đó bao gồm “Công ước Liên hợp quốc về luật biển”, và quy chế mang tính khu vực như “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, đó là một hình thức vận dụng và làm sâu sắc thêm các nguyên tắc và các quy phạm như vậy. Nội dung nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc giữa Trung Quốc và Việt Nam bao gồm “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc” (11/10/2011), “Tuyên bố chung Trung Quốc-Việt Nam ” (15/10/2011). Căn cứ chủ yếu của những văn kiện nói trên là “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, Bản Hướng dẫn thực thi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (20/7/2011). Ý nghĩa của nhận thức chung và Thỏa thuận nguyên tắc Trung-Việt chủ yếu thể hiện qua mấy phương diện chính sau đây: 

Thứ nhất, có lợi cho quan hệ hai nước phát triển lành mạnh và toàn diện. Quan hệ hai nước Trung-Việt phát triển toàn diện đòi hỏi phải có một môi trường hòa bình và hữu hảo, không nhắm vào những tranh chấp trên biển mà để ảnh hưởng đến đại cục phát triển quan hệ hai nước, có như vậy mới có thể thực hiện phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng đến tương lai” cũng như mục tiêu “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Vì thế nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc đạt được là điều hết sức khẩn thiết. Thứ hai, có lợi cho việc loại bỏ bất đồng và đối lập, tăng thêm tin cậy lẫn nhau. Việc hai nước tồn tại chủ trương đối lập nhau về vấn đề lãnh thổ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là sự thực không phải tranh cãi. Để đối phó với hiện trạng và thúc đẩy quan hệ phát triển, hai bên cần tích cực lắng nghe chủ trương của đối phương, tôn trọng sự thật lịch sử và lợi ích của đối phương, tránh có hành động và hoạt động đơn phương để có thể ngăn chặn tranh chấp và xung đột leo thang. Bởi thế hai nước cần tận dụng mặt bằng thương thảo, tích cực xử lý tốt vấn đề tranh cãi, bao gồm thông qua đàm phán tạo lập các phương án tạm thời mang tính quy chế, nhất là phải hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm (như môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, cứu hộ trên biển, giảm nhẹ thiên tai...), tạo điều kiện cùng khai thác ở vùng biển tranh chấp, tăng thêm độ tin cậy lẫn nhau, tạo bầu không khí tốt đẹp để cuối cùng đi đến giải quyết một cách hợp lý vấn đề tranh chấp. Thứ ba, có lợi cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp chính trị. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều chưa có sự lựa chọn đối với điều 36 trong “Quy ước của Tòa án quốc tế” để chấp nhận tuyên bố giải quyết tranh chấp theo quyền phán xử của Tòa án quốc tế, Trung Quốc vào ngày 25/8/2006 lại trình lên Tổng thư ký Liên hợp quốc tuyên bố bằng văn bản loại bỏ vấn đề tranh chấp biên giới trên biển ra khỏi sự quản hạt của tư pháp, vì thế nếu không thể ký kết hiệp định trọng tài giữa hai nước thì hai nước sẽ không đủ điều kiện và cơ sở để giải quyết vấn đề tranh chấp biển bằng cách sử dụng luật pháp, mà chỉ có thể áp dụng phương pháp chính trị. Vì thế, trong “Thỏa thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển” có nói rõ, về tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai bên sẽ thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị để giải quyết, nếu tranh chấp liên quan đến nước khác sẽ hiệp thương với bên tranh chấp khác. Nói cách khác, Trung Quốc và Việt Nam đạt được nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển là đã tiến thêm một bước đem lại sự đảm bảo chính trị để hai bên giải quyết vấn đề tranh chấp biển thông qua phương pháp đối thoại và hiệp thương song phương. Thứ tư, có lợi cho nước khác tích cực học tập kinh nghiệm làm theo. Nếu Trung Quốc và Việt Nam giải quyết được vấn đề tranh chấp biển thông qua phương thức đối thoại bình đẳng và hiệp thương hữu nghị, bao gồm việc ký kết phương án tạm thời – hay là quy chế cùng khai thác, thì không còn gì phải nghi ngờ, sẽ có thể đem lại kinh nghiệm tham khảo quan trọng để giải quyết vấn đề tranh chấp biển giữa các nước khác, cũng chứng tỏ thông qua nỗ lực chung giữa hai nước là có thể giải quyết được vấn đề tranh chấp giữa các nước hữu quan, củng cố lòng tin, có thể loại trừ việc nước lớn ngoài khu vực can dự vào giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời loại bỏ nghi hoặc về việc Trung Quốc và các nước ASEAN không thể giải quyết được vấn đề tranh chấp biển. 

Nói tóm lại, Trung Quốc và Việt Nam đạt được nhận thức chung và thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển là đáng phải khẳng định, thành quả này sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực, bao gồm cả kinh nghiệm giải quyết vấn đề tranh chấp biển giữa các nước khác. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần tích cực ủng hộ, khẳng định nỗ lực giải quyết vấn đề biển của hai nước chứ không phải phê bình hoặc chỉ trích. Tuy nhiên, dù Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc nhưng vẫn còn phải trải qua một tiến trình rất dài mới có thể đi đến giải quyết một cách hợp lý và dứt điểm vấn đề biển, trong đó bao gồm vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời phải chú ý một số vấn đề sau: Thứ nhất, hai bên cần có thành ý thực thi những nội dung được bao hàm trong nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc, thông qua phương pháp đối thoại và hiệp thương để loại bỏ bất đồng, tránh có hành động và hoạt động đơn phương, vì quốc gia thi hành nghĩa vụ bằng thành ý chính là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Thứ hai, hai bên cần tích cực tận dụng diễn đàn đã tạo lập được, bao gồm cơ chế gặp gỡ định kỳ giữa các trưởng phái đoàn đàm phán song phương của chính phủ, cơ chế liên lạc qua đường dây nóng, từng bước đi đến thảo luận vấn đề khai thác chung nguồn tài nguyên biển, thực hiện mục tiêu cùng chia sẻ và tận hưởng nguồn tài nguyên. Thứ ba, hai bên cần làm chủ được đại cục phát triển quan hệ hai nước, tránh vì vấn đề Biển Đông xử lý chưa thỏa đáng và những sự việc không lường trước được mà để ảnh hưởng đến nỗ lực và tiến trình hợp tác xử lý vấn đề biển, đặc biệt phải gạt bỏ sự hiểu lầm, tăng thêm độ hiểu biết về nhau, tích cực tuyên truyền những việc làm thành công trong hợp tác song phương, tránh bị trói chân trói tay và bị lôi cuốn bởi báo chí. Việc hai nước đi đến nhận thức chung và thỏa thuận nguyên tắc giải quyết vấn đề biển rõ ràng đã là sự đảm bảo chính trị quan trọng để giải quyết vấn đề tranh chấp biển. Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải tích cực thực thi nghĩa vụ bằng thiện chí, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực liên quan, bao gồm biện pháp đối thoại hiệp thương, nghiên cứu và giao lưu học thuật, nâng cao nhận thức chung, tiếp nhận những phương án và biện pháp dễ chấp nhận, giải quyết một cách hữu hiệu những tranh chấp biển đang tồn tại, phát triển toàn diện quan hệ song phương. 

  Theo Báo “Hải dương Trung Quốc”

Vũ Hiền (gt)