Khi ngày 31/5, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông cáo đề nghị Việt Nam chấm dứt các hoạt động ở vùng lãnh hải có tranh chấp ngoài Biển Đông, Bắc Kinh cũng biện hộ cho hành động của tàu hải giám Trung Quốc nhắm vào tàu thăm dò dầu khí của VN. Theo AFP, tuyên bố với các nhà báo tại Bắc Kinh, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, đã đổ lỗi cho phía Việt Nam về sự cố hôm 26/5, khi tàu Trung Quocó xông đến cắt đứt cáp thăm dò của một chiếc tàu thuộc tập đoàn dầu khí PetroVietnam đang hoạt động ngoài khơi. Theo bà Khương Du, “Tàu hải giám Trung Quốc chỉ thực thi luật pháp trước các hành động trái phép của tàu Việt Nam. Đó là điều hoàn toàn chính đáng”. Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói tiếp: “Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam đình chỉ mọi hoạt động của họ và tự kiềm chế, không gây xáo trộn”.

Đây là lần thứ hai Trung Quốc phản hồi về cáo buộc của phía Việt Nam về vụ hôm 26/5 ba tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, uy hiếp và phá hoại thiết bị của tàu thăm dò địa chấn Việt Nam. Hà Nội cũng đã hai lần lên tiếng về vụ việc này. Tuy nhiên, hai nước chưa hề công bố hình ảnh chụp rõ vị trí gây ra va chạm.

Việc người phát ngôn hai bên trao qua đổi lại các thông cáo với lời lẽ ngày càng cứng rắn cho thấy sự việc vẫn còn diễn biến phức tạp ngay trước thềm một hội nghị cấp cao về an ninh khu vực sẽ tổ chức tại Singapore vào cuối tuần này. Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu tham dự diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và có bài diễn văn quan trọng. Đây cũng là lần tham gia đối thoại cấp Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Trung Quốc. Việc Việt Nam đưa ra vấn đề gây rối của Trung Quốc ở Biển Đông trước thềm Đối thoại Sangri-La, khiến vấn đề Biển Đông trở thành tiêu điểm của Diễn đàn an ninh lần này. Mấy năm gần đây, Diễn đàn này ngày càng quan tâm đến hành vi tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng ngày càng tỏ ra lo ngại về hành vi độc chiếm vùng biển khu vực của Trung Quốc. “Thời báo Eo biển” Singapore viết: “Vấn đề đáng quan tâm là cùng với quốc lực tổng hợp ngày càng tăng, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng ngày càng tăng cường. Theo đó, để bù đắp tài nguyên và năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế, Trung Quốc ngày càng kiên định trong việc bảo vệ hải đảo và biên giới trên biển. Do đó, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân để bảo vệ các tầu thăm dò và giàn khoan dầu khí ở Biển Đông là vấn đề mọi người quan tâm. Việc Trung Quốc tự chế tạo giàn khoan cỡ lớn là một trong những bằng chứng thể hiện thực lực và sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng cường”.

NCBĐ (tổng hợp)