Tổng thống Aquino cảm thấy hài lòng về triển vọng phục hồi quan hệ hai nước khi ông có những trao đổi ngắn gọn, thực chất với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2014. Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước. Kể từ đó đến nay, các quan chức Philippines tỏ ra rất lạc quan về một cuộc gặp kế tiếp giữa lãnh đạo hai nước trong thời gian tới, mở đường cho một cuộc đối thoại cấp cao chính thức. Một quan chức ngoại giao cấp cao Philippines mới đây tiết lộ rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đang mong đợi một chuyến thăm lịch sử đến Philippines để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2015. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy sự lạc quan về triển vọng quan hệ tốt đẹp hai nước có thể là quá vội vàng. 

Cuộc gặp giữa ông Aquino và ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC cuối năm ngoái không phải là cuộc đối thoại được chuẩn bị từ trước, thậm chí nó cũng không giống những cuộc gặp được tổ chức giữa ông Tập Cận Bình và những người đồng cấp Nhật Bản và Việt Nam bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Trong khi Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy nỗ lực thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng với Trung Quốc thì Philippines chỉ mới đàm phán về việc thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc.

Tranh cãi pháp lý tại La Hay, cùng với những cáo buộc chống Trung Quốc mà Philippines đang chờ phán quyết của Tòa án trọng tài, sẽ tiếp tục làm quan hệ song phương thêm phức tạp. Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Philippines yêu cầu trọng tài phân xử ở Biển Đông, coi đây là “hành động khiêu khích” và phản tác dụng. 

Mới đây, Philippines đã quyết định trục xuất 18 chuyên gia Trung Quốc làm việc cho Tập đoàn Hệ thống Điện lực Quốc gia Philippines (NGCP). Điều đó thể hiện sự thiếu lòng tin sâu sắc của Manila đối với Bắc Kinh. Philippines đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia để từ chối gia hạn thị thực cho nhóm chuyên gia Trung Quốc. 

Đầu năm nay, Manila và Bắc Kinh một lần nữa buộc tội lẫn nhau khi Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm vào ba tàu đánh cá Philippine khi ba tàu này đang tiến đến bãi đá ngầm Scarborough (Hoàng Nham). Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cố làm chệch hướng chỉ trích bằng cách buộc tội tàu đánh cá Philippines có hành động khiêu khích trước, đồng thời yêu cầu chính phủ Philippines tăng cường giám sát và phân đúng vùng đánh bắt cá của ngư dân để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy trong tương lai. 

Philippines cũng đã được cảnh báo bởi hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang mở rộng các hoạt động xây dựng trên các hòn đảo ở Biển Đông. Khu vực Đá Chữ Thập đã được mở rộng nhân tạo lên tới 11 lần, hiện có thể chứa được khoảng 200 quân. Các quan chức quốc phòng Philippines ước tính Trung Quốc đã hoàn thành gần 50% khối lượng công việc cải tạo và sớm có thể sở hữu một đường băng riêng, đánh dấu sự khởi đầu của Vùng Nhận dạng Phòng không của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc cũng đã “điên cuồng” khai thác khí hydrocarbon và các nguồn hải sản ở khu vực này. Trong khi tự hào vì khám phá ra Mỏ Lingshui 17-2 (có thể mang về cho Trung Quốc 100 tỷ m3 khí đốt) cách phía Nam tỉnh Hải Nam 150km, các quan chức Trung Quốc cũng đã hoàn thành kế hoạch khảo sát toàn diện các nguồn hải sản ở những khu vực tranh chấp. 

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã kêu gọi các đồng nghiệp ASEAN đoàn kết hơn và có giải pháp cứng rắn hơn trong bối cảnh Trung Quốc đang nhăm nhe thiết lập quyền “kiểm soát toàn diện Biển Đông”. Đây là nội dung chính trong cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Philippines với các đồng nghiệp ASEAN tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) được tổ chức tại Malaysia trong hai ngày (27-28/1/2015). Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã tái khẳng định với Ngoại trưởng Philippines rằng các ngoại trưởng khác tham gia AMM Retreat cùng chia sẻ lo ngại về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Singapore sẽ đảm nhận vai trò là nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8/2015. Điều này sẽ mở ra hy vọng về một xung lực mới, hiệu quả hơn để thúc đẩy ASEAN trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông. Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugan đã khẳng định Singapore sẽ nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung là đưa ra một văn bản hợp lý hơn cho COC. Trong Hội nghị các quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng được tổ chức tại Kuala Lumpur, lãnh đạo ASEAN đã nhất trí đưa vấn đề COC vào chương trình nghị sự trong hội nghị tháng 11 tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu ASEAN sẽ tìm ra giải pháp nào và tinh thần đoàn kết đến đâu để hối thúc Trung Quốc trở lại đàm phán COC. Và có một điều ngày càng trở nên rõ ràng là Manila và Bắc Kinh còn chặng đường dài để đi trước khi họ cải thiện được quan hệ khó khăn hiện nay.

Theo Lowy Institute

Trần Quang (gt)