Bắt đầu từ giữa những năm 1970, Bình Nhưỡng bắt đầu tiếp cận Washington để thay thế thỏa thuận đình chiến trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên bằng một thỏa thuận hòa bình. Nhưng như các tập hồ sơ được tiết lộ của Mỹ nhắc đến, khi Washington sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh vào cuối những năm 1970, êkíp an ninh quốc gia của Tổng thống Carter xác định rằng hầu như không có giá trị thực chất để trao đổi trực tiếp với Triều Tiên. Thay vào đó, Mỹ sẽ dựa vào cái mà Mỹ tin – không chính xác – là ảnh hưởng của Trung Quốc lên Triều Tiên. Cách tiếp cận này đã phản ánh một sự hiểu biết nông cạn về quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Triều Tiên; phóng đại tính ngoan ngoãn của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh; và không tính tới các yếu tố lịch sử mà giới hạn ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, gần 4 thập kỷ sau, yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên vẫn là chính sách mặc định của Washington để đối phó với Bình Nhưỡng. Đặt chiến lược của Mỹ đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên dựa trên giả định sai lầm rằng Bắc Kinh đang sử dụng ảnh hưởng chính trị rất lớn ở Bình Nhưỡng và sẽ sẵn lòng vì lợi ích của Washington, là một công thức cho sự thất bại liên tục.

Quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên bị xuyên tạc

Triều Tiên thường có nét đặc trưng là không ai biết và không thể biết. Chắc chắn, khả năng của chúng ta hiểu chuyện gì đang diễn ra bên trong đất nước bí ẩn này là có hạn. Nhưng hồ sơ ngoại giao của các đồng minh cộng sản trước đây của Triều Tiên tiết lộ rất nhiều về tư duy dài hạn của các lãnh đạo đất nước bí ẩn này, bao gồm cả chuyện họ đã hiểu quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên như thế nào. Một bản đánh giá quan điểm của Triều Tiên về quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên cho thấy một ‎ý thức sâu xa về sự hoài nghi đã có từ những thập kỷ trước và một nỗ lực dài hạn để kháng cự lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Về cơ bản, điều này giới hạn khả năng của Bắc Kinh trong việc gây ảnh hưởng chính trị đối với Bình Nhưỡng theo ý muốn của mình.

Người ta có thể lập luận sự hoài nghi này đã có từ những ngày trước khi thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK) và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) vào lần lượt các năm 1948 và 1949. Đối với Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo sáng lập Triều Tiên (và là ông của lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un), sự hoài nghi có thể có từ những năm 1930 khi những người Cộng sản Trung Quốc thiếu chút nữa là xử tử ông vì nghi ngờ ông là một thành viên của Nhóm người Triều Tiên được Nhật Bản ủng hộ được gọi là “People’s Livelihood Corp” hay Minsaengdan. Có tới 1.000 người Triều Tiên, những người giống Kim, là những đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị thu hút vào một bầu không khí cực kỳ hoang tưởng và đã bị ngược đãi do sắc tộc của họ. Gần 1 nửa số đó đã bị tiêu diệt. Người ta có thể chỉ tưởng tượng sự việc này đã gieo rắc sự hoài nghi như thế nào về Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ đối với Kim Nhật Thành, mà còn đối với nhiều đảng viên người Triều Tiên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, những người sống sót sau vụ việc này.

Mặc dù chúng ta chỉ có thể suy xét về tác động tâm lý của sự việc được gọi là Minsaengdan về Kim Nhật Thành, nhưng các tập hồ sơ thời kỳ Chiến tranh Lạnh được tiết lộ từ các cơ quan lưu trữ của Liên Xô trước đây, Đông Đức, Bulgaria, Mông Cổ và các nước khác – tất cả những đồng minh trước đây của Triều Tiên – đã cung cấp các bằng chứng rõ ràng rằng theo quan điểm của Triều Tiên, mối quan hệ với Trung Quốc đã đầy căng thẳng và hoài nghi ít nhất kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Do đó, chính sự kiện mà nhiều người chỉ ra là nguồn gốc của liên minh Trung Quốc-Triều Tiên thực tế là khởi nguồn của sự căng thẳng và xung đột.

Vào cuối Thu năm 1950, cái được gọi là Chí nguyện quân Trung Quốc, những người đã nhận nhiệm vụ tham gia mặt trận ở Triều Tiên, đã bác bỏ những đề xuất của Triều Tiên tiếp tục các chiến dịch tấn công chống lại Mỹ và quân đội Hàn Quốc vào năm 1951. Vì vậy, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đổ lỗi cho các sĩ quan Trung Quốc vì không tái thống nhất được bán đảo Triều Tiên, ngay dù các lực lượng Trung Quốc, trên thực tế, đã cứu Triều Tiên khỏi thất bại chắc chắn. Trong cuộc chiến tranh, những bất đồng cũng đã nảy sinh trong việc kiểm soát hệ thống đường sắt của Triều Tiên. Lực lượng Trung Quốc đã cấm sử dụng chúng cho bất kỳ việc gì khác ngoài các hoạt động quân sự, kể cả tái thiết sau khi các chiến tuyến ổn định, một quyết định mà các quan chức Triều Tiên tranh cãi, đặc biệt là khi nhiều đoàn tàu vẫn đứng yên để làm mồi cho bom Mỹ. Hồ sơ của Liên Xô tiết lộ rằng quan hệ giữa các quan chức Triều Tiên và Trung Quốc vẫn căng thẳng qua nhiều năm sau thỏa thuận đình chiến Chiến tranh Triều Tiên năm 1953.

Vào tháng 12/1955, Kim Nhật Thành sử dụng khái niệm “junche” (chủ thể), một thuật ngữ đặc trưng được dịch ra là “tự lực”, để giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Quốc và Liên Xô tới sự phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa ở Triều Tiên. Vào tháng 8/1956, ông đã thanh trừng những quan chức trong đảng mà ủng hộ Trung Quốc và Liên Xô vì thách thức chiến lược phát triển kinh tế tự cung tự cấp và tư tưởng sùng bái cá nhân của ông tại cuộc họp toàn thể của Đảng Lao động Triều Tiên. Ba trong số các nạn nhân của Kim Nhật Thành đã trốn sang Trung Quốc, nơi họ đã thông báo cho Mao Trạch Đông những phát triển gần đây ở Triều Tiên. Phó Thủ tướng Liên Xô Anastas Mikoyan, ở Bắc Kinh vào thời điểm đó để tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ VIII, cũng đã nắm được tình hình ở Bình Nhưỡng. Mao Trạch Đông và Mikoyan phái một đoàn đại biểu chung Trung Quốc-Liên Xô đi điều tra sự việc. Đoàn đại biểu chung, do Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Bành Đức Hoài, cựu chỉ huy của Chí nguyện quân Trung Quốc trong suốt Chiến tranh Triều Tiên, và Mikoyan dẫn đầu, đã buộc Kim Nhật Thành triệu tập một cuộc họp mới của Đảng Lao động Triều Tiên, khôi phục chức vị cho những quan chức bị thanh trừng và thả những người khác ra khỏi tù. Mặc dù không có bất kỳ một thách thức trực tiếp nào đối với quyền lực của Kim Nhật Thành, nhưng ông đã nhận thức rõ sự can thiệp này giống như một sự vi phạm chủ quyền Triều Tiên.

Trong những tháng sau đó, Kim Nhật Thành đã bắt đầu áp dụng các biện pháp để thể hiện sự không hài lòng của mình với Trung Quốc và Liên Xô. Ông đã tiếp tục thanh trừng những người có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh và Moskva. Theo các báo cáo của Ba Lan, có tới 3.000 quan chức đã hứng chịu kết quả đó. Mao Trạch Đông đã thật sự thất vọng với hành động của Kim Nhật Thành đến mức trong cuộc đối thoại với Đại sứ Liên Xô ở Bắc Kinh Pavel Yudin, Chủ tịch Mao đã ví Kim Nhật Thành giống như Imre Nagy, “kẻ phản bội” người Hunagry, và Joseph Broz Tito, nhà lãnh đạo Nam Tư độc lập quá mức. Thậm chí Mao Trạch Đông đã đề xuất rằng Kim Nhật Thành có thể đã thông đồng với kẻ thù không đội trời chung của ông ở Hàn Quốc, Tổng thống Syngman Rhee. Những nhận xét của Mao Trạch Đông sau đấy đã quay trở lại gây tổn hại đến ông. Vào năm 1960, quan hệ Trung Quốc-Liên Xô trở nên xấu đi. Moskva đã tìm cách chia rẽ Bình Nhưỡng và Bắc Kinh, và Khrushchev đã ra lệnh hồ sơ thảo luận của Liên Xô phải được chia sẻ với Kim Nhật Thành. Các báo cáo của Liên Xô miêu tả Kim Nhật Thành đã run rẩy rõ ràng sau khi đọc điện tín. Sự hiểu biết của Kim Nhật Thành về cuộc đối thoại có thể có tác động lâu dài tới nhận thức của lãnh đạo Triều Tiên về Mao Trạch Đông và Trung Quốc. Trong những thập kỷ sau đó, Kim Nhật Thành đã chỉ trích Trung Quốc gay gắt vì đã can thiệp vào vấn đề nội bộ của đảng vào năm 1956.
Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã được cải thiện một chút vào đầu những năm 1960, khi mà sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, ban lãnh đạo Triều Tiên rạn nứt với Moskva do các chính sách theo chủ nghĩa xét lại của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev hướng tới Mỹ. Tuy nhiên, khoảng thời gian thỏa hiệp giữa Trung Quốc và Triều Tiên là ngắn ngủi. Ngay sau khi Khrushchev bị buộc rời bỏ chức vụ vào mùa Thu năm 1964, Kim Nhật Thành đã áp dụng các biện pháp để tạo khoảng trống giữa chính ông và ban lãnh đạo Trung Quốc. Vào giữa những năm 1960, quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh đã ngày càng xấu đi nhanh chóng. Trong suốt cuộc Cách mạng Văn hóa của giai cấp vô sản vĩ đại Trung Quốc, Kim Nhật Thành đã là một mục tiêu trực tiếp của những chỉ trích từ Hồng Vệ binh Trung Quốc vì cái gọi là “đứng giữa” trong sự chia rẽ Liên Xô-Trung Quốc đang diễn ra. Ban lãnh đạo Trung Quốc trong tình trạng hỗn loạn đã bỏ qua và thậm chí tiếp tay cho các cuộc công kích này. Quan hệ đã xấu đi đến mức quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đã đụng độ ở các vùng lận cận núi Baekdu vào năm 1969. Theo một cuộc đối thoại vào năm 1973 giữa Kim Nhật Thành và Todor Zhivkov của Bulgaria, vào một dịp khác quân đội Trung Quốc đã vượt qua lãnh thổ Triều Tiên và chiếm một thị trấn. Kim Nhật Thành đã ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công, nhưng Trung Quốc đã lùi trở lại qua biên giới. Sự tổn hại đối với quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên là không thể bù đắp lại được. Niềm tin sẽ không bao giờ được khôi phục hoàn toàn, kể cả khi - ngoài mặt - mối quan hệ đã dường như trở lại đúng hướng kể từ đầu những năm 1970.

Đã có những giai đoạn khác trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên mà Bình Nhưỡng ngày càng tin rằng Trung Quốc đã theo chủ nghĩa can thiệp thái quá, và không tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên. Chẳng hạn, vào năm 1980, khi Kim Jong-il được tuyên bố là người kế nhiệm tại Đại hội 6 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Trung Quốc đã công khai lên án sự thừa kế cha truyền con nối là dấu tích của chủ nghĩa phong kiến. Đối với người Triều Tiên, điều này không thể chấp nhận được. Cho đến khi việc Trung Quốc thất bại dưới tay Nhật Bản trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật đầu tiên năm 1894-1895 đã làm mất vai trò trung tâm của Trung Quốc, đế chế Trung Hoa đã hưởng đặc quyền trao tính hợp pháp cho các quốc vương Triều Tiên. Tuy nhiên, vào năm 1980, Triều Tiên có thể khiếp sợ bởi tuyên bố của Trung Quốc, thể hiện một niềm tin rằng Bắc Kinh vẫn có quyền đưa ra ý kiến về sự kế nhiệm ban lãnh đạo ở Triều Tiên. Kim Nhật Thành, một người theo chủ nghĩa dân tộc cách mạng chống thực dân, in sâu vào trong não nhận thức hậu Westphalian về sự bình đẳng chủ quyền, đã phẫn nộ về những gì còn sót lại từ quan hệ bá chủ-chư hầu mà đặc trưng cho quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên cho tới cuối thế kỷ 19.

Mặc dù cùng chia sẻ về lịch sử, biên giới và ít nhất bề ngoài là cả ý thức hệ từ những năm 1980, nhưng Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng trở nên tách rời khi Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh đến hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc. Trong mắt người Triều Tiên, Trung Quốc đã từ bỏ cuộc cách mạng để có một vị trí trong hệ thống quốc tế hiện nay. Trong hành động phản bội cuối cùng, Bắc Kinh đã công nhận Seoul vào năm 1992.

Do kết quả của lịch sử bị giày vò này, việc gây sức ép lên Trung Quốc để thực hiện ảnh hưởng chính trị đối với Triều Tiên có nghĩa là Mỹ đang đòi hỏi Bắc Kinh thực hiện chính xác những gì khiến Bình Nhưỡng bực bội nhất trong những năm qua. Điều này chỉ càng khiến Triều Tiên thù địch hơn.

Ảnh hưởng chính trị đấu với đòn bẩy vật chất và những tác động đối với chính sách của Mỹ

Điều này không có nghĩa rằng Mỹ nên từ bỏ những nỗ lực khích lệ Trung Quốc gây thêm áp lực đối với Triều Tiên. Mặc dù Trung Quốc không có khả năng gây ảnh hưởng chính trị lên Triều Tiên, nhưng Trung Quốc lại hưởng đòn bẩy vật chất lớn hơn đối với, và tiếp cận tới, Bình Nhưỡng so với bất kỳ quốc gia nào khác. Quả thực, gần 80 đến 90% ngoại thương của Triều Tiên là với Trung Quốc. Chắc chắn rằng điều đó phải có lý do. Thiếu đi sự can thiệp lớn hơn từ Trung Quốc, chính sách của Mỹ dựa trên các lệnh trừng phạt để buộc Bắc Kinh từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân và đạn đạo của Triều Tiên chắc chắn thất bại.

Nhưng, cũng có những giới hạn đối với một chính sách dựa vào Trung Quốc để lợi dụng đòn bẩy vật chất của nước này đối với Triều Tiên. Trong bất kỳ quan hệ đồng minh không cân xứng nào, có các giới hạn rõ ràng đối với khả năng của đồng minh bảo trợ tận dụng đòn bẩy vật chất của mình đối với bên được bảo trợ để gây ảnh hưởng tới các chính sách của nước này theo ý muốn của mình. Các đồng minh được bảo trợ ở cả hai bên trong Chiến tranh Lạnh thường xuyên thể hiện mức độ tự trị hơn rất nhiều so với những gì đã được giả định trước đó. Người ta chỉ cần nghĩ tới quan hệ giữa Mỹ với Syngman Rhee của Hàn Quốc hay Tưởng Giới Thạch của Đài Loan. Mặc dù đang phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ kinh tế và an ninh của Mỹ, cả Rhee và Tưởng Giới Thạch đều là những đồng minh bất trị. Khả năng của Trung Quốc trong việc tận dụng sự hỗ trợ của mình cho Triều Tiên để gây ảnh hưởng tới các chính sách của Bình Nhưỡng trong hầu hết nửa thế kỷ qua tương tự là bị hạn chế. Không có một lý do nào để tin rằng động cơ cơ bản này sẽ thay đổi bất kể Mỹ thể hiện sự thất vọng của mình với Trung Quốc nhiều như thế nào hay áp đặt các lệnh trừng phạt lên họ vì việc Bắc Kinh không kìm hãm được chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Hơn nữa, phục vụ lợi ích của Mỹ cũng không nằm trong lợi ích của Bắc Kinh. Chắc chắn, lợi ích của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Á không xếp cùng với lợi ích của Mỹ, và không sức ép nào sẽ khiến Bắc Kinh phải làm theo yêu cầu của Mỹ. Trong khi Trung Quốc thích một Triều Tiên phi hạt nhân và tuân thủ hơn, họ không sẵn lòng bắt Triều Tiên phải quỳ xuống để đạt được mục tiêu này. Đòn bẩy vật chất lớn của Trung Quốc lên Triều Tiên là một con dao hai lưỡi. Cắt đứt con đường sống có thể dẫn đến sự sụp đổ quốc gia và xã hội ở Triều Tiên. Đây là điều Bắc Kinh không muốn nhất. Nó sẽ gây ra sự bất ổn trên biên giới Trung Quốc, sớm dẫn đến khủng hoảng người tị nạn hoặc tệ hơn nữa. Triều Tiên sụp đổ sẽ là một cơn ác mộng về an ninh quốc gia của Trung Quốc, đưa một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ đến sát cửa của mình vào thời điểm Bắc Kinh đang khao khát khẳng định lại quyền bá chủ khu vực ở Đông Á. Hơn nữa, sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Triều Tiên trong “cuộc chiến chống lại Mỹ và giúp đỡ Triều Tiên” là trung tâm câu chuyện về tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau một “thế kỷ ô nhục”, một cuộc xâm lược tàn bạo của Nhật Bản, và một cuộc nội chiến khốc liệt, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - chỉ một năm sau khi lên nắm quyền - đã chiến đấu chống lại cường quốc lớn nhất trên thế giới cho đến bế tắc trong một cuộc chiến tranh để giúp đồng minh cộng sản nhỏ hơn của mình.

James F. Person là giám đốc Quỹ Hyundai Motor-Korea, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công và Lịch sử Triều Tiên. Lĩnh vực nghiên cứu chính là lịch sử Triều Tiên hiện đại, mối quan hệ liên Triều, mối quan hệ đối ngoại Bắc Triều Tiên, mối quan hệ Mỹ-Triều và Chiến Tranh Lạnh ở Châu Á. Bài viết được đăng trên 38 North (Một dự án nghiên cứu của Viện Mỹ-Triều, Trường Nghiên cứu Quốc tế Hiện đại Johns Hopkins (SAIS).

Trần Quang (gt)