Dự án trên cho phép Trung Quốc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu lửa, từ khu vực Trung Đông về nước bằng đường bộ qua Pakistan. Dự án này vô cùng quan trọng trong bối cảnh tình hình quân sự căng thẳng đang gia tăng ở châu Á sau khi Mỹ thực hiện chiến lược "xoay trục sang châu Á" nhằm cô lập và kiềm chế Trung Quốc. Dự án này sẽ giúp Trung Quốc tránh được mối đe dọa bị Mỹ và các đồng minh phong tỏa đường biển và gây ảnh hưởng đến việc nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc từ Trung Đông vì nước này hiện là nhà nhập khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới. Trung Quốc chủ yếu nhập dầu từ Trung Đông và vận chuyển đến 80% số dầu này qua Ấn Độ Dương, eo biển Malacca, Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã ký 51 thỏa thuận với Pakistan trị giá hơn 46 tỷ USD. Với tư cách là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Pakistan, Trung Quốc cũng cung cấp cho nước này 8 tàu ngầm tấn công diesel lớp Nguyên kiểu 039A hoặc 041. Thủ tướng Pakistan Nawar Sharif và Ủy ban An ninh Quốc gia của Pakistan rất ủng hộ thương vụ mua vũ khí này nhằm hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm. Dự án hành lang kinh tế trên bao gồm các cơ sở dự trữ dầu tại cảng Gwadar của Pakistan và một mạng lưới đường ống dẫn dầu dài 3.000 km, đường sắt và xa lộ từ Gwadar tới Kashgar, phía Tây Trung Quốc, qua Pakistan và đi theo vùng núi biên giới giữa hai nước. Hai bên cũng chủ trương mở rộng hợp tác kỹ thuật về vận tải hàng không, cơ sở hạ tầng đường sắt, phong điện và thủy điện, viễn thông... Gwadar nằm ở vị trí chiến lược trên biển Arập, thuộc tỉnh Balouchistan, một trong những tỉnh nghèo nhất và bất ổn nhất của Pakistan, gần khu vực Vịnh Persian giàu dầu lửa và Eo biển Hormuz. Xuất khẩu dầu lửa từ Vịnh Persian, chiếm khoảng 40% lượng dầu lửa được bán trên thế giới, phải qua Eo biển Hormuz. Theo thỏa thuận, cảng Gwadar đã được nhượng cho Trung Quốc trong 40 năm kể từ năm nay.

Đường hành lang kinh tế trên sẽ giúp mở ra những con đường vận chuyển mới, rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa Trung Quốc và khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, như nhận định của nhiều nhà quan sát, dự án này đương nhiên sẽ làm gia tăng tình hình căng thẳng về quân sự giữa các nước trong khu vực. Mặc dù hàng tỷ người sống tại các vùng kém phát triển này vẫn phải chịu cảnh nghèo khổ và cực kỳ lạc hậu nhưng vẫn phải đối mặt với nguy cơ một cuộc xung đột giữa các cường quốc có vũ khí hạt nhân, trong đó có Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc, đấy là chưa nói đến sự can thiệp bất cứ lúc nào của Mỹ. Vốn đầu tư 46 tỷ USD kể trên của Trung Quốc vào Pakistan gần gấp ba lần vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mà Pakistan nhận được trong 7 năm qua và vượt xa vốn đầu tư cũng như các chi phí khác của Mỹ ở Pakistan. Số tiền đầu tư đó đã làm cho khoản tiền 31 tỷ USD mà Mỹ dành cho Pakistan từ năm 2002, trong đó 2/3 chi cho cuộc chiến chống khủng bố, bị xếp xuống "hàng dưới".

Trong chuyến thăm Pakistan, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp tham mưu trưởng và người đứng đầu các lực lượng vũ trang của nước này để thảo luận về việc bảo vệ an ninh cho dự án trên. Các nhà lãnh đạo Pakistan, trong đó có Thủ tướng Nawar Sharif, đã chấp nhận triển khai một lực lượng đặc biệt, lên tới 10.000 binh sĩ và nhân viên an ninh để bảo vệ các công nhân xây dựng Trung Quốc ở Pakistan. Ông Tập Cận Bình cũng đã nhận được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị khác nhau ở Pakistan đối với dự án này. Điều đó cho thấy quan hệ giữa hai nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới về chất.

Theo "WSWS"

Hương Trà (gt)