Một cuộc rượt đuổi hải quân diễn ra vào ban đêm đã làm nổi rõ những nguy cơ an ninh gia tăng tại biển Hoa Đông. Trung Quốc đã tung trước quân bài của mình vào cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại biển Hoa Đông, vượt qua cái mà cho đến nay vẫn được coi là giới hạn đỏ, bằng cách điều một tàu hải quân đi vào khu vực tiếp giáp.

Tàu khu trục Giang Khải I trong sáng sớm 9/6 đã có một cuộc xâm nhập bất ngờ vào khu vực 12 hải lý (22 km) kéo dài từ đường giới hạn bên ngoài lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. 

Vấn đề lớn ở đây là: Tại sao Trung Quốc lại điều một tàu hải quân đến khu vực này? Một nguồn tin an ninh Trung Quốc nói rằng Trung Quốc làm thế để loại Nhật Bản ra khỏi khu vực tiếp giáp và để quan sát xem Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào. 

Nhật Bản quản lý quần đảo Senkaku và coi Senkaku là một phần của tỉnh Okinawa. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và gọi Senkaku là Điếu Ngư theo tiếng Trung Quốc. Một nhóm nhỏ các đảo không có cư dân sinh sống đã trở thành nguồn gốc căng thẳng giữa hai nước láng giềng trong thời gian gần đây. Giờ đây, các căng thẳng đó đang tiếp tục leo thang. 

Vào ngày 15/6, một tàu do thám của Hải quân Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản ở ngoài khơi tỉnh Kagoshima, Đông Bắc tỉnh Okinawa, trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Đây là lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, một tàu hải quân Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản. 

Sáu tàu 

Có một vở kịch nhiều kỳ về căng thẳng an ninh đang được dựng lên tại biển Hoa Đông. Chương gần đây bắt đầu vào ngày 8/6 vào khoảng 9h50 tối khi ba tàu hải quân Nga, xuất hiện từ phía Bắc, đi vào vùng tiếp giáp gần Điếu Ngư/Senkaku. Tàu khu trục Hatakaze của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) nhanh chóng đi vào khu vực này để bám sát các tàu của Nga. Tàu khu trục lớp Giang Khải I phản ứng ngay lập tức đối với sự xuất hiện của tàu Hatakaze tại vùng tiếp giáp và đổ bộ vào khu vực này từ vùng biển phía Bắc Điếu Ngư/Senkaku. 

Bị báo động bởi sự di chuyển của tàu khu trục Trung Quốc, tàu Setogiri, một tàu khu trục khác của MSDF hoạt động trong vùng biển xa hơn về phía Bắc, bắt đầu đuổi theo tàu Trung Quốc. 

Tàu Setogiri đã phát cảnh báo mạnh mẽ yêu cầu tàu Trung Quốc không được vào vùng biển tiếp giáp. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc phớt lờ lời cảnh báo đó và tiếp tục đi vào khu vực tiếp giáp. Vào thời điểm đó, tàu Hatakaze đang di chuyển theo hướng Đông Bắc trong khu vực này. 

Tàu khu trục Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp từ phía Bắc, tại điểm Đông Bắc của đảo Kuba, một trong những đảo của Điếu Ngư/Senkaku vào lúc 12h50 sáng 9/6. 

Tàu Setogiri rượt đuổi theo tàu Trung Quốc đồng thời cảnh báo tàu Trung Quốc không được vi phạm lãnh hải Nhật Bản. Trong vụ đối đầu chưa từng có tiền lệ này, có 6 tàu gồm tàu Nhật Bản, tàu Trung Quốc và tàu Nga đã xuất phát lần lượt để đi vào vùng biển tiếp giáp nói trên. 

Tàu khu trục Trung Quốc rời đi ở điểm Tây Bắc của đảo Taisho, một đảo khác của Senkaku, vào khoảng 3h30 sáng. Tàu của Nga đã rời khỏi khu vực này năm phút trước đó. 

Thủ tướng Shinzo Abe đã nhận được báo cáo đầu tiên về vụ di chuyển của tàu khu trục Trung Quốc tại nhà riêng vào khoảng 1 giờ sáng 9/6, khoảng 10 phút sau khi vụ di chuyển diễn ra. 

Sau khi báo cáo vụ việc cho Thủ tướng Abe, Ngoại trưởng Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới một quan chức phụ trách an ninh của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo. Trong vòng chưa đầy một giờ sau đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trịnh Vĩnh Hoa đến Bộ Ngoại giao để trao công hàm phản đối. 

Thỏa thuận ngầm 

Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo Trung Quốc, cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói rằng Nhật Bản đã vi phạm một thỏa thuận ngầm giữa hai nước liên quan đến bất đồng lãnh thổ. 

Theo thỏa thuận ngầm này, cả hai nước đều cần phải kiềm chế việc điều tàu hải quân vào vùng biển tiếp giáp nhưng tàu Trung Quốc đã đi vào khu vực này sau khi tàu Nhật Bản có hành động như thế trước, báo Hoàn Cầu nhận định. 

Không có thỏa thuận ngầm hay bí mật nào như thế giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Tàu của Lực lượng cảnh sát biển Nhật Bản thường tuần tra khu vực tiếp giáp quanh quần đảo Senkaku để tránh những đụng độ không cần thiết mà tàu của MSDF có thể gây ra. 

Chính phủ Trung Quốc cũng dựng chuyện rằng Nhật Bản đã từng đồng ý “đóng” vấn đề tranh chấp lãnh thổ, một thủ thuật nhằm buộc Tokyo thừa nhận sự tồn tại của vấn đề này. Quan điểm chính thức của Nhật Bản là “không có vấn đề chủ quyền lãnh thổ nào cần được giải quyết liên quan đến Senkaku”. 

Một nguồn tin Trung Quốc nói: “Trung Quốc đã có lựa chọn cho phép các tàu hải quân của Nga, một nước bạn, đi vào vùng tiếp giáp gần Điếu Ngư, với cớ là tự do hàng hải. Nhưng nếu tàu của Nhật Bản đi vào khu vực này, Trung Quốc cũng phải cử tàu hải quân vào đó để đuổi tàu Nhật Bản. Mặt khác, chúng tôi sẽ không thể nói rằng chúng tôi đã làm phương hại sự kiểm soát hiệu quả của Nhật Bản đối với quần đảo này”. 

Lý lẽ này, nếu được xét về giá trị thể diện, có nghĩa là nếu tàu Hatakaze đi vào vùng lãnh thổ Nhật Bản gần Senkaku để bảo vệ quần đảo này, tàu khu trục Trung Quốc cũng có thể đi vào khu vực này, làm gia tăng rủi ro về việc xảy ra đụng độ quân sự. 

Một số chuyên gia châu Á về các vấn đề an ninh và đối ngoại cho rằng hải quân Trung Quốc có thể đã bị chỉ trích bởi các lãnh đạo chóp bu của nước này vì đã không ngăn chặn tàu Hatakaze đi vào vùng tiếp giáp gần Senkaku. 

Trung Quốc bắt đầu tuyên bố rằng “nước này đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự kiểm soát của Nhật Bản đối với Senkaku từ mùa Thu năm 2012”. Trung Quốc tiếp tục cử các tàu chính thức, không chỉ đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo này để phản ứng với việc Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa Điếu Ngư/Senkaku hồi tháng 9/2012. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 6/2016, các tàu đó luôn là tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, không phải tàu của hải quân. Những cuộc đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển hai nước gây ra ít rủi ro làm bùng nổ một cuộc chiến tranh hơn là cuộc đối đầu giữa những tàu quân sự. 

Âm mưu của Nga-Trung 

Một số người đã nêu nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc và Nga có phối hợp với nhau trong diễn biến vừa rồi của lực lượng hải quân hai nước. Ba tàu của Nga đã đi vào vùng tiếp giáp sau khi kết thúc một cuộc tập trận thường kỳ. Các tàu này trên đường trở về cảng nhà. 

Đại sứ quán Nga tại Tokyo bác bỏ bất cứ nghi vấn nào liên quan đến sự phối hợp hoạt động với hải quân Trung Quốc. Nhưng Nga và Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung trên biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải từ năm 2012. Với quan hệ của hai nước hiện nay, có cơ sở để nói rằng hải quân Trung Quốc ít nhất đã có ý tưởng về cách thức tàu hải quân Nga di chuyển về nước. 

Tàu hải quân Nga và Trung Quốc đã hoạt động ở khu vực này để thu thập thông tin tình báo và nhằm phô trương sự hiện diện của họ trước cuộc tập trận Malabar, cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ khởi động vào ngày 10/6. Có thể vì vậy mà tàu Nga đi vào khu vực này mặc dù họ đang trên đường về nước. 

Mỹ và Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận Malabar đầu tiên vào năm 1992. Nhật Bản trở thành một thành viên của cuộc tập trận này lần đầu tiên trong năm nay. 

Tàu sân bay của Mỹ John C.Stennis, đã tham gia hoạt động của Mỹ để đảm bảo tự do hàng hải tại vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng tham gia cuộc tập trận tại Malabar. Trung Quốc theo dõi hoạt động của tàu này rất sát sao. 

Trong khi đó, Nga, đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, muốn duy trì và tăng cường sự hiện diện của mình tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Như vậy, có thể nói Mỹ với Nhật Bản về một phe trong khi Nga với Trung Quốc về phe còn lại. Trong khi phủ nhận rằng mình có phối hợp hoạt động với Trung Quốc gần quần đảo Senkaku, Nga đã không tìm cách ngăn chặn Trung Quốc úp mở về một sự hợp tác như vậy. Moskva cũng muốn tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Trong thời kỳ của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã lợi dụng Chiến tranh Lạnh để đứng giữa Mỹ và Liên Xô. Giờ đây, Trung Quốc có thể tranh thủ lợi thế mối quan hệ hữu hảo với Nga để tạo ấn tượng về sức mạnh quân sự của mình. 

Quân đội Trung Quốc còn có một mục tiêu quan trọng khác trong việc điều tàu Giang Khải đến vùng tiếp giáp, Bắc Kinh muốn kiểm tra tốc độ phản ứng của Chính phủ Nhật Bản cũng như các lực lượng phòng vệ nước này. 

Ngày 28/3, Nhật Bản đã điều động 160 binh sĩ tuần tra biển thuộc Lực lượng phòng vệ mặt đất đến đảo Yonaguni, đảo cực Tây của tỉnh Okinawa. Đảo này có dân số dưới 2000 người, một căn cứ radar được xây dựng tại đây để theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu chiến và máy bay tại khu vực. Đảo này cách Điếu Ngư/Senkaku 150 km. 

Bằng việc điều tàu Giang Khải đến vùng tiếp giáp, Trung Quốc còn muốn kiểm tra mức độ hiệu quả hoạt động của hệ thống radar mới này. 

Những dàn xếp mới 

Tàu khu trục Nhật Bản Setogiri – con tàu đuổi theo tàu khu trục Trung Quốc, đã thực hiện một chuyến thăm đến căn cứ hải quân chiến lược của Việt Nam ở vịnh Cam Ranh ngày 12/4. Tàu Setogiri đến đây sau khi rời vịnh Subic ở Philippines và đi qua khu vực Biển Đông. 

Việt Nam và Philippines đang có bất đồng với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. 

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hải quân Liên Xô đã đóng tại Cảng Cam Ranh. Thực tế ngày nay rất khác biệt. Hiện nay, Việt Nam mua vũ khí của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc và cho phép các tàu MSDF của Nhật Bản thực hiện các chuyến viếng thăm cảng. 

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền trong gần bốn năm qua, lực lượng hải quân hùng mạnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong các hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng là điều vô cùng nguy hiểm. Cuộc đụng độ mới nhất đã làm nổi rõ sự cần thiết của việc Nhật Bản và Trung Quốc thành lập cơ chế liên lạc hàng không và hàng hải để tránh một vụ đụng độ bất ngờ.

Katsuji Nakazawa là bình luận viên cao cấp tờ Nikkei Asian Review. Bài viết được đăng trên Nikkei Asian Review.

Trần Quang (gt)