Phát biểu trên tờ “Minh báo” (Hồng Công) ngày 24/9, Giáo sư Lương Vân Tường - chuyên gia về quan hệ Trung-Nhật thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế ở Bắc Kinh - cho biết sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc và Nhật Bản từng trải qua các sự kiện "nóng" như sự kiện sách giáo khoa Nhật Bản hay lãnh đạo tối cao Nhật Bản thăm viếng đền thờ Yasukuni (đền thờ các binh sĩ Nhật Bản tử nạn trong chiến tranh). Quan hệ hai bên vì thế cũng từng bị gián đoạn. Tuy nhiên, việc hủy một hoạt động kỷ niệm lớn như lần này thì đúng là hiếm thấy. Việc hủy tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung-Nhật mang ý nghĩa rằng “quan hệ Trung-Nhật thụt lùi toàn diện, tồi tệ toàn diện”, đồng thời cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc nhất của Bắc Kinh kể từ khi Trung-Nhật thiết lập bang giao. Giáo sư Lương Vân Tường cho biết đợt lễ kỷ niệm lần này vốn được hai bên khá coi trọng, nếu như Trung-Nhật năm nay không xuất hiện vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, phía Trung Quốc không loại trừ khả năng sẽ có các lãnh đạo như Chủ tịch nước và Thủ tướng tham dự các hoạt động kỷ niệm. Tuy nhiên, xét tình hình hiện nay, ngay cả khả năng diễn ra hoạt động của các tổ chức đoàn thể cũng không còn nữa. 

Theo tờ “Bình quả” (Hồng Công) cùng ngày, trong các hoạt động kỷ niệm lần này dự kiến sẽ có 7 đoàn hữu nghị Nhật-Trung tiến hành thăm Trung Quốc. Phía Nhật Bản dự kiến cử đoàn đại biểu do nguyên Chủ tịch Hạ viện Kono dẫn đầu tới Bắc Kinh. Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Trung-Nhật Đường Gia Triền tối 26/9 sẽ tổ chức chiêu đãi đoàn, hai bên sẽ tiến hành tọa đàm vào ngày 27/9. Phía Nhật Bản từng được phía Trung Quốc xác nhận rằng các hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra đúng kế hoạch. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đột ngột thông báo hủy tổ chức kỷ niệm. Người phụ trách Hiệp hội hữu nghị Trung-Nhật ngày 23/9 cho biết căn cứ tình hình hiện nay, phía Trung Quốc quyết định lùi việc tổ chức kỷ niệm 40 năm quan hệ Trung-Nhật tại Bắc Kinh tới thời điểm thích hợp, Chính phủ Nhật Bản đã không đếm xỉa gì tới sự phản đối kiên quyết của Trung Quốc, cố tình thực thi việc “mua đảo” trái phép, gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ Trung-Nhật, phá vỡ bầu không khí cần có cho 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương. 

Phía Trung Quốc xưa nay luôn coi trọng dịp kỷ niệm các năm chẵn bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Năm 1982 kỷ niệm 10 năm quan hệ Trung-Nhật, Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương đã thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Zenko Suzuki cũng tiến hành thăm Trung Quốc. Năm 1992, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Nhật Bản, trong khi Nhật Hoàng Akihito lần đầu tiên thăm Trung Quốc. Năm 2002, mặc dù quan hệ Trung-Nhật xuống cấp do Thủ tướng Koizumi sau khi lên nắm quyền liên tục hai lần thăm đền thờ Yasukuni, song Trung Quốc vẫn tổ chức lễ kỷ niệm chúc mừng với sự tham dự của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Bắc Kinh lần này hủy lễ kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, rõ ràng đang thể hiện thái độ “quyết chiến đến cùng”, mang đầy ý nghĩa rằng Trung Quốc không hề tiếc khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. 

Theo tờ “Bình quả”, tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện vẫn chưa có dấu hiệu hòa giải, song trong hai ngày cuối tuần vừa qua, ở Trung Quốc đã không còn tái hiện các cuộc biểu tình chống Nhật Bản quy mô lớn. Bắc Kinh hiểu rằng để làm yên làn sóng biểu tình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, nhà chức trách cần phải gia tăng thái độ cứng rắn đối với Nhật Bản. Sau hai tuần “mất tích”, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triển khai các sách lược khác về ngoại giao đối với Nhật Bản. Một là kiểm soát chặt chẽ các cuộc biểu tình ở trong nước, vừa để tránh xuất hiện các hành vi phá hoại của người biểu tình gây tổn hại cho hình ảnh quốc gia, vừa để tránh sự xuất hiện hàng loạt bức ảnh và biểu ngữ tôn vinh Mao Trạch Đông có thể làm suy yếu hình ảnh lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Hai là thể hiện thái độ cứng rắn đối với Mỹ, hối thúc Mỹ gây sức ép đối với Nhật Bản, tránh để Mỹ bị Nhật Bản lôi lên “chiến xa”. Ba là phản đòn lại Nhật Bản, ngoài việc huy động các tàu thuyền công vụ cùng chiến hạm đến khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc còn liên tiếp tung ra các biện pháp về kinh tế và ngoại giao để gây sức ép đối với Nhật Bản. 

Lê Sơn (gt)