Trong cuộc họp báo thường niên hôm 18/12/2014, Tổng thống Nga Putin cho biết các biện pháp cấm vận của phương Tây đã khiến đồng ruble của Nga mất đi khoảng 25%-30% giá trị. Tuy nhiên, ông Kudrin cho rằng trên thực tế giá trị đồng ruble đã bị mất khoảng 40% giá trị. 

Là một chính trị gia, trong cuộc họp báo trên ông Putin đã thể hiện cương quyết lập trường không thỏa hiệp đối với các vấn đề Ukraine cũng như quyết tâm chống lại áp lực của phương Tây, vì vậy có thể đã giảm nhẹ khi nói về mức độ nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng kinh tế của mình để trấn an người dân Nga. Điều này cho thấy những đánh giá của ông Kudrin về thực trạng nền kinh tế Nga gần với thực tế hơn. Và đối với phương Tây, các biện pháp cấm vận liên tục được đưa ra vài tháng gần đây đã đạt được mục đích đề ra, ngoài việc Putin thừa nhận gặp khó khăn, quyết tâm của Nga đối với vấn đề Ukraine vì thế cũng giảm bớt. Thậm chí các nước phương Tây hy vọng nếu có cơ hội sẽ bồi thêm một nhát dao nữa vào vết thương của con gấu Bắc cực. Trong khi đó, các biện pháp tự cứu lấy mình của Nga là rất hạn chế. Trong cuộc họp báo ông Putin thừa nhận Nga nên sớm hoàn thành việc điều chỉnh kết cấu kinh tế, nhanh chóng thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu năng lượng, tuy nhiên việc này còn rất khó thực hiện. Trong thời kỳ nền kinh tế phát triển tốt còn không thực hiện được sự chuyển đổi kinh tế, huống hồ ở thời điểm khủng hoảng và khó khăn như hiện nay lại càng khó thực hiện. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ dựa vào các biện pháp kích thích kinh tế trong ngắn hạn để vượt qua những khó khăn hiện nay là điều không thể. 

Hy vọng duy nhất là kỳ vọng vào sự chuyển biến tốt của các nhân tố kinh tế bên ngoài, ông Putin kỳ vọng rốt cục tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ khiến nhu cầu về năng lượng tăng lên, ít nhất là trong vòng 2 năm tới giá dầu sẽ phục hồi lại mức cao. Tuy nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ chủ quan. Phương Tây có thể thao túng giá dầu và tiền tệ khiến cho Nga rơi vào khủng hoảng, thì đương nhiên họ cũng có thể khiến cho con gấu Nga đã bị sa xuống bẫy không thể nào thoát ra được. Trong thời gian hai năm, đối với Nga là giới hạn về khả năng chịu đựng, song đối với phương Tây chỉ là một giai đoạn rất ngắn trong kế hoạch lớn hàng trăm năm (chứ không nói là hàng nghìn năm) nhằm đánh bại Nga. 

Điều này có nghĩa rằng Nga có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, song cuộc chiến bao vây Nga vẫn sẽ tiếp tục gia tăng, thậm chí là quyền quyết định vẫn nằm trong tay các nước phương Tây. Ông Kudrin công khai thừa nhận điều này, đồng thời cho biết bình thường hóa mối quan hệ với tư bản phương Tây là điều kiện tiên quyết giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lần này.

Quan hệ Trung-Nga trong thời điểm nhạy cảm 

Trong thời điểm nhạy cảm này, quan hệ Trung-Nga vốn thu hút sự chú ý của mọi người đã xuất hiện những động thái mới. Trong bối cảnh Nga còn chưa đưa ra bất kỳ lời yêu cầu giúp đỡ nào, Trung Quốc thông qua Ngoại trưởng Vương Nghị đã chủ động bày tỏ rằng hợp tác Trung-Nga không bị ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình để giúp đỡ Nga.

Nhưng ngay sau đó, người phát ngôn của Tổng thống Nga Putin nói rằng Nga vẫn chưa thảo luận với Trung Quốc về vấn đề trợ giúp kinh tế. Không rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng thực hiện đề nghị viện trợ hay không, song bản thân ông Putin cũng chưa cho biết rõ có đồng ý nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc hay không. 

Động thái gắn kết đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc sau khủng hoảng vốn được mọi người hết sức chú ý đã kết thúc chóng vánh như vậy. Trên bề mặt, sự nhiệt tình của Trung Quốc gặp phải sự lạnh lùng của Nga, dù Trung Quốc đã tỏ ra hiệp nghĩa giúp đỡ Nga song không nhận được lời cảm ơn nào. 

Tuy nhiên, tình hình thực tế không đơn giản như vậy. Trung Quốc và Nga đều là nước lớn, nhìn bề ngoài có vẻ như đối thoại song phương, song cả hai bên đều muốn thể hiện với cả thế giới bên ngoài, mỗi động thái của họ đều mang một ý nghĩa khác. 
Trước hết xem xét phía Trung Quốc. Trong thời gian đầu, Trung Quốc đơn phương bày tỏ muốn ra tay giúp đỡ, thực tế là mượn cơ hội này để truyền các thông tin quan trọng sau đây ra thế giới bên ngoài: 

Thứ nhất, sự sụp đổ của Nga không có lợi đối với lợi ích của Trung Quốc. Về chính trị, Trung Quốc cần một thế giới đa cực, một "câu lạc bộ các nước lớn phi phương Tây" vô hình để cân bằng vị trí thống trị thế giới của phương Tây, trong đó Nga là thành viên quan trọng nhất của câu lạc bộ này. Về kinh tế, giống như Nga bắt buộc phải ủng hộ đồng USD để phục vụ xuất khẩu, để chuyển khả năng dư thừa sản xuất của mình, Trung Quốc cũng cần bảo vệ thị trường của Nga. 

Thứ hai, Trung Quốc rất coi trọng hợp tác với Nga trong các vấn đề quốc tế. Mọi người đều biết rằng một số diễn đàn đa phương quan trọng của Trung Quốc như hội nghị thượng đỉnh BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, một vành đai-một con đường, đều cần sự ủng hộ của Nga; Trung Quốc trong lòng hiểu rõ rằng mặc dù hợp tác với Nga chưa chắc đã phát huy được vai trò tác dụng to lớn, song từ bỏ Nga chắc chắn sẽ khiến cho các kế hoạch lớn kể trên của mình bị ảnh hưởng. 

Thứ ba, Trung Quốc đang thực hiện chính sách ngoại giao “quan hệ nước lớn kiểu mới” và “chú ý đến lợi ích của cả hai bên”, chủ trương trong quan hệ các nước lớn không chỉ tôn trọng lẫn nhau mà còn ủng hộ lẫn nhau, không chỉ chú ý đến vấn đề tranh chấp lợi ích mà còn đến cả vấn đề đạo nghĩa. Khi Nga gặp khó khăn sẵn sàng giúp đỡ, chính là thể hiện lập trường ngoại giao kiểu mới của Trung Quốc, qua đó chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc không chỉ nói suông mà nói là làm được. 

Về phía Nga, có thể khẳng định Nga hoàn toàn hiểu rõ các ẩn ý của Trung Quốc. Phản ứng có phần thờ ơ của người phát ngôn Tổng thống Putin trước sự giúp đỡ của Trung Quốc cũng có thể diễn giải thành các ý sau đây: 

Thứ nhất, chí ít là đối với ông Putin, căn bệnh của nước Nga không nặng đến nỗi phải cuống lên đi tìm thầy thuốc, tình hình rốt cục vẫn cần phải xem xét lại, một số biện pháp tự cứu chữa còn chưa được sử dụng, ví dụ kêu gọi các doanh của Nga ở nước ngoài trở về đầu tư trong nước. Nếu như Trung Quốc vừa mới mở lời giúp đỡ, Nga lập tức chấp nhận, điều đó đồng nghĩa với việc lá bài tẩy của Nga đã bị lật và như vậy phương Tây sẽ càng chủ động tấn công. 

Thứ hai, đối với những tính toán của Trung Quốc, Nga đều biết rõ, nên không dễ dàng rơi vào bẫy. Mặc dù có thể mượn được tiền từ Trung Quốc, song sự báo đáp mà Trung Quốc yêu cầu là những lợi ích lâu dài. Xuất phát từ sự độc lập về chiến lược của mình, Nga thà va chạm với phương Tây còn hơn là vì sự khó khăn nhất thời mà chịu sự ràng buộc của Trung Quốc. Mặc dù kinh tế Nga ngày nay còn kém Trung Quốc một bậc, song vẫn họ vẫn là một nước lớn, việc phải chịu nhún nhịn vay tiền của “ông em” Trung Quốc quả không dễ chịu chút nào. 

Thứ ba, ngay cả khi Trung Quốc có giúp đỡ hết khả năng của mình, chưa chắc đã giúp Nga giải quyết được những khó khăn. Điểm mấu chốt của cuộc khủng hoảng kinh tế Nga chính là thất bại trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, họ quá phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và điểm yếu chết người này đã bị phương Tây đánh trúng, đây không đơn giản chỉ là vấn đề thiếu tiền, vì vậy ở giai đoạn này Nga không phải gặp ai cũng vay tiền. Đương nhiên, sự trợ giúp của Trung Quốc có thể giúp Nga giảm bớt cuộc khủng hoảng về tài chính, và đó cũng đang là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chủ động bày tỏ giúp đỡ, điều này đồng nghĩa với việc Nga có thể xem xét lựa chọn nhận sự giúp đỡ này khi tình cảnh bắt buộc. Qua đó có thể thấy những động thái của Nga-Trung mặc dù mỗi bên chỉ có một hai câu nói, song đã phơi bày toàn bộ những toan tính sâu xa của cả hai nước. 

Từ bây giờ, quan hệ Trung-Nga sẽ bước vào một giai đoạn nhạy cảm, xoay quanh việc Trung Quốc có giúp đỡ và Nga có nhận sự giúp đỡ của Trung Quốc hay không, hai bên đều sẽ có một số điều chỉnh trong quan hệ. Kết quả cuối cùng sẽ tạo ra ảnh hưởng to lớn đối với toàn bộ cục diện thế giới./.

Theo mạng Công thương  (Hongkong)

Duy Anh (gt)