Xung đột giữa một bên muốn duy trì là người nắm quy tắc cuộc chơi trong các mối quan hệ toàn cầu và một bên nổi lên đang muốn thay đổi và tạo ra quy tắc mới đã khiến Mỹ và Trung Quốc khó tìm được tiếng nói chung và kết quả là quan hệ hai nước được nhìn nhận sẽ tiếp tục ở vào trạng thái “đông giá” trong thời gian tới.

Ai là người có quyền lập ra các quy tắc?

Quy tắc là một kiểu ràng buộc mang tính quy cách có ảnh hưởng rộng rãi trong hệ thống quốc tế đương đại. Thông thường, một khi quy tắc được đưa ra, các nước thành viên bắt buộc phải tuân theo, nếu không sẽ bị trừng phạt. Quy tắc thực ra là các yếu tố mang tính cơ chế không thể thiếu nhằm duy trì trật tự thế giới diễn ra bình thường. Cũng chính vì vậy, việc tạo ra, lý giải và áp dụng các quy tắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong lý thuyết quan hệ quốc tế, những nước có vị trí ưu thế thường cố gắng giành quyền đề ra các quy tắc nhằm duy trì ưu thế của mình. Đối với hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, vị trí siêu cường duy nhất của Mỹ là không thể tranh cãi, mặc dù có không ít học giả cho rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm, do đó Mỹ vẫn tiếp tục nắm quyền đề ra các quy tắc. Tuy nhiên, trong Thông điệp liên bang năm 2015, Tổng thống Obama đã bày tỏ sự quan ngại đối với khả năng của Mỹ trong việc tiếp tục đề ra các quy tắc. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama đã cảnh báo: "Trung Quốc đang muốn lập ra các quy tắc ở khu vực được coi là phát triển năng động nhất trên thế giới (châu Á). Điều này mang lại bất lợi cho người lao động và doanh nghiệp của chúng ta. Tại sao chúng ta lại để cho những điều này có thể xảy ra? Chúng ta phải là những người viết ra các quy tắc, chúng ta phải là người đưa ra các quy tắc trò chơi”.

Phát biểu trên của ông Obama đã cho thấy một cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về quyền đưa ra quy tắc trò chơi. Đối với Mỹ, với tư cách là siêu cường duy nhất trên thế giới, họ đương nhiên có quyền đề ra các quy tắc. Đối với Trung Quốc, với tư cách là một cực mới nổi lên, họ tất nhiên muốn chống lại sự bá quyền của Mỹ. Nếu không phá vỡ sự trói buộc các quy tắc của Mỹ, Trung Quốc sẽ luôn phải phục tùng các quy tắc do Mỹ đề ra, chỉ khi không chịu ràng buộc bởi các quy tắc này họ mới có cơ hội trở thành người đề ra các quy tắc cuộc chơi.

Do đó, tham gia việc đề ra các quy tắc trò chơi, thậm chí giữa vai trò chủ đạo trong việc đề ra quy tắc trò chơi sẽ là một trở ngại mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình trỗi dậy. Từ lâu việc Trung Quốc cố gắng củng cố sức mạnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, thúc đẩy cơ chế năm nước trong nhóm các nước mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) được giới phân tích xem là động thái quan trọng cho thấy tham vọng của họ trong việc làm thay đổi trật tự ở khu vực, thậm chí là thế giới. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sau khi lên nắm quyền đã đẩy mạnh chiến lược “một vành đai, một con đường” cũng được giới phân tích lý giải là hành động nhằm xây dựng lại trật tự khu vực của Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Obama dường như đã nhận thức được xu hướng này, và do đó dành nhiều thời gian trong Thông điệp liên bang để bày tỏ sự lo lắng của mình. Ngoài ra, trong khi giới thiệu báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia 2015 ngày 6/2, ông Obama đã chỉ ra rằng nguy cơ xung đột và rủi ro về an ninh ở châu Á đang tăng lên. Là quốc gia châu Á-Thái Bình Dương lớn nhất nên Mỹ cần phải duy trì ổn định ở khu vực này. Mỹ hy vọng sẽ thiết lập một cơ chế mở, minh bạch để thúc đẩy tự do và bảo đảm các quyền lợi về thương mại. Qua đó có thể thấy Mỹ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để nắm quyền quyết định trong việc đề ra các nguyên tắc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không ngừng theo đuổi việc tạo ra một trật tự mới ở khu vực, chính vì vậy cuộc cạnh tranh về việc đưa ra các quy tắc ở khu vực, thậm chí toàn thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành một điểm quan trọng trong quá trình phát triển quan hệ Mỹ-Trung.

Ai đang uy hiếp ai?

Mặc dù “Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” không có gì mới, nhưng gần đây nó đã tạo ra một làn sóng mới ở Mỹ và người tạo làn sóng này chính là giới quân sự Mỹ. Ngày 4/2, tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter chỉ ra rằng Trung Quốc "chắc chắn đang cố gắng đe dọa, uy hiếp các nước láng giềng".

Ngày 28/1, Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ tổ chức một buổi điều trần trực tiếp đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách thiết bị quân sự và các vấn đề hậu cần, ông Kendall đã thẳng thắn chỉ ra rằng “tôi thấy các nước bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân sự, ít nhất là theo quan điểm của tôi, với mục đích muốn giành chiến thắng trước quân đội Mỹ, đánh bại lực lược quân đội viễn chinh tác chiến ở những nơi xa nước Mỹ".

Trước đó, trong phiên điều trần ngày 27/1, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Kelly Ayotte, người chủ trì phiên điều trần, cho biết: "Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang lợi dụng những thành tựu phát triển kinh tế của mình để đẩy mạnh phát triển quân sự, và dùng nó để uy hiếp các nước láng giềng, thách thức luật pháp quốc tế”.

Xem xét từ quan điểm của Mỹ, sự phát triển nhanh chóng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự mất cân bằng trong cơ cấu quân sự châu Á-Thái Bình Dương sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do hành động của Mỹ trong khu vực. Là một bên có lợi ích liên quan mật thiết đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần phải phát huy đầy đủ vai trò của mình trong việc duy trì cân bằng quân sự, nâng cao khả năng quân sự của các đồng minh cũng như tăng cường bố trí quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là việc làm cần thiết của Mỹ để đối phó kịp thời với những thay đổi trong cục diện quân sự ở khu vực này.

Đối với việc quân đội Mỹ thổi phồng các mối đe dọa và hành động uy hiếp, Trung Quốc tất nhiên phản ứng mạnh mẽ và có những cảnh giác cao độ. Chiến lược quay trở lại châu Á được Mỹ đưa ra năm 2010 và “chiến lược tái cân bằng sang châu Á” đưa ra năm 2011 đã chĩa mũi tên trực tiếp vào Trung Quốc. Mỹ gần đây còn đẩy nhanh việc bố trí quân sự ở khu vực, e rằng còn sử dụng quân sự để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ của Trung Quốc, Mỹ đang uy hiếp sự trỗi dậy của Trung Quốc, Trung Quốc cần phải nâng cao khả năng quân sự của mình, có sự chuẩn bị chu đáo trên tất cả các mặt. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc lên nắm quyền sau khi đã mạnh tay tuyên chiến với nạn tham nhũng, đã bắt đầu có những hành động đối phó với sự thay đổi tình hình quân sự ở khu vực châu Á, bao gồm đưa ra những yêu cầu mới đối với công tác huấn luyện thực địa, đóng thêm tàu sân bay và chế tạo thêm các loại vũ khí mới. Từ quan điểm của cả Mỹ và Trung Quốc, hai bên đều cho rằng hành động của đối phương tạo ra các mối đe dọa và cả hai đều có những biện pháp nhằm cải thiện sức mạnh quân sự để đối phó với những thay đổi của tình hình. Tuy nhiên, sự đối phó này lại tạo ra một vòng tuần hoàn ác tính chứa đựng nhiều rủi ro, và cũng là lĩnh vực cần phải được kiểm soát nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.

Ai là người bạn tốt?

Ngày 5/2, phát biểu tại bữa điểm tâm cầu nguyện quốc gia được tổ chức tại khách sạn Washington Hilton, Tổng thống Obama cho biết Đạtlai Lạtma là một người bạn tốt, và mô tả Đạtlai Lạtma là một tấm gương có sức thuyết phục mạnh mẽ về hiện thực và lòng từ bi. Cách nói về "người bạn tốt" của ông Obama ngay lập tức gây nên sự lên án mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Nếu Obama tin rằng Đạtlai Lạtma là một người bạn tốt, vậy thì một Trung Quốc đối lập chẳng phải là kẻ thù sao? Bởi theo lôgích kẻ thù của kẻ thù chính là bạn. Cách nói người bạn tốt của ông Obama quả thực là ẩn chứa hai ý nghĩa, tức vừa đề cao thân phận của Đạtlai Lạtma, đồng thời cũng có tác dụng nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc lấy tấm gương Đạtlai Lạtma không chỉ không cho thấy sự thông minh của Obama, ngược lại còn cho thấy người ta có cảm giác về sự kém cỏi của người đứng đầu nước Mỹ.

Nhìn chung, đây là một cuộc đối đầu Trung-Mỹ với việc Mỹ tung đòn trước còn Trung Quốc phản công. Các thủ đoạn tiếp theo của hai bên sẽ như thế nào còn rất khó dự đoán, song cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực đề ra các quy tắc trò chơi, trong lĩnh vực an ninh quân sự và môi trường ngoại giao sẽ vẫn là đặc trưng chủ yếu trong quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2015. Mặc dù mùa Xuân đã đến, nhưng quan hệ hai bên vẫn trong thời kỳ “băng giá” và chưa có dấu hiệu gì cho thấy hai bên có thể thoát khỏi trạng thái này./.

Theo Liên hợp Buổi sáng