Trái với những quan ngại tại New Delhi, Ban lãnh đạo Trung Quốc không có ý định chất vấn Ngoại trưởng Swaraj về những gì Ấn Độ cam kết với Mỹ. Cho dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về tương lai quan hệ Mỹ-Ấn, song trọng tâm hiện nay của họ là giảm mâu thuẫn với Ấn Độ và tìm tiếng nói chung giữa Bắc Kinh và New Delhi. Điều này không hẳn do Trung Quốc đã có quá nhiều vấn đề tại châu Á, đặc biệt là tại Đông Á, và những bất đồng khó giải quyết với Mỹ. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Tổng thống Obama, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: "Ấn Độ có quan hệ riêng với Mỹ, chúng tôi có quan hệ riêng của chúng tôi. Là người bạn tốt của Ấn Độ, chúng tôi muốn Ấn Độ kết bạn khắp nơi". Ông Vương Nghị đã nhấn mạnh cam kết của Bắc Kinh về việc mở rộng sự can dự hợp tác với chính phủ của Thủ tướng Modi . 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự hài lòng trước những tiến bộ trong quan hệ Trung-Ấn kể từ tháng 9/2014. Việc Ngoại trưởng Swaraj được đón tiếp nồng nhiệt tại Trung Quốc sẽ giúp Ấn Độ có cái nhìn xa hơn để New Delhi có thể đồng thời cải thiện quan hệ với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Mỹ, cũng như Trung Quốc, không yêu cầu Ấn Độ phải lựa một trong hai nước, do đó chính phủ của Thủ tướng Modi đang ở vị thế tốt để tăng cường hợp tác với cả hai nước và thúc đẩy sức mạnh quốc gia toàn diện của Ấn Độ. Đã đến lúc cộng đồng chiến lược Ấn Độ phải học cách loại bỏ thuyết "nhị phân" truyền thống khi thuyết trình về chính sách đối ngoại của mình.

Cũng không có lý do gì buộc Ấn Độ phải giữ khoảng cách ngang nhau với Mỹ và Trung Quốc. Có những vấn đề Ấn Độ cần gần gũi Mỹ hơn, chẳng hạn như khi tìm cách giảm căng thẳng tại Biển Đông. Về những vấn đề khác như chính sách không can thiệp vào công việc nội bội của các nước thứ ba, New Delhi cần ủng hộ Bắc Kinh. Sự mở rộng quan hệ hợp tác của Ấn Độ với Trung Quốc và Mỹ không có nghĩa là họ phải hợp tác tương xứng hoặc theo cùng nhịp độ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc có thể thích trở thành đối tác với Ấn Độ trong một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng, trong khi quan hệ đối tác với Mỹ là quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp dựa trên tri thức của Ấn Độ. 

Về an ninh, Mỹ là một thế lực ở xa, không có bất đồng trực tiếp với Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc là nước láng giềng lớn, với sức mạnh đang tăng lên nhanh chóng. Ấn Độ có những vấn đề lớn với Trung Quốc, trong đó có bất đồng biên giới căng thẳng và kéo dài. Quan hệ đối tác an ninh của Ấn Độ với Mỹ diễn biến một cách tự nhiên từ lô-gíc về địa chính trị. Tuy nhiên, quan hệ đối tác an ninh của New Delhi với Washington phát triển xa đến mức độ nào sẽ phụ thuộc vào sự đánh giá của Ấn Độ về nguy cơ an ninh từ Bắc Kinh. 

Trong chuyến thăm vừa qua, Ngoại trưởng Swaraj đã "nhấn đúng nút" khi đưa ra "Kế hoạch 6 Điểm" để phục hồi quan hệ Trung-Ấn. Trong đề xuất này, Ngoại trưởng Swaraj kêu gọi Trung Quốc có hướng đi thiên về hành động để có thể mở rộng quan hệ hợp tác song phương; tăng cường hội tụ về những vấn đề khu vực và toàn cầu; phát triển những lĩnh vực hợp tác mới, mở rộng thông tin chiến lược và xây dựng một thế kỷ châu Á. Bà Swaraj cam kết sẽ giải tỏa những quan ngại của người Trung Quốc về kinh doanh tại Ấn Độ đồng thời yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường lớn hơn cho hàng hóa của nước này. Bà cũng kêu gọi tăng cường tiếp xúc và giao lưu giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy hoạt động du lịch. Ngoại trưởng Swaraj đã ám chỉ về triển vọng Trung Quốc và Ấn Độ thăm dò các giải pháp mở để giải quyết tranh chấp biên giới. 

Bài viết của Tiến sĩ Raja Mohan, chuyên viên đặc biệt của Viện Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) đăng trên Báo "The Indian Express"

Duy Anh (gt)