Sau hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hồi tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện cho 3 nhà lãnh đạo Đông Nam Á và mời họ đến thăm Nhà Trắng. Trong số 3 nhà lãnh đạo này, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã nhận lời ngay lập tức, trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại tỏ ra thận trọng hơn. Trong khi công tác chuẩn bị cho chuyến thăm vào tháng tới đang được triển khai, quan hệ Thái Lan-Mỹ dường như đang có dịch chuyển. Sự cải thiện rõ ràng trong quan hệ đồng minh song phương mang đến những ích lợi lẫn nguy cơ và phải được xem xét trên cơ sở cân nhắc lợi ích quốc gia và vị thế riêng của Thái Lan. 

Để hiểu rõ lời mời qua điện thoại của ông Trump cần phải nhìn lại nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Barack Obama. Được tôn trọng vì uy tín quốc tế, Tổng thống Obama ủng hộ mạnh mẽ trật tự tự do toàn cầu dựa trên các nguyên tắc tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, nền tảng dẫn đến thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong hoạt động chống biến đổi khí hậu cũng như phi hạt nhân hóa. Ông Obama đã chủ trì và tham dự các cuộc hội nghị cấp cao với lãnh đạo ASEAN nhiều hơn bất kỳ Tổng thống Mỹ nào. Chiến lược xoay trục và tái cân bằng của ông cũng đã đặt Đông Nam Á làm trọng tâm do sự gần gũi cá nhân với khu vực mà ông đã trải qua phần lớn thời niên thiếu. 

Mỉa mai thay, trong những năm dưới thời Chính quyền Obama, có thể nói rằng Đông Nam Á đã bị "mất" về tay Trung Quốc. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã bồi đắp một chuỗi các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, xây dựng và đóng quân ở căn cứ quân sự trên nhiều hòn đảo khác. Mặc dù phán quyết của Tòa Trọng tài (La Hay) đã phủ nhận hoàn toàn các yêu sách biển của Trung Quốc, song rõ ràng Bắc Kinh đã có những gì họ muốn. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã xây dựng một chuỗi các đập ở thượng nguồn sông Mekong gây thiệt hại cho các cộng đồng sống ở hạ nguồn tại Campuchia và Việt Nam, hoàn toàn phớt lờ Ủy hội Sông Mekong, một định chế tiểu vùng có vai trò quản lý con sông này. Trung Quốc cũng khăng khăng xây dựng cơ chế của riêng mình, gọi là Hợp tác Lan Thương-Mekong. Phản ứng trong khu vực trước lối hành xử của Trung Quốc là sự dè dặt do thiếu vắng một đối trọng lớn và đủ tầm. 

Cùng lúc đó, sự nổi lên của các thể chế ở Đông Nam Á, từ Thái Lan, Campuchia cho tới Malaysia và Philippines, đã giúp Bắc Kinh hưởng lợi. Nhiều quốc gia có dấu hiệu ngả dần vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc, và điều này được thể hiện qua hàng loạt chuyến thăm Bắc Kinh của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. 

Chính quyền Trump luôn đặt vấn đề lợi ích là ưu tiên hàng đầu trong mọi mối quan hệ. Ông Trump đã tái định hướng chính sách xoay trục của Obama bằng cách lôi kéo các nhà lãnh đạo Đông Nam Á bất chấp hồ sơ nhân quyền của họ. Tổng thống Trump cũng ngỏ ý sẽ tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và gặp gỡ các nhà lãnh đạo ASEAN tại Manila vào tháng 11, một chặng dừng ngắn sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. 

Động cơ ban đầu cho những cuộc gọi của Mỹ là tập hợp các đồng minh như Bangkok và Manila và các đối tác như Singapore để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng đây cũng có thể được xem là sự phát triển của một chính sách tích cực hơn mà Mỹ triển khai trong khu vực. Thái Lan phải thận trọng và rõ ràng về những gì mà họ muốn đạt được trong chuyến thăm sắp tới. Sự hào hứng của Chính quyền Prayut khi đến Washington không được trở thành thứ làm mất giá trị của chính sách và vị thế chiến lược mà Thái Lan đang sở hữu là một nhân tố chủ chốt trong không gian ASEAN nhờ vào vị trí địa lý và sức mạnh tổng thể. 

Việc Thủ tướng Thái Lan được mời tới thăm Washington không nên được xem là một sự công nhận của Chính quyền Trump đối với giới chức đương nhiệm tại Bangkok. Chính quyền Obama đã đánh mất mọi thế mạnh trong quan hệ với Thái Lan khi khăng khăng nhấn mạnh tới yêu cầu tổ chức một cuộc bầu cử dân sự trước khi đề cập tới việc thúc đẩy các thỏa thuận song phương. Bangkok đã nghiêng hơn về Bắc Kinh do nhu cầu cần phải có được sự công nhận của một siêu cường. Sự lạnh nhạt trong quan hệ liên minh hiệp ước Thái-Mỹ bắt nguồn phần nhiều từ Washington hơn là từ Bangkok. 

Về phía Mỹ, việc tái can dự với Thái Lan là cần thiết bởi họ cần khôi phục vị thế và ảnh hưởng của mình. Phần lớn Đông Nam Á đều muốn Mỹ có sự "trở lại" tương xứng trong khu vực bởi họ không muốn rơi "hoàn toàn" vào quỹ đạo của Trung Quốc. Việt Nam đã mở đường bằng hoạt động ngoại giao cấp cao là chuyến thăm Washington gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thái Lan có lẽ cũng nên tiếp bước.

Tác giả là ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn. Bài viết đăng trên tờ “Bangkok Post”.

Mỹ Anh (gt)