Trước đây, căn cứ quân sự Subic cách thủ đô Manila 130 km về phía Tây Bắc từng là căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ tại châu Á, và cùng với căn cứ không quân Clark đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho lực lượng Mỹ. Sau khi được trao trả về cho Chính phủ Philíppin vào tháng 11/1992, căn cứ Subic sau đó đã được xây dựng thành một khu cảng thương mại tự do và đặc khu kinh tế cùng các dịch vụ du lịch. Sau khi Mỹ rút khỏi căn cứ này và cùng với sự phản đối của người dân địa phương, Hiệp định căn cứ giữa Mỹ và Philíppin cũng chấm dứt, đánh dấu sự xuống dốc trong quan hệ đồng minh và hợp tác quân sự hai nước. Ngay cả vào thời điểm hiện nay, người dân địa phương vẫn không thay đổi quan điểm phản đối và cho rằng khu vực này đang phát triển về kinh tế nên không cần có sự hiện diện của quân đội Mỹ. 

Tuy nhiên, có lẽ Philíppin cần thay đổi các chính sách với Mỹ trong bối cảnh tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc được xem là nguy cơ lớn nhất đe dọa an ninh quốc gia Đông Nam Á. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị và Khủng bố Philíppin (PIPVTR) Rommel C. Banlaoi cho rằng đã đến lúc phải khôi phục quan hệ đồng minh với Mỹ vì đây là mối quan hệ yếu kém nhất trong khu vực mặc dù đã có lịch sử 50 năm phát triển và cũng là để góp phần đối phó với nguy cơ Trung Quốc. Ông Banlaoi phân tích rằng Manila đang bị Oasinhtơn xem nhẹ vì Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Inđônêxia 24 máy bay chiến đấu F16 vào năm 2014 mặc dù hai nước chỉ có quan hệ đối tác chiến lược, trong khi Philíppin là đồng minh nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ phía Mỹ. Nhận định về sức mạnh quân sự của Philíppin, Giáo sư Renato Castro thuộc Đại học De La Salle, người có nhiều năm nghiên cứu về trang thiết bị quân sự, cho rằng sức mạnh quân sự nước này thuộc dạng yếu kém nhất trong khu vực và hoàn toàn không có những loại vũ khí hiện đại như tên lửa hay tàu ngầm. Sở dĩ như thế là vì Chính quyền Manila trong nhiều năm qua xây dựng quân đội để đối phó với những bất ổn chính trị trong nước nên chỉ tập trung ngân sách chủ yếu vào lực lượng Lục quân, với 85% ngân sách này là dành cho các chi phí về nhân sự. Do vậy, một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, sức chống trả của Philíppin gần như không có gì đáng nói. 

Giáo sư Castro cho biết Manila chỉ thay đổi suy nghĩ và tính tới việc tăng cường trang thiết bị quân sự kể từ đầu năm 2011 khi thực sự cảm nhận được nguy cơ đến từ Trung Quốc xung quanh các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia Banlaoi cũng cho rằng động thái này đi kèm theo một bất lợi là càng làm cho Bắc Kinh giận dữ và có các hành động cứng rắn hơn với Manila. Do đó, nhu cầu hợp tác quốc phòng với Mỹ lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, quân đội Mỹ lại đang rất mong muốn trở lại đóng quân tại đảo Palawan vì phía Tây Nam đảo này tiếp giáp với Biển Đông. Đây cũng là khu vực mà quân đội Philíppin có các căn cứ hải quân và không quân, và cũng từng diễn ra cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước vào tháng 10/2011. Tuy nhiên, việc đề xuất một hiệp định đóng quân tại đảo Palawan như với căn cứ Subic trước đây là điều gần như không thể vì sẽ đòi hỏi một khoản chi lớn trong bối cảnh Mỹ đang cắt giảm ngân sách và chắc chắn cũng sẽ vấp phải sự phản đối của dư luận Philíppin. Do vậy, khả năng lớn nhất có thể xảy ra là Mỹ sẽ đồn trú tại đây mà không cần có một hiệp định cho phép, tương tự như kiểu đóng quân tại Xinhgapo. Kể từ năm 1990, Mỹ đã được phép sử dụng các căn cứ quân sự tại Xinhgapo sau khi hai nước ký một thỏa thuận ghi nhớ. Mãi đến tận năm 2005, hai nước mới ký Hiệp định khung chiến lược và bắt đầu tăng cường hợp tác quốc phòng. Do vậy, Giáo sư Castro cho rằng Mỹ và Philíppin có thể tận dụng một số nội dung trong Hiệp định an ninh giữa hai nước để cho phép quân đội Mỹ triển khai tại Palawan trong thời gian tới.

 Theo “Sankei” (16/12)

Vũ Hiền (gt)