Với quyết định mới, về lý thuyết, từ nay New Delhi sẽ trở thành đồng minh gần gũi nhất của Mỹ giống như Anh trong lĩnh vực quốc phòng, khi Mỹ đồng ý chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Ấn Độ. Điều này là điểm chốt của vấn đề mà New Delhi và Washington đã quyết định, nhưng trên thực tế cho đến nay vẫn chưa triển khai. Hai bên còn cần làm một khối lượng lớn công việc nữa để đạt mục tiêu đề ra. 

Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng đã đề ra một chương trình đầy tham vọng, trong đó hai bên tiến tới xác định những cơ hội cụ thể cho các dự án hợp tác công nghệ và thiết bị quốc phòng hiện đại trong vòng một năm tới; hợp tác chuyển giao công nghệ, thương mại quốc phòng, cùng phối hợp nghiên cứu, phát triển, sản xuất thiết bị và dịch vụ quốc phòng, trong đó có sử dụng công nghệ tinh vi và hiện đại nhất. 

Tuy nhiên, hai bên sẽ phải tiến hành các thủ tục để cải thiện tiến trình cấp phép và cam kết bảo mật những công nghệ và thông tin nhạy cảm của nhau. Điều quan trọng là Mỹ đã bật đèn xanh cho ý định chiến lược xây dựng quan hệ đặc biệt với Ấn Độ. Ít người có thể phủ nhận tầm quan trọng của việc bảo mật công nghệ đối với Mỹ hoặc bất kỳ nước nào khác. Nga hiện cũng có quy định chặt chẽ về vấn đề này. Nhưng thay vì trói buộc Ấn Độ vào những thỏa thuận hiện hành như Hiệp định thư về An ninh và Trao đổi Thông tin (CISMOA), Mỹ nên có một hiệp định cụ thể mới dành cho Ấn Độ nhằm bảo mật công nghệ và thông tin nhạy cảm. Như một phần của tiến trình này, Mỹ đã tái khẳng định sự ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Ấn Độ trong bốn cơ chế kiểm soát xuất khẩu quốc tế đối với các lĩnh vực công nghệ cao trên thế giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để chia sẻ công nghệ. Hầu hết các đồng minh của Mỹ đều nằm trong những cơ chế này và sự tham gia của Ấn Độ sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chia sẻ và phát triển công nghệ bởi nhiều công ty trong lĩnh vực quốc phòng có các chi nhánh và chuỗi cung ứng tại các nước có quan hệ gần gũi với Mỹ. 

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với Mỹ là Ấn Độ thiếu khả năng đánh giá xác định những cơ hội mà Mỹ mời chào. Hiện tại các hệ thống mua sắm, thiết kế, phát triển và sản xuất quốc phòng của Ấn Độ vẫn cứng nhắc. Mỹ có thể đưa ra những lựa chọn tốt nhất nhưng Ấn Độ sẽ không chấp nhận. Do không có cuộc cải cách sâu sắc và bền vững trong các thể chế và tiến trình liên quan đến việc xác định ưu tiên về nhu cầu mua sắm thiết bị quốc phòng (thông qua nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước) nên giải pháp của Mỹ đối với Ấn Độ sẽ vẫn vô ích. 

Rõ ràng Mỹ muốn trói Ấn Độ vào những dự án cụ thể mà hai bên cùng cố gắng đạt được giống như dự án hợp tác phát triển tên lửa Brahmos giữa Ấn Độ và Nga. Tuy nhiên, không giống như trường hợp của Nga, nơi các dự án hợp tác do các công ty nhà nước tiến hành, Mỹ muốn lĩnh vực tư nhân, hoặc ít nhất lĩnh vực công của Ấn Độ sẽ phải hợp tác với một đối tác trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ. Một trong những lựa chọn dễ dàng hơn mà Mỹ đưa ra là hai nước cùng phối hợp phát triển các thế hệ tên lửa chống tăng Javelin; tiến tới có thể hợp tác sản xuất tàu sân bay và tàu ngầm. 

Trong vài năm qua, Bộ Quốc phòng Ấn Độ có vẻ lảng tránh sự liên kết với Mỹ. Ấn Độ đã tránh tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ, Australia và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc Ấn Độ vừa quyết định sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Bộ chỉ huy khu vực Thái Bình Dương của Mỹ đăng cai vào năm 2014 sẽ góp phần tăng cường lòng tin. Quan hệ “đối tác gần gũi nhất” giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển, song không nên ảo tưởng nó sẽ sánh ngang với quan hệ hiện nay giữa Anh và Mỹ; cũng không hy vọng mối quan hệ đó sẽ gần gũi như quan hệ mà Mỹ đã từng có với Pakistan.

Tác giả Manoj Joshi, ORF

Thuỳ Anh (gt)