Sau chuyến công du Nhật Bản và Trung Quốc vào tháng trước của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Jakarta đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á – Phi với sự hiện diện của lãnh đạo hai cường quốc châu Á. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cuộc gặp tại Jakarta và Bandung trong tuần này, sự đối đầu Trung -Nhật được bao phủ bởi các vấn đề lịch sử cũng như hiện đại. Những vấn đề này sẽ xác định các ưu tiên hiện nay của Indonesia trong các chính sách đối ngoại đối với hai người khổng lồ châu Á này.

Ông Tập Cận Bình khoác chiếc áo Thủ tướng Chu Ân Lai, người đã chinh phục được đám đông ở Bandung và Jakarta vào năm 1955 bởi kiên trì ủng hộ lập trường của Tổng thống Indonesia Sukarno chống thực dân mới, trong khi đồng thời tìm cách duy trì các nỗ lực của Sukarno thích nghi với sự trỗi dậy của Nhật Bản.

Chủ tịch Tập Cận Bình mang gánh nặng xử lý tình hình nội bộ ngày càng phức tạp của Trung Quốc, quan trọng nhất là kiềm chế nạn tham nhũng trong bộ máy quan liêu lan tràn không kiểm soát được ở các tỉnh thành. Thủ tướng Abe tìm cách duy trì sự phụ thuộc của Nhật Bản vào sự bảo vệ của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong khi cùng lúc theo đuổi chính sách đối ngoại tập trung nhiều hơn vào châu Á để xoa dịu dư luận Nhật Bản, nhằm tìm kiếm vai trò độc lập hơn trong cuộc chơi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Chính sách đối ngoại của Indonesia sẽ phải điều chỉnh khéo léo, cùng một thời điểm phải dàn xếp được tham vọng của Tập Cận Bình để làm hài hòa các ưu tiên chính trị và kinh tế trong nước với vai trò trong khu vực Đông Á mà không đe dọa đến sự cân bằng hiện tại của các lực lượng trong vùng Tây Thái Bình Dương. Vai trò của Tổng thống Joko Widodo ("Jokowi") như một nhà môi giới trung thực được thử nghiệm qua dịp kỷ niệm 60 năm tổ chức Hội nghị Á-Phi (AAC) ở Bandung.

Cam kết thực hiện chính sách đối ngoại kiên định, tập trung vào thực tế, giống như ông Tập Cận Bình và Abe, Jokowi cuối cùng cũng sẽ được đánh giá qua tài dẫn dắt vượt qua các vấn đề trong nước. Trong khi ông Tập Cận Bình đang chịu áp lực trong nước để quyết đoán hơn với chính sách phục thù người Nhật còn ông Abe đang chịu áp lực từ chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản muốn đất nước ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương, thì Jokowi đang chịu sức ép từ các thành phần cực hữu trong đảng Dân chủ Indonesia Đấu tranh (PDI-P), những người muốn ông phải quyết đoán hơn, đưa chủ nghĩa dân túy Sukarno vào chính sách kinh tế tài chính của Indonesia.

Đối với ông Jokowi, Hội nghị Thượng đỉnh AAC lần này được tiếp nối sau chuyến công du Tokyo và Bắc Kinh để tăng cường quan hệ giữa Jakarta với các đối tác thương mại lâu đời của mình ở châu Á. Đây là thời điểm thuận lợi để Jokowi đưa ra các câu hỏi về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và đã giành được sự ủng hộ của nhiều nước.

Trong khi các nền kinh tế lớn như Anh, Đức và Pháp đã đồng ý tham gia AIIB, Nhật Bản, quốc gia chi phối Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Mỹ, nước chi phối Ngân hàng Thế giới (WB), đã bày tỏ sự thận trọng với AIIB. Ông Jokowi cũng có thể yêu cầu Abe thực hiện cam kết của Nhật Bản hỗ trợ các tỉnh ngoài Java để tái cân bằng nền kinh tế Indonesia, cứu Indonesia khỏi sự bất bình đẳng và phân hóa.

Theo “Bưu điện Jakarta

Hương Trà (gt)