Học giả người Mỹ David Shambaugh gọi kiểu trạng thái này là "cạnh tranh hợp tác". Về mặt tư duy từ ngữ, cạnh tranh hợp tác chính là sự kết hợp giữa hai từ cạnh tranh và hợp tác. Song trên thực tế, hàm ý cụm từ này có ý nghĩa sâu xa hơn, trong đó "cạnh tranh" vẫn là chủ đạo còn "hợp tác" rốt cục vẫn là một kiểu biểu hiện của cạnh tranh. Điểm khác biệt lớn nhất của hình thái mới này so trước kia nằm ở chỗ: về lâu dài cạnh tranh chiếm vị trí chủ đạo, không gian hợp tác ngày càng bị thu hẹp và cuối cùng có thể dẫn tới xung đột, phá vỡ trạng thái phát triển "đấu mà không vỡ" trong quan hệ Mỹ-Trung. 

Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, sự thay đổi đáng kể nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao chính là tính chủ động được đặt lên trên, điều này được thể hiện rất rõ trong quan hệ Mỹ-Trung. Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Tập Cận Bình hồi năm 2013, Trung Quốc lần đầu tiên chủ động đề xuất xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Mỹ. Hạt nhân của mối quan hệ kiểu mới này nằm ở chỗ không gây xung đột, không đối kháng, nhấn mạnh tới sự hợp tác cùng thắng, thu được lợi ích tuyệt đối. 

Nếu quan sát tình hình chính trị Trung Quốc, không khó để nhận ra rằng quan hệ nước lớn kiểu mới do Trung Quốc đề xuất chính là "sản phẩm mở rộng" của khái niệm xây dựng xã hội hài hòa trong nội bộ nước này. Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ hài hòa Mỹ-Trung có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực như hệ thống tổ chức nhà nước, hình thái ý thức, quan niệm giá trị, thực lực quốc gia, thì cả Mỹ và Trung Quốc đều có sự khác biệt. Về mối liên hệ lịch sử và văn hóa, Mỹ và Trung Quốc cũng có rất ít điểm chung. 

Những sự khác biệt này chính là trở ngại lớn cho việc xây dựng mối quan hệ ổn định Mỹ-Trung. Nếu xét từ góc độ xây dựng quan hệ hài hòa Mỹ-Trung, mặc dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt song điều đó không có nghĩa hai nước không thể xây dựng quan hệ ổn định. Nếu tôn trọng sự khác biệt văn hóa của nhau, cả Washington và Bắc Kinh vẫn có thể xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới nhấn mạnh tới tính hài hòa và không xung đột. 

Ý tưởng xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới của Trung Quốc xem ra là rất tốt, song lại thiếu các nội dung mang tính thực chất và cách thức thực hiện cụ thể - khiến Mỹ không hào hứng. Điều quan trọng, so với kiểu tư duy thực dụng và nhấn mạnh đến sự khác biệt, kiểu quan hệ chú trọng tính thống nhất và hài hòa này của Trung Quốc lại khiến cho Mỹ cảm thấy hoài nghi. Suốt thời gian dài trong mô hình phát triển quan hệ Mỹ-Trung do Mỹ chi phối, Trung Quốc trong rất nhiều trường hợp phải ứng phó một cách bị động. 

Sau một thời gian tăng cường các cuộc thảo luận về kiểu quan hệ mới này trong nội bộ nước Mỹ, đến nay các cuộc thảo luận bắt đầu trùng xuống rất nhanh và thay vào đó là các cuộc tranh cãi. Kiểu tranh cãi này khiến cho mặt cạnh tranh trong quan hệ Mỹ-Trung ngày càng mở rộng và mặt hợp tác ngày càng thu hẹp. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, vốn được xem là nền tảng của quan hệ Mỹ-Trung, những chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc ngày càng nhiều. Việc Trung Quốc khởi xướng xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) bị Mỹ xem như Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng lại trật tự khu vực là một ví dụ rõ nét. Rõ ràng hình thái mới cạnh tranh hợp tác trong quan hệ Mỹ-Trung này hoàn toàn khác với quan hệ nước lớn kiểu mới dựa trên tư tưởng hài hòa mà Trung Quốc đưa ra. 

Nếu tính từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Tập Cận Bình hồi tháng 6/2013, mô hình cạnh tranh hợp tác đã chi phối quan hệ Mỹ-Trung suốt 2 năm qua. Trong thời gian này, Mỹ-Trung đã xảy ra va chạm trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự. Đặc biệt, tranh cãi của hai bên trong lĩnh vực quân sự là rất nổi bật. 

Mới đây, quan chức chính phủ và quân đội hai nước đã có một loạt cuộc tiếp xúc. Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới và đây được xem là cơ hội tốt để hai bên vượt qua các trở ngại trong trạng thái bình thường mới.

Theo báo "Liên Hợp buổi sáng"

Thùy Anh (gt)