Hỏi:Trong bài phát biểu của mình, giáo sư có gợi ý về việc cần tăng cường và mở rộng cấu trúc an ninh khu vực. Và thực tế hiện nay đang có một xu hướng là mở rộng và có sự tham gia của Mỹ trong một cơ chế hợp tác xuyên Thái Bình Dương. Vậy liệu Mỹ tham gia vào khu vực này, thì về quốc phòng an ninh, đối với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, có lợi gì? Vì có 2 sự kiện lịch sử như sau: thứ nhất là năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, khi đó quân đội Việt Nam Cộng hòa – đồng minh của Mỹ - đang chiếm giữ, Hạm đội 7 của Mỹ đang ở Thái Bình Dương, nhận được lời kêu cứu của Việt Nam Cộng hòa, nhưng không có hành động nào; thứ hai, cách đây mấy năm, tàu chiến của Trung Quốc có va chạm với lực lượng của Philippin – đồng minh của Mỹ - nhưng Mỹ cũng không có hành động can thiệp nào.

Trả lời:Bối cảnh năm 1974 hoàn toàn khác với hiện tại. Khi đó, quân đội Mỹ đang rút khỏi Việt Nam và chính sách của Mỹ thời điểm này có thiên hướng tăng cường hợp tác với Trung Quốc (Nixon đã đến thăm Trung Quốc trước đó một thời gian). Vì vậy, Mỹ không muốn có một cuộc chiến với xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng hiện nay, chúng ta đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác. Đối với trường hợp Philippin, tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ tại thời điểm đó Mỹ đang bị phân tâm vì nhiều vấn đề khác như Iraq, Ahghnistan…và chưa để tâm đến những gì đang diễn ra tại châu Á. Bởi vậy tôi cho rằng, không thể đơn thuần dựa vào những sự kiện lịch sử đã qua để dự đoán về những gì mà Mỹ có thể làm tại khu vực này trong tương lai.

Hỏi:Hiện nay, xu hướng trên thế giới là các nước ngày càng phụ thuộc vào nhau, như giáo sư đã nêu. Quan điểm của chúng tôi là các nước vừa là đối tượng, vừa là đối tác, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Tôi nghĩ Trung Quốc và Mỹ cũng như vậy. Hai nước cũng đang chuẩn bị nhiều chuyến thăm cấp cao để tìm kiếm hợp tác. Hiện nay, Trung Quốc đang đòi 80 % diện tích Biển Đông là thuộc chủ quyền Trung Quốc, và điều này ảnh hưởng tới chủ quyền của các nước khác trong khu vực. Như tôi được biết, Mỹ và Trung Quốc đã bàn nhau phân chia quản lý an ninh trên Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông. Vậy lợi ích của Mỹ và Trung Quốc liệu có làm phương hại tới  lợi ích của các nước ở khu vực hay không?

Trả lời:Tôi cho rằng quan điểm của chính phủ Mỹ về vấn đề này rất rõ ràng. Mỹ luôn quan niệm rằng vấn đề chia sẻ lợi ích ở Biển Đông cần phải được chính các nước liên quan trong khu vực này bàn bạc, thảo luận và thỏa thuận. Trung Quốc không thể tự mình định đoạt mọi việc. Nếu Trung Quốc, Việt Nam, Philippin và các nước đưa ra được một thỏa thuận cuối cùng một cách hoàn toàn tự nguyện thì Mỹ sẽ rất ủng hộ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu Trung Quốc áp đặt ý chí của mình lên các nước khác thì Mỹ sẽ có biện pháp giúp đỡ, ủng hộ các nước này. Và tôi tin rằng đó là những điều Nhà Trắng sẽ thực hiện.

Hỏi: Theo như giáo sư phân tích, cuộc đối đầu Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Về so sánh  tương quan lực lượng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, rõ ràng Mỹ mạnh hơn Trung Quốc rất nhiều. Vậy tại sao Mỹ không dùng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề Trung Quốc sớm?

Trả lời:Tôi nghĩ có nhiều lý do liên quan đến vấn đề này.

Như các vị cũng biết, chiến tranh xảy ra ở châu Á sẽ là một thảm họa cho nhiều nước, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực. Và điều này sẽ khiến Mỹ bị suy giảm ảnh hưởng tại châu Á một cách nghiêm trọng. Thứ hai, Trung Quốc là một nước lớn. Cho dù quân đội Mỹ có mạnh đến đâu thì cũng chỉ có thể làm suy yếu Trung Quốc chứ không thể phá hủy được đất nước này. Vì vậy, việc tấn công Trung Quốc không khả thi lắm.

Và một vấn đề nữa – một bài học rút ra từ Iraq – tấn công và đánh bại Iraq là chuyện đơn giản nhưng việc duy trì và quản lý đất nước này thời hậu chiến mới thực sự là thử thách to lớn. Bismarck (Đức) có một câu nói nổi tiếng “ Chiến tranh phòng ngừa không khác gì tự tử, bởi lẽ bạn đang lo sợ về thời gian”. Đó cũng là suy nghĩ của tôi về chiến tranh phòng ngừa.

Vì vậy, Mỹ sẽ có những hành động nhằm bảo vệ lợi ích của mình, nhưng Mỹ sẽ tránh kích động một cuộc chiến với Trung Quốc.

Đọc toàn bộ nội dung cuộc thảo luận tại đây

Văn Cường

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)