Từ kinh nghiệm và bài học cho thấy kể từ hơn 30 năm cải cách mở cửa trở lại đây, muốn quan sát đánh giá Trung Quốc nhất định phải nắm chắc 3 yếu tố quan trọng sau: Tình hình kinh tế trong nước; môi trường chính trị trong nước và quan hệ Mỹ-Trung.

Quan hệ Mỹ-Trung giống như chiếc hàn thử biểu đối với sự phát triển của Trung Quốc: khi quan hệ Mỹ-Trung tương đối ổn định, tình hình nội bộ của Trung Quốc nói chung cũng ổn định, hoặc Mỹ phải đối phó với mối đe dọa khác nên sự chú ý vào Trung Quốc bị phân tán; khi mối quan hệ Mỹ-Trung tương đối sóng gió, nội bộ Trung Quốc rất có nguy cơ xảy ra khủng hoảng, hoặc Mỹ cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích và an ninh của mình. 

Quan hệ Mỹ-Trung kể từ sau khi Tổng thống Obama thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á" năm 2010 đã trải qua giai đoạn thử thách và biến động mạnh mẽ sau khi xảy ra một loạt các sự kiện - tranh chấp ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến nửa đầu năm 2014; Trung Quốc thành lập một "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ); Mỹ công khai phát lệnh truy nã đối với 5 sĩ quan tình báo quân đội Trung Quốc; xung đột gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở khu vực Biển Đông. 

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2014, tình hình đã bắt đầu thay đổi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi đó đã nói với Tổng thống Obama rằng: "Lịch sử đã nhiều lần chứng minh, chỉ cần Trung Quốc duy trì tình trạng thống nhất, đất nước sẽ thịnh vượng, hòa bình, ổn định, và người dân sẽ được hạnh phúc, bình yên. Một khi đất nước hỗn loạn, đất nước sẽ rơi vào tình trạng chia cắt, cảnh lầm than của người dân sẽ trở nên nghiêm trọng". Tuy nhiên, ông Obama khi đó có vẻ không hiểu hết những ẩn ý của ông Tập Cận Bình. 

Một tháng sau đó, vào giữa tháng 12/2014, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Dương thăm Mỹ. Tại Diễn đàn Kinh tế Trung-Mỹ, ông Uông Dương đã công khai nói rằng: "Mỹ-Trung là đối tác kinh tế toàn cầu, nhưng người lãnh đạo thế giới là Mỹ. Trung Quốc không có ý định và cũng không có khả năng thách thức vị trí của Mỹ". Ông này cũng cho biết: "Trung Quốc sẵn sàng tham gia hệ thống quy tắc do Mỹ dẫn đầu, hy vọng (Trung Quốc) sẽ đóng vai trò mang tính xây dựng trong đó". Và lần này chính quyền Mỹ có vẻ đã hiểu được "nguyện vọng" của Trung Quốc. Cuối tháng 1/2015, Tổng thống Mỹ Obama trong lần trả lời báo giới đã cho biết: "Một Trung Quốc bất ổn, nghèo đói và phân chia là mối nguy hiểm đối với chúng tôi, chỉ cần Trung Quốc 'làm tốt' đã là một việc quá tốt đối với chúng tôi". Sau đó, Quốc hội Mỹ lên án hành động kéo cờ của đại diện Đài Loan ở Mỹ, và Trung Quốc cũng bất ngờ có thái độ đã xem nhẹ chuyến thăm của Dalai Lama tới Mỹ.

Đến tháng 2/2015, giới chức Mỹ và Trung Quốc đồng thời thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận lời mời của Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm chính thức tới Mỹ vào tháng 9 tới. Chuyến thăm cho thấy ý đồ rõ ràng của hai nước trong việc đưa mối quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2015 đi vào ổn định. 

Quan hệ Mỹ-Trung gần đây đi vào xu hướng cân bằng ổn định đã cho thấy rõ một số vấn đề. Đầu tiên, về mối lo lắng nhất của Washington là sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức lợi ích và an ninh Mỹ, quan chức Trung Quốc đã chính thức thông báo không có ý tranh bá với Mỹ nên đã khiến nước này cảm thấy an lòng. Thứ hai, Mỹ cũng luôn lo lắng về sự "yếu thế" của lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, không kiểm soát được thái độ và hành động cứng rắn chống Mỹ của lực lượng cấp tiến trong nội bộ, đặc biệt là phe cánh diều hâu trong quân đội.

Tuy nhiên, hiện có thể thấy rằng Mỹ đã có thêm niềm tin đối với quyền lực của Tập Cận Bình, có thể yên tâm "kết bạn" với Trung Quốc. Thứ ba, từ góc độ về ý thức hệ, Mỹ hy vọng Trung Quốc cũng trở thành một "quốc gia tự do". Nhưng từ góc độ an ninh và lợi ích địa chính trị, Mỹ cũng lại hy vọng Trung Quốc chí ít duy trì dược sự phát triển ổn định thống nhất, nếu không có thể mang lại khủng hoảng sâu sắc cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn thế giới. 

"Tôi không thách thức bạn, bạn cũng đừng phạm tôi" trên thực tế là phương châm sách lược đối với Mỹ mà giới lãnh đạo từ thời Đặng Tiểu Bình tới nay luôn theo đuổi. Nhưng vấn đề ban đầu trong quan hệ Trung-Mỹ là sự so sánh lực lượng quá chênh lệch giữa hai bên, Mỹ đôi lúc không chú ý đã "phạm" đến Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng với thực lực đất nước không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc có vẻ cuối cùng cũng có cơ hội đạt được trạng thái cân bằng mới trong quan hệ với Mỹ. Trong khi đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS ở Trung Đông cũng đã khiến sức chú ý của Mỹ bị phân tán; nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ khiến cho sự tự tin của Mỹ tăng lên, do đó các mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng giảm bớt. 

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rõ rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Trung xuất hiện trạng thái cân bằng ổn định mới, song sự đối lập và mâu thuẫn nội tại giữa hai bên vẫn còn tồn tại. Giới lãnh đạo Trung Quốc đương nhiên không cần phải dựa vào mong muốn của Mỹ để hành động, song họ cần phải có khả năng nhận biết xu hướng của thời đại, nguyện vọng của người dân; bất kỳ sự do dự nào, thậm chí là có các hành động đi ngược lại, đều không có hy vọng tồn tại, và cũng rất khó nắm quyền chủ động trong phát triển quan hệ Mỹ-Trung.

Theo Liên hiệp Buổi sáng

Hoàng Lan (gt)