Quan hệ Mỹ- Trung chắc chắn là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Việc quản lý thành công mối quan hệ này sẽ đem lại hòa bình và thịnh vượng không chỉ cho khu vực châu Á mà còn cho cả thế giới. Tuy nhiên, sáng kiến thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc dường như đang đe dọa lợi ích của Mỹ tại khu vực. Vậy, AIIB có thể khiến Mỹ chệch hướng trong quan hệ với Trung Quốc?

Có nhiều người lo ngại quan hệ Mỹ- Trung sẽ “biến thành tro bụi” trong bối cảnh hai bên tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, công bằng mà nói quan hệ Mỹ- Trung đến nay đã được quản lý khá tốt. Những mẫu thuẫn, khó khăn phản ảnh mối quan hệ giữa một bên coi trọng kinh tế, dân chủ và một bên độc đảng cầm quyền đã được xử lý khéo léo. Việc nắm bắt cơ hội chiến lược - về biến đổi khí hậu, quản lý cân bằng trong các đồng minh Châu Á phức tạp của Mỹ và lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc trong khu vực Châu Á - đã chi phối cách quản lý của mỗi bên.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình tại California năm 2013, ông Tập Cận Bình đã đạt được một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy quan hệ với Washington lên một cấp độ mới. Đây có thể là bước khởi đầu hướng tới các quá trình can dự dày đặc và tạo điều kiện thuận lợi để hai bên thực hiện những điều đúng đắn, cần phải làm. Có rất nhiều điều thuận lợi cả về kinh tế và chiến lược trong quan hệ Mỹ- Trung. Đối với cả hai quốc gia này, quan hệ song phương là quan trọng nhất. Hiện nay, còn quá sớm để định hình một mối quan hệ song phương được quản lý và cơ cấu chặt chẽ hơn giữa hai nước giống như mối quan hệ liên minh và cũng khó có thể nhìn thấy những bất ngờ giữa hai nước phát triển những đặc tính quan trọng của một đối tác liên minh. Tất nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tự nhận thấy rằng quan hệ với Mỹ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Việc Mỹ phản ứng vụng về trước sáng kiến của Trung Quốc thành lập AIIB khi gây áp lực không cho các đồng minh tham gia AIIB có thể là dấu hiệu đi xuống trong cách quản lý quan hệ Trung Quốc của Mỹ. Thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên quan trọng ở châu Á và Thái Bình Dương. Việc giải quyết 8 nghìn tỷ USD thiếu hụt mà theo ước tính của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực là rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của các nền kinh tế khu vực thông qua kết nối và hội nhập sâu hơn cũng như vai trò của các nền kinh tế này như là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới.

Nhưng quy mô tài trợ thông qua các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng thế giới đã giảm mạnh trong những năm gần đây và rõ ràng để khắc phục thiếu hụt lớn trong đầu tư cơ sở hạ tầng thì phải lấy từ nguồn tiền dự trữ của Châu Á. Và chính Trung Quốc đã tăng vốn cho các thể chế tài chính hiện nay để lấp khoảng trống này. Trong bối cảnh này, AIIB - đã được đưa ra thảo luận trong Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Indonesia năm 2013 và chính thức được Trung Quốc công bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào năm ngoái - là một sáng kiến hoàn toàn được hoan nghênh. Các ngân hàng phát triển đa phương hiện nay được tạo ra để làm giảm chi phí giao dịch của các dự án phát triển, cũng như giảm bớt những rủi ro của các khoản đầu tư. Tuy nhiên, những ngân hàng này hầu như không có đóng góp đáng kể nào cho sự tài trợ đầu tư để nâng cấp hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng kinh tế thiết yếu, một phần do năng lực tài chính của họ bị hạn chế.

Trung Quốc đã có các chương trình lớn tài trợ phát triển song phương. Người Trung Quốc có thể đơn phương tài trợ bất cứ dự án phát triển cơ sở hạ tầng nào họ muốn, nhưng họ phải lựa chọn đối tác đa phương trong sáng kiến này. Đề nghị thành lập AIIB hoàn toàn khác so với nguồn tài trợ phát triển song phương: nó mở cho bất kỳ chính phủ hay nhà đầu tư cá nhân nào muốn đóng góp tài chính; người tham gia sẽ quyết định sự quản lý và các hoạt động của nó; AIIB được thiết kế để thu hẹp khoảng cách trong cơ sở hạ tầng kinh tế của khu vực. Do vậy, chẳng có lý do gì mà các đối tác toàn cầu của Trung Quốc lại không tham gia: các nước châu Âu đã ký kết tham gia; Úc gần như chắc chắn sẽ tham gia; Nhật Bản và Mỹ cũng nên tham gia.

Theo “East Asia Forum

Mỹ Anh (gt)