Mối quan hệ của Mỹ với mỗi quốc gia trong khu vực đều rất quan trọng và đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải có sự quan tâm thích hợp, nhưng không mối quan hệ song phương nào có thể thành công nếu Oasinhtơn không quản lý mối quan hệ của Oasinhtơn với Bắc Kinh một cách khôn ngoan. Các thách thức lớn nhất đang đặt ra cho mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc như: thiếu niềm tin nghiêm trọng, các căng thẳng khu vực do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như nhiều trở ngại trong nội bộ Mỹ và Trung Quốc... tất cả có tác động vượt ra ngoài lĩnh vực song phương. Chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Oasinhtơn nên có sự ổn định cơ bản và hệ thống quy tắc ràng buộc nhằm đạt được thành công ngày càng tăng cho các nước lớn cũng như nhỏ trong nhiều thập kỷ, đồng thời ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc ngày càng quan trọng và có tiếng nói trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chính quyền Barack Obama đã tìm cách tái cân bằng chính sách của Mỹ đối với châu Á từ giữa năm 2011. Tái cân bằng, hoặc "Trở lại châu Á", thường được mô tả bằng các từ ngữ quân sự hoặc an ninh, khi Mỹ chuyển trọng tâm và các nguồn lực từ các cuộc chiến tranh ở Irắc và Ápganixtan trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương - nơi Mỹ có các lợi ích kinh tế và an ninh lớn hơn.

Nhưng có nhiều sự kiện bất ngờ làm phức tạp tình hình khu vực: căng thẳng ngày càng tăng giữa Philíppin và Trung Quốc cũng như giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông; căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông và giữa Nhật Bản và Hàn Quốc do các tuyên bố tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Thực tế, Chính phủ Mỹ bị lúng túng khi các tranh chấp gây căng thẳng hơn nữa cho mối quan hệ Trung-Mỹ. Chính quyền Obama đối mặt với một loạt quyết định được đánh giá là các ưu tiên tương đối thấp so với tình hình nội bộ Mỹ, nhưng chúng có thể rất quan trọng cho các mối quan hệ của hai cường quốc và tương lai của nền kinh tế Mỹ nếu không được quản lý tốt. Nếu Bắc Kinh và Oasinhtơn không quản lý được những khác biệt thực tế của hai nước, hậu quả và tổn thất sẽ rất nghiêm trọng. Hai bên sẽ sử dụng các lĩnh vực của mối quan hệ để giải quyết, ngăn chặn hoặc đánh bại các mối đe dọa do những sự khác biệt có thể tạo nên. 

Chính quyền Obama cần xác định đúng vị trí của mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ trong chính sách đối ngoại. Đây không phải một tiến trình hai giai đoạn mà chỉ có một giai đoạn gồm nhiều nhân tố phức tạp, mở đầu bằng việc xây dựng các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế Mỹ. Việc khôi phục tính cạnh tranh của Mỹ đòi hỏi Chính quyền Obama phải chấm dứt các tuyên bố kích động và thực hiện một chiến lược cụ thể để biến sự hồi sinh của Mỹ thành hiện thực. Điều này sẽ được thúc đẩy nếu đồ thị tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Trung Quốc vấp phải những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp mà các nước khác đi theo mô hình phát triển của Trung Quốc đã vấp phải sau giai đoạn cất cánh ban đầu.

Kế hoạch tiến về phía trước của Tổng thống Obama có quy mô chính trị, kinh tế và quân sự. Trên lĩnh vực chính trị, Chính quyền mới được tái cử của Mỹ sẽ quan hệ với một đội ngũ lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Những sự phối hợp hành động đầu tiên giữa hai chính phủ sẽ là biểu tượng và dấu hiệu cho thấy phương hướng mà các nhà lãnh đạo mới có thể tìm cách thúc đẩy. Nhưng hiện nay đang có sự mất lòng tin rất lớn giữa hai dân tộc, đặc biệt trong quân đội Mỹ và Trung Quốc. Nội các của Tổng thống Obama sẽ được hưởng lợi nếu có ít nhất một hoặc hai quan chức có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc lựa chọn các quan chức chỉ huy lực lượng vũ trang của Mỹ là vấn đề phức tạp, nhưng đưa thêm phẩm chất và kinh nghiệm hoạt động ở châu Á vào các vị trí nhất định là cần thiết. Duy trì và đẩy mạnh phối hợp hoạt động quân sự có thể giúp Mỹ và Trung Quốc hiểu nhau hơn và hy vọng cải thiện thông tin liên lạc để giảm bớt những hiểu lầm lẫn nhau. Theo quan điểm của Mỹ, hiện nay Trung Quốc đạt được khả năng quân sự rất lớn, đặc biệt trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, do đó quân đội Trung Quốc sẽ thách thức và buộc quân đội Mỹ cũng như các đối tác phải điều chỉnh học thuyết và chiến lược. Nhưng Oasinhtơn cần nhanh chóng từ bỏ mọi tuyên bố Trung Quốc thao túng tiền tệ. Trên thực tế, thặng dư thương mại của Trung Quốc chiếm 10% GDP năm 2009, nhưng hiện nay giảm xuống mức bình thường 2%. Do đó, tiền tệ không còn là vấn đề để Mỹ phải quan tâm. Trái lại, Mỹ có những vấn đề thương mại khác phải giải quyết với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác trong khu vực. Hiện nay công việc kinh doanh của Mỹ đang phát triển ở Trung Quốc - nước đối tác thương mại lớn thứ hai và địa chỉ xuất khẩu tăng nhanh nhất của Mỹ. Khi tìm cách khôi phục tính năng động kinh tế ở trong nước, Mỹ không được phép quên những thực tiễn này. 

Hơn nữa, Trung Quốc bắt đầu cam kết đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, từ đó có thể mang lại các lợi ích cho người lao động Mỹ. Các quan chức của Chính phủ Mỹ sẽ bị dư luận yêu cầu xem xét các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc và các tác động của chúng đối với an ninh quốc gia. Vấn đề đặt ra là những đánh giá đó của Mỹ càng minh bạch càng tốt và không tạo ra những tín hiệu sai lầm cho rằng Mỹ không nên hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc. Điều đó sẽ không phù hợp với các ưu tiên kinh tế quốc gia cũng như truyền thống chào đón và hưởng lợi từ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ để từ đó có thể dẫn đến những hạn chế của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư Mỹ. Rõ ràng mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc là quá lớn và phức tạp đến mức không thể dễ dàng phát triển thành đối đầu. Nhưng Trung Quốc và Mỹ có các mối quan tâm chung về hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và quốc tế và phải tìm kiếm các biện pháp để hợp tác và tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Trong cuộc tranh luận cuối cùng của chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ trên truyền hình tháng 11/2012, ứng cử viên Obama lần đầu tiên nhắc đến Trung Quốc như một "kẻ thù". Trái lại, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy một khái niệm mới mà ông gọi là "kiểu quan hệ cường quốc mới", nghĩa là tìm kiếm một con đường để cường quốc đang lên và cường quốc hiện tại tránh xung đột. Do đó, Tổng thống Obama nên tìm kiếm cơ hội trong đầu năm nay để hiểu rõ những suy nghĩ của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhằm giúp mong muốn của ông trở thành hiện thực. Cuộc gặp đầu tiên theo kế hoạch của hai nhà lãnh đạo sẽ không diễn ra cho đến khi hội nghị thượng đỉnh G-20 trong năm 2013 được tổ chức. Trước những thách thức đang nổi lên giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn, Tổng thống Obama nên phá lệ và mời ông Tập Cận Bình đến thăm Mỹ để thảo luận các vấn đề liên quan đến nhiệm kỳ mới của họ. Lời đề nghị đó sẽ được dư luận đánh giá là dấu hiệu thể hiện sức mạnh chứ không phải sự yếu kém và là sự tôn trọng đối tác Trung Quốc của Tổng thống Mỹ để tạo cơ sở quản lý những thách thức sắp tới trong quan hệ hai nước. 

Nhà phân tích Douglas H.Paal, Phó Chủ tịch phụ trách Nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, ông Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu. Bài viết được đăng trên Carnegie Endowment.

Văn Cường (gt)