Ngoại trưởng Hillary Clinton, người nhiệt tình hàng đầu trong chính sách can dự của chính quyền Obama với Ấn Độ, sẽ sớm từ chức. Theo nhận định của một số nhà phân tích, người kế nhiệm của bà - Thượng nghị sĩ John Kerry - kém nồng ấm với Ấn Độ hơn và có thái độ “mềm đối với Pakixtan”. Những vấn đề trên không tác động nhiều đến cách hành xử về ngoại giao của Ấn Độ, song không thể phủ nhận những mối lo ngại tại Niu Đêli rằng Mỹ có thể đưa ra quá nhiều nhân nhượng đối với quân đội Pakixtan và Taliban khi Oasinhtơn chuẩn bị chấm dứt vai trò chiến đấu tại Ápganixtan vào năm 2014. Trong Bộ Ngoại giao Mỹ, Ấn Độ nhận được sự ủng hộ rất tích cực của vụ Nam Á, do Trợ lý Ngoại trưởng Robert Blake đứng đầu. Ông R. Blake và những người cấp phó của ông trước đây đã từng ở Niu Đêli, hiểu rõ sự quan ngại của Ấn Độ. Ông Kurt Campbell, hiện là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về Đông Á, đã đi đầu trong một nỗ lực táo bạo buộc chính quyền Mỹ nhìn nhận Niu Đêli từ khía cạnh của cán cân lực lượng ở châu Á chứ không phải là từ khía cạnh của những tranh cãi giữa Ấn Độ với Pakixtan. Tuy nhiên, có tin ông Campbell cũng sẽ rời chính quyền Obama trong nhiệm kỳ hai này. 

Cũng có sự thay đổi trong Lầu Năm Góc, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và viên phó của ông là Ash Carter đã cố gắng loại bỏ những hạn chế về hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Niu Đêli phải tự chuẩn bị cho những thay đổi trong Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được viện Carnegie Endowment công bố tại Oasinhtơn, Ashley Tellis - người đóng vai trò chủ chốt trong việc làm thay đổi quan hệ Ấn-Mỹ - cho rằng việc mở rộng cơ bản mối quan hệ song phương trong vài năm qua có thể đã không diễn ra nếu không có sáng kiến hạt nhân dân sự của Mỹ, theo đó Mỹ đã đồng ý chia sẻ công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ năm 2006. A. Tellis nhắc lại rằng sáng kiến hạt nhân dân sự đã loại bỏ sự xa lánh giữa hai nước trong hơn ba thập niên. Đầu tư của Mỹ trong sáng kiến hạt nhân dân sự không phải để giành những hợp đồng thương mại ngay tức thì, cũng không dựa trên bất cứ hy vọng nào rằng Ấn Độ sẽ trở thành “người cùng hội cùng thuyền” với Mỹ trên trường quốc tế. Sáng kiến của cựu Tổng thống George W. Bush đối với Ấn Độ bắt nguồn từ lợi ích của chính Mỹ và được định hình bởi các nhà hoạch định chính sách Mỹ, vốn tin sáng kiến này là quan trọng để Mỹ thực hiện thành công các mục tiêu ở châu Á. Theo ông Tellis, chính sách này không nhằm kiềm chế hoặc cô lập Trung Quốc, nhưng nhằm tăng cường sức mạnh cho các nước khác ở châu Á và tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa họ. 

Về phần Niu Đêli, Tellis lập luận kế hoạch này không xoay quanh quá nhiều những gì Ấn Độ làm cho Mỹ mà chú trọng vào việc liệu Ấn Độ có nổi lên đủ nhanh để tạo cân bằng chiến lược châu Á, tạo thuận lợi cho lợi ích của Mỹ hay không. Do đó, chính sách của Mỹ là giúp đỡ sự trỗi dậy của Ấn Độ ở châu Á và trên trường quốc tế. Ngoài việc xác định hướng tiến triển quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, ông Tellis đã vạch ra một chương trình nghị sự tương lai cho nhiệm kỳ hai của chính quyền Obama. Ông kêu gọi Niu Đêli đẩy mạnh cải cách kinh tế và kêu gọi Oasinhtơn tích cực xem xét các cuộc thương lượng với Ấn Độ về một hiệp định thương mại tự do. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Ấn Độ cũng nằm trong danh mục ưu tiên cao của Mỹ mà ông Tellis vạch ra. Ông đề nghị Oasinhtơn tạo điều kiện dễ dàng hơn để Ấn Độ mua những công nghệ quốc phòng tiên tiến và xây dựng một căn cứ công nghiệp quốc phòng hiện đại. Tellis muốn Ấn Độ loại bỏ sự hạn chế hiện nay trong quan hệ với quân đội Mỹ. Ông kêu gọi Oasinhtơn và Niu Đêli tăng cường tham vấn và hợp tác về an ninh khu vực, đặc biệt là về Iran và Ápganixtan. Ông Tellis đã loại bỏ quan niệm sai lầm tại Mỹ về quan hệ đối tác Mỹ-Ấn, song vẫn không gạt bỏ được quan niệm của quốc tế rằng Niu Đêli đã mất ý chí chính trị để tiếp tục các mối quan hệ đối tác chiến lược với bất kỳ đối tác hữu nghị nào của mình. Từ Mỹ tới Băngla Đét và Ôxtrâylia tới châu Âu, những nước đã có những bước đột phá lớn với Ấn Độ trong vài năm qua, người ta không thể giấu diếm thất vọng khi không thể giành được cơ hội với Ấn Độ. Đã đến lúc Niu Đêli phải chứng minh rằng những lo ngại của bạn bè và đối tác của họ trên thế giới là sai lầm.

Theo Báo “The Indian Express

Hương Trà (gt)