Phương tiện truyền thông Mỹ đã mô tả việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc lãnh đạo và sáng kiến "Con đường Tơ lụa Mới" của Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với sự thống trị của Mỹ ở châu Á. Ngoài ra, Hiệp định Khu vực Tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP) cũng là sáng kiến của Trung Quốc. Phương tiện truyền thông Mỹ đã coi nó như đối thủ của TPP do Mỹ bảo trợ, một thành phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama. 

Obama đang nỗ lực vượt qua sự phản đối TPP ở trong chính đảng của mình cũng như đảng Cộng hòa và đã nhiều lần công khai về ý đồ của Trung Quốc. Ông Obama đã "phóng đại" mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc đối với Mỹ và đã đặt nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào một cuộc đối đầu. 

Trong thông điệp liên bang, Tổng thống Obama nói: "Trung Quốc muốn đưa ra các quy tắc cho khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này. Điều đó sẽ đẩy người lao động và các doanh nghiệp của chúng ta vào thế bất lợi. Tại sao chúng ta để điều đó xảy ra? Chúng ta nên đưa ra những quy tắc đó". 

Trong khi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á là có thực, thì phần lớn các thứ khác đều bị thổi phồng. Việc thổi phồng mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc đối với Mỹ chỉ đơn thuần là mánh khóe quảng cáo chính trị để giành lấy sự ủng hộ TPP trong nội bộ Mỹ. Việc Mỹ phản đối AIIB không phải là một lựa chọn hợp lý. Ngân hàng AIIB được thành lập sau những lời chỉ trích từ lâu về các tổ chức do Mỹ chi phối, chẳng hạn như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những thể chế này được đặt tại Washington sẽ chẳng giúp ích được nhiều cho các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia ở khu vực châu Á rất không hài lòng với cách đối xử của những thể chế hiện nay do Mỹ kiểm soát. AIIB sẽ là một lựa chọn khác cho các nền kinh tế mới nổi, và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của châu Á. 

Thay vì phản đối AIIB, Mỹ nên ủng hộ AIIB để đảm bảo sự gắn kết chiến lược, và làm như vậy sẽ tăng triển vọng AIIB trở thành một sự bổ sung hiệu quả cho các tổ chức hiện nay, chứ không phải là một sự thay thế. 

Sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc không nhằm tạo ra thách thức đối với sự thống trị của Mỹ ở châu Á. Sáng kiến này không phải là một công cụ để cạnh tranh địa chính trị. Nó nhằm mục đích cải thiện khả năng kết nối và cung cấp nhiều dịch vụ công hơn cho người dân trong khu vực. Nó tìm kiếm sự tham vấn rộng rãi, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, và thúc đẩy sự phát triển trong khu vực cũng như giúp phục hồi kinh tế toàn cầu. 

Không giống như AIIB và Con đường tơ lụa mới, FTAAP không phải là sáng kiến của người Trung Quốc và nó cũng không nhằm chống lại TPP. Việc đề xuất thành lập FTAAP là nhằm tăng cường hoạt động thương mại trong tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) bao gồm tất cả 21 nước thành viên khu vực vành đai Thái Bình Dương. Trớ trêu thay, khái niệm FTAAP ban đầu được người Mỹ đưa ra. Hơn nữa, FTAAP không nhất thiết phải là một thách thức đối với TPP; hai mô hình thương mại này có thể tương thích, thậm chí bổ sung cho nhau. Theo Giám đốc điều hành APEC Alan Bollard, TPP có thể là một bước đệm cho FTAAP. Ông cũng chỉ ra rằng FTAAP không nhất thiết phải cạnh tranh với TPP. 

Khi các cuộc đàm phán TPP gần kết thúc, đảng Cộng hòa và một số thành viên đảng Dân chủ đã phản đối. Các nghị sỹ thuộc Hội Trà, những người lâu nay không ủng hộ Obama, đã không ngần ngại phản đối lời đề nghị Quốc hội của Obama trao quyền thúc đẩy đàm phán TPP. Phản đối từ các thành viên đảng Dân chủ đã chứng tỏ nội bộ Mỹ bất đồng sâu sắc về TPP. Mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc đối với Mỹ bị phóng đại. Trong thời điểm này, đây đơn thuần chỉ là một thủ thuật chính trị được sử dụng bởi một số chính trị gia Mỹ thông minh để giành sự ủng hộ nội bộ trong vấn đề TPP. 

Quan hệ kinh tế Mỹ-Trung không phải là trò chơi "một mất một còn". Sự thịnh vượng của Trung Quốc không ảnh hưởng đến Mỹ. Thay vào đó, sự nổi lên của một Trung Quốc thịnh vượng là lợi ích tốt nhất cho cả Mỹ và thế giới. Trung Quốc và Mỹ cùng chia sẻ lợi ích to lớn và triển vọng mở rộng hợp tác. Một mối quan hệ tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không chỉ có lợi cho hai nước mà còn có những đóng góp đáng kể cho toàn thế giới. Người dân hai nước nên có một cái nhìn khách quan về quan hệ kinh tế Mỹ-Trung và tự mình đưa ra đánh giá.

Li Shengjiao là nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc. Ông nguyên là Tham tán của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Toronto và là nhà nghiên cứu cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Bài viết được đăng trên East Asia Forum.

Trần Quang (gt)