Why-China-Wants-the-South-China-Sea-440x329(1).jpg

Năm 2016 là một năm quan trọng đối với mối quan hệ ASEAN-Úc. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Úc diễn ra ngày 7/9/2016 tại Viêng Chăn (Lào), Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược Úc-ASEAN, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế và đối phó với các thách thức an ninh chung, đặc biệt là vấn đề khủng bố.

Bên cạnh đó, mặc dù không phải là một bên có tranh chấp ở Biển Đông nhưng Canberra cam kết sẽ sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để góp phần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi đó đã đánh giá rằng Úc "hiểu" được ASEAN cũng như các nhu cầu phát triển của tổ chức này.

Định hướng của Úc hướng tới châu Á-Thái Bình Dương có lẽ là chiến lược đầu tiên của Canberra đối với khu vực kể từ khi Úc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN vào năm 1974. Kể từ đó, Úc đã được mời tham dự và tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Bên cạnh đó, Úc hợp tác với ASEAN ở vị thế trung lập giữa phương Tây và châu Á. Úc muốn tham gia hợp tác ở khu vực này để giải quyết những khúc mắc liên quan đến vị trí của mình trong khu vực, đặc biệt hơn là Úc nhìn thấy tiềm năng trong hợp tác kinh doanh với các nước thành viên ASEAN.

Sự tham gia của Úc trong việc thành lập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) có thể được xem như một nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của khu vực Đông Á. Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd đã đưa ra đề xuất cho việc hình thành "Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương" vào năm 2020, trong đó sẽ bao gồm các quốc gia Mỹ, New Zealand, Trung Quốc và Ấn Độ, tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác an ninh và thương mại.

Các cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt tại Úc đã cho thấy một sự thay đổi rõ rệt trong việc Canberra định vị khu vực "châu Á-Thái Bình Dương" và "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" là quan trọng  trong chiến lược phát triển của mình. Năm 2014, trong bài phát biểu về "Chính sách viện trợ mới và khuôn khổ hoạt động" đối với khu vực châu Á, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nói rằng "trọng tâm chính sách đối ngoại của Canberra cần tập trung vào vùng Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương".

Tác giả Shane Preuss là chuyên gia phân tích chính trị thuộc Đại học Melbourne (Úc). Bài viết đăng trên “Bưu điện Jakarta” (ngày 13/1).

Nhật Linh (gt)