Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng tại cuộc gặp, ông Chu Lập Luân - Chủ tịch KMT hiện đang nắm quyền ở Đài Loan, bày tỏ hy vọng về việc hòn đảo này có thể đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức cũng như sự kiện quốc tế. Theo ông, Trung Quốc Đại lục "nên cho phép Đài Bắc có thêm không gian phát triển trên trường quốc tế". Tuy nhiên, một tuần trước cuộc gặp giữa ông Chu Lập Luân với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nepal đã từ chối tiếp nhận viện trợ từ Đài Loan dành cho nỗ lực khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng. Động thái này của Nepal được cho là tránh gây phiền toái với Trung Quốc. Từ trước tới nay, Bắc Kinh vẫn khăng khăng rằng các nước trên thế giới không nên công nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập và tách khỏi Đại lục.

Chỉ có Vatican, một số quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Phi, và một số đảo nhỏ ở Thái Bình Dương công nhận Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc coi đây là một phần lãnh thổ của mình và từ lâu vẫn tuyên bố sẽ giành lại bằng vũ lực. Năm 2008, khi ông Mã Anh Cửu được bầu làm Tổng thống, KMT đã áp dụng chính sách can dự đối với Đại lục. Cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu năm 2016 được coi là phép thử quan trọng đối với chính sách can dự này tại Đài Loan - một hòn đảo có 23 triệu dân. Không thể phủ nhận một thực tế rằng KMT ngày càng nhận thấy họ đang ở vào vị thế bất lợi khi bảo vệ những hành động của Trung Quốc. Rõ ràng, tương lai chính trị của KMT phụ thuộc rất nhiều vào mức độ nồng ấm trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Học giả J Michael Cole thuộc Viện Chính sách Trung Quốc (Đại học Nottingham - Anh) cho rằng thất bại trong chính sách can dự với Đại lục là điều không mong muốn của nội các Đài Loan. Tuần trước, người phụ trách ngoại giao của Đài Loan cho biết Nepal đã từ chối tiếp nhận một nhóm cứu trợ gồm 20 nhân viên mà hòn đảo này cử đến giúp khắc phục hậu quả trận động đất hôm 25/4. Tuy nhiên, Đài Loan cũng phủ nhận rằng có sức ép ngoại giao đằng sau động thái của Nepal. Theo người phụ trách ngoại giao của Đài Loan, Chính phủ Nepal quyết định tiếp nhận viện trợ trước tiên là từ các nước láng giềng. Tuy nhiên, thật khó giải thích khi Nepal lại nhận sự trợ giúp của Nhật Bản - quốc gia ở xa Kathmandu hơn Đài Bắc khoảng 1.500 km.

Ngay sau khi xảy ra thảm họa ở Nepal, Trung Quốc đã ráo riết triển khai hoạt động cứu trợ. Và truyền thông Trung Quốc nhanh chóng đăng tải những hình ảnh lực lượng cứu hộ nước này đào bới và kéo các nạn nhân ra khỏi đống đổ nát. Hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có gây sức ép với Nepal trong vấn đề tiếp nhận cứu trợ từ Đài Loan hay không. Theo Giáo sư Bruce Jacobs tại Đại học Monash (Melbourne - Úc), giả sử điều này xảy ra, thì chứng tỏ Nepal khá thận trọng và cố gắng tránh gây căng thẳng với Trung Quốc... Năm 1999, khi xảy ra động đất mạnh ở Đài Loan, Trung Quốc không cho phép máy bay Nga vận chuyển hàng cứu trợ đi qua không phận của mình.

Vào trung tuần tháng 4/2015, Trung Quốc cũng bác đơn xin gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) với tư cách một thành viên sáng lập mà Đài Loan đệ trình. Là nước khởi xướng sáng kiến thành lập AIIB, Trung Quốc đề ra nguyên tắc cơ bản: chỉ cho phép các quốc gia có chủ quyền được làm thành viên sáng lập. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, chứ không phải quốc gia có chủ quyền và độc lập. Giờ đây, giới chức ở Đài Loan đang hướng đến mục tiêu trở thành thành viên bình thường của AIIB.

Những động thái này từ phía Trung Quốc dường như đang làm lung lay lập luận của KTM rằng chính sách tăng cường quan hệ nồng ấm với Đại lục sẽ mang lại kết quả khả quan. Năm 2014, phong trào Hoa hướng dương nổ ra ở Đài Loan khi các sinh viên và nhà hoạt động chiếm trụ sở cơ quan lập pháp trong gần một tháng. Họ phản đối việc KMT ủng hộ thỏa thuận tự do về dịch vụ với Đại lục. Và cũng cuối năm ngoái, Trung Quốc Đại lục đã bác bỏ yêu sách của sinh viên Hong Kong về quy chế bầu cử tự do cho đặc khu hành chính này. Không ít người ở Đài Loan lên tiếng cảnh báo về một kịch bản tương tự nếu rơi vào vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.

Theo "Thời báo Tài chính" (ngày 4/5)

Mỹ Anh (gt)